1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga và Mỹ đang dần đạt được thỏa thuận về xung đột ở Syria?

Với việc đưa quân đội tới Syria, Mỹ đã phác họa một chiến lược “khá hợp lý” trong liên minh với người Kurd và đối thoại với Nga. Cho đến giờ, chiến lược đã diễn biến ra sao?

Đài RT của Nga đã có bài phỏng vấn nhà địa chính trị học Alexandre Del Valle, về vấn đề này.

Alexandre Del Valle là nhà phân tích địa chính trị, nhà giáo, nhà văn và là tác giả của nhiều cuốn sách như: Chaos syrien, Le Complexe occidental. Tác phẩm gần đây nhất của ông là Les Vrais Ennemis de l’Occident (tạm dịch: Kẻ thù thực sự của phương Tây).

RT: Lầu Năm Góc khẳng định vào ngày 6-3, lực lượng bộ binh Mỹ đã hiện diện tại khu vực Manbij (miền bắc Syria) để thể hiện “dấu hiệu can ngăn” đối với các bên tham chiến trong khu vực này. Ông có nghĩ đây là lựa chọn phù hợp?

Alexandre Del Valle (ADV): Theo quan điểm của tôi, chuyện này không hẳn là xấu vì hiện nay Mỹ rõ ràng đã lựa chọn lực lượng các tay súng Kurd làm đồng minh để chống lại chiến binh Hồi giáo. Họ muốn giữ quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại không muốn nhượng bộ trước lời răn đe xóa sổ người Kurd của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Nga đã lựa chọn đối địch lực lượng Kurd để làm hài lòng Thổ Nhĩ Kỳ. Cho nên, chính quyền Erdogan nghiêng về hướng đồng minh với Nga hơn là Mỹ, nhưng cả Nga và Mỹ đều không thực sự có ý định tiêu diệt những tay súng Kurd như mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, tôi có thể hiểu được hành động này của Mỹ. Đây là lựa chọn khá hợp lý. Họ vẫn giữ ý định giữ quan hệ thân thiện với Thổ Nhĩ Kỳ nên đã đưa ra giải pháp trung lập và sẽ can thiệp khi cần thiết.

Nếu như không có các lực lượng can thiệp đến từ Nga và Mỹ ở Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây chiến với Iran. Chuyện này sẽ tạo ra thiệt hại khủng khiếp trong khu vực. Nếu Nga và Mỹ cùng đồng lòng, hoặc ít nhất là không chống lại nhau thì binh lính mà họ mang đến sẽ cân bằng với lực lượng chiến đấu địa phương hiện đang mất kiểm soát.

Tư lệnh quân đội 3 nước Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận chung về Syria hôm 7-3.
Tư lệnh quân đội 3 nước Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận chung về Syria hôm 7-3.

RT: Tham mưu trưởng của các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã tổ chức cuộc họp về tình hình Syria hôm 7-3. Cùng ngày, tờ Times cho biết giữa Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận chung. Liệu đây có phải là hợp tác thực sự của 2 nước về vấn đề Syria không?

ADV: Washington và Moskva không có cùng mục tiêu ở Syria. Khác với Nga, Mỹ không muốn Tổng thống Syria Baschar Al-Assad tiếp tục nắm quyền. Nhưng thách thức của Mỹ lúc này không còn là lật đổ ông Assad. Dù sao thì tình hình vẫn có tiến triển. Thú vị là Donald Trump thuộc típ người theo chủ nghĩa thực dụng, thậm chí ông bị nhiều chê trách và lên án khi quá gần gũi với Nga.

Ngay lúc này, trong vấn đề của Syria thì hành động này không phải là sự nhượng bộ, trái lại không có lý do xác đáng để Mỹ giữ khoảng cách và đối đầu với Nga. Thay vào đó, đáng chú ý hơn là sự hợp tác của cả 2 cường quốc trong hoạch định chiến lược: Bắc Âu và phòng vệ của các nước phương Đông, nhưng chủ yếu vẫn là trục châu Á và chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo quan điểm này, ông Donald Trump hiểu rằng việc tranh luận với Moskva là vô nghĩa bởi vì lúc này họ có cùng một kẻ thù: Hồi giáo cực đoan. Đây là điểm khác biệt so với chính quyền Obama, thể hiện ở sự do dự trong cuộc chiến chống lại Tổng thống Bachar Al-Assad và những chính sách “không-không” (trung lập). Với Donald Trump, ông đã hiểu rằng mục tiêu ưu tiên trong vấn đề Syria là đánh bại Hồi giáo cực đoan. Mặc kệ Thổ Nhĩ Kỳ có phật ý hay không, chính quyền của ông Trump sẽ không bỏ rơi lực lượng Kurd.

Tôi chỉ sợ rằng vị tân Tổng thống Mỹ này sẽ khôi phục quan hệ với Erdogan và thông báo đây là đồng minh lớn của ông ta. Vì vậy, tôi cho là lựa chọn này rất tốt. Bấy giờ, Mỹ và Nga có nhiều lợi ích tại Syria, mặc dù không giống nhau nhưng họ đã chịu quy tụ lại trong một vài khu vực.

Đây là một bước tiến tốt, mặc dù không thể áp dụng chung cho mọi vấn đề. Mỗi chuyện một khác. Không có thỏa thuận chung giữa Mỹ và Nga. Nhiều vấn đề vẫn tồn tại giữa 2 nước. Nhưng vấn đề Syria, thậm chí là cả Iraq, thỏa thuận này có thể diễn ra.

RT: Ông có nghĩ rằng trong tương lai, thỏa thuận như vậy cũng xảy ra với Iran không? Nếu có thì điều đó có là bước tiến quá lớn với Mỹ không?

ADV: Vấn đề Iran thì khó khăn hơn nhiều. Ngay chính bản thân Nga cũng không đạt được hết tất cả thỏa thuận với Iran trong nhiều chuyện ở Syria. Mặc dù họ đứng cùng một chiến tuyến nhưng lại không có cùng mục tiêu. Lực lượng của Nga vẫn thường xuyên ép những dân quân Shiite thân Iran tuân theo một số thỏa thuận, ví dụ như rút khỏi quân nổi loạn.

Nga và Iran thường xảy ra bất đồng trong vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ và quân phiến loạn. Đôi khi, Nga cũng thấy khó chịu bởi sự cuồng tín của những đồng minh người Shiite ở Iran. Vì vậy, không còn nhiều thỏa thuận giữa Nga và Iran. Chúng không hoàn hảo. Không chỉ vậy, xét trên một số điểm, thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Nga có thể sẽ mạnh hơn giữa Nga và Iran.

Về phía Mỹ, chắc chắn rằng sẽ rất khó khăn để họ có thể hòa hảo với Iran. Bởi vì mục đích chiến lược của Iran là làm suy yếu đồng minh của Mỹ trong khu vực, tức là các nước Hồi giáo Sunni (nhánh lớn nhất của đạo Hồi). Iran và Mỹ hoàn toàn không có cùng những mối quan tâm. Cho nên, Nga có thể đóng vai trò rất quan trọng nếu trở thành cầu nối trung gian giữa Tehran và Washington để tìm ra những giải pháp thực tế.

Không chắc sẽ hòa giải được 2 nước, nhưng trong chuyện của Syria thì tôi nhấn mạnh rằng Nga có thể ngăn Mỹ và Iran xảy ra đối đầu trực tiếp. Hoặc cũng có thể là ngược lại. Mỹ là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trong xung đột Syria, họ có lập trường trái ngược nhau. Trong khi quân đội Mỹ dựa vào các tay súng người Kurd để chống lại IS thì chính quyền Ankara lại muốn tiêu diệt lực lượng Kurd ở Syria vì e ngại họ sẽ liên kết với các phiến quân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở cả 2 trường hợp, Nga, cùng chung quan điểm đối đầu thánh chiến Hồi giáo với Mỹ, sẽ là trung gian để đạt được một thỏa thuận hoàn hảo và cả sự cân bằng tổng thể.

Quân đội Mỹ tại Syria hôm 6-3.
Quân đội Mỹ tại Syria hôm 6-3.

RT: Hiện đang là một cuộc chạy đua thời gian giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng Kurd và chính quyền Syria tại Raqqa (thành phố ở phía bắc miền trung bộ Syria) coi ai sẽ là người khởi động cuộc chiến chống IS. Chúng ta có thể trông đợi một sự phối hợp hành động hay là sẽ có cuộc chiến đẫm máu giữa các phe phái liên quan?

ADV: Không nhất thiết sẽ là một cuộc tắm máu. Chắc hẳn Thổ Nhĩ Kỳ muốn dẫn đầu cuộc chiến, các tay súng Kurd cũng muốn điều đó nhưng họ vẫn chờ hợp tác với chính quyền Syria để ngăn chặn, không cho Thổ Nhĩ Kỳ về nhất. Iran cũng muốn dự phần cuộc chiến. Nga đóng vai trò hỗ trợ. Trong số tất cả kẻ thù của IS, Nga ít có động thái nhất và cũng là lực lượng trung gian - hỗ trợ khí thế cho các thế lực muốn tiêu diệt khủng bố.

Không thể phủ nhận, đây cũng là cuộc chiến kịch liệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran, lực lượng Kurd, lực lượng Shiite thân Iran và quân đội chính quốc Syria để giành lại lãnh thổ. Cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Trường hợp này sẽ tốt hơn nếu các cường quốc gặp gỡ, thảo luận và tìm ra giải pháp.

Ở một khía cạnh nào đó thì đây là cơ hội cho 2 vị Tổng thống Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan sau 1 năm khủng hoảng. Và “tâm sự” như thể “Chúng ta không thể gây ra chiến tranh thế giới vì vậy chúng ta sẽ chia sẻ khu vực ảnh hưởng, cố gắng tránh đối đầu. Mặc dù chúng ta không thể cùng có những mục tiêu và những kẻ thù chung, nhưng ngay lúc này điểm chung của chúng ta là IS”.

Theo tôi, đó là lý do tại sao mà chúng ta cần tìm ra một giải pháp chính trị để không phải loại bỏ ai. Vào đầu cuộc khủng hoảng, phương Tây đã phạm phải sai lầm khi gạt bỏ Nga và Iran, cũng như các điều kiện lật đổ chế độ và sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chúng ta không thể thương lượng bằng những điều kiện bất khả thi và không thực tế. Chúng ta phải xem xét tất cả mọi yếu tố liên quan. Ngoại giao là lựa chọn tốt cho trường hợp này.

Theo M.T (tổng hợp)

An ninh thế giới