1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga - Syria đang hụt hơi sau trận chiến Aleppo?

Nga muốn rút khỏi Syria thì chỉ còn cách cải tổ, xây dựng lại cơ cấu, tổ chức Quân đội Syria lên chính quy, tập trung, thống nhất.

Nhìn sang chiến dịch giải phóng Mosul của Liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đã rơi vào bế tắc như thế nào thì mới hiểu hết tầm vóc chiến thắng của Nga-Syria tại Aleppo.

Vậy sau chiến thắng Aleppo thì tình hình quân sự chính trị sẽ diến biến ra sao?

Giao ban tác chiến chiến trường

1. Tình hình quân nổi dậy và IS

Sau khi mất Aleppo thì sức chiến đấu của các nhóm nổi dậy chống chính phủ đã giảm sút nhiều. Họ mất ý chí chiến đấu, mất vị trí đứng chân chiến lược, mất sự tài trợ, hậu thuẫn… cho nên khả năng tổ chức các trận tấn công lớn là rất khó xảy ra. Ít nhất họ phải có thời gian để củng cố lực lượng.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng với lực lượng proxy FSA đang tấn công đánh chiếm Al-Bab từ tay IS. Tuy nhiên, họ đã phải lùi lại khi vấp phải kháng cự mạnh của IS.

Chiến dịch Lá chắn Euphrates đã chịu thất bại lớn nhất kể từ khi tiến hành có nhiều nguyên nhân, trong đó, theo sỹ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có 40 trong số 400 chiến binh FSA là tham gia cùng với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, còn lại đã bỏ chạy khi giáp mặt với IS.

Qua đây mới thấy rõ ý chí chiến đấu của lực lượng “đối lập ôn hòa” nói chung nó cao như thế nào. Nổi loạn, bạo loạn, nó khác với đối mặt với nhau trên chiến trường, nơi mà chiến thắng chỉ dành cho những người chiến đấu vì lý tưởng.

Đây là gánh nặng đặt trên vai Ankara đã buộc họ phải đưa thêm lực lượng vào Syria và tất nhiên, nguy cơ là Ankara càng đi gần đến vũng lầy Syria. Đồng thời đây cũng là căn cứ để Ankara có một giải pháp chính trị cho tình hình nếu như không muốn sa vào bãi lầy Syria.

Lực lượng khủng bố IS. IS đã yên tâm tại Mosul khi chắc chắn không bị Mỹ-Iraq tấn công mạnh, IS lợi dụng khi lực lượng thiện chiến của Syria tập trung vào Aleppo đã mở các trận tấn công vào quân đội Syria không chỉ tại Palmyra mà còn các nơi khác một cách dồn dập.

Có thể nói IS đang ở thế tấn công chứ không phải thế co cụm, phòng ngự. Tấn công trên mặt trận Iraq, Syria và tấn công khủng bố trên khắp Trung Đông và thậm chí sang cả nước Đức. Có vẻ như IS đang thể hiện vị thế của mình hay “con bài tẩy IS” chính thức được ai đó sử dụng?

2. Tình hình Nga-Syria

Đương nhiên, “không có bữa trưa nào miễn phí”, lực lượng mặt đất tham gia chiến dịch giải phóng Aleppo cũng bị “trầy vi tróc vảy”. Đây là những lực lượng thiện chiến, trung thành nhất của chính quyền Syria, cũng phải chịu tổn thất không nhỏ.

Nga và lực lượng đồng minh mặt đất như quân đội Syria, Hezbollah, Iran đang căng lực lượng để thực hiện 2 nhiệm vụ bảo vệ Aleppo và chống trả các cuộc tấn công của IS, trong đó bảo vệ Aleppo là nhiệm vụ tối quan trọng, ưu tiên hàng đầu.

Lực lượng mặt đất của Nga sau khi giải phóng Aleppo, bảo vệ Aleppo, đã trở nên mỏng manh trên chiến trường Syria rộng lớn, trong khi cơ cấu, tổ chức chưa được củng cố, cải tổ, nâng cấp, đã tỏ ra lúng túng trước các đòn tấn công của IS.

Hiện nay thế trận của Nga-Syria được xác định là thế trận phòng ngự.

Hoạt động của Nga-Syria tiếp theo là gì?

Đừng vội nghĩ rằng sau chiến thắng Aleppo là Nga-Syria sẽ phát triển tiếp vào Idlib hay giải phóng lại Palmyra… Muốn có điều này thì Nga-Syria phải giải quyết xong 2 nhiệm vụ quan trọng.

Thứ nhất là phải bảo vệ bằng được Aleppo.

Thất bại tại Aleppo không phải chỉ là thất bại của các nhóm nổi dậy và al-Nusra mà còn là của Mỹ và phương Tây. Vì thế, trong khi lực lượng mỏng thì phải co về phòng thủ bảo vệ kết quả thì Nga-Syria phải thực hiện một chiến thuật mới, an toàn, tránh sa lầy cho quân đội Nga.

Đó là, mặt trận giao quân đội Syria, hậu phương, lực lượng “gìn giữ hòa bình” của Nga đảm nhiệm. Có nghĩa là, phía sau, dưới đất có quân đội Nga, phía trước tham gia tấn công trực tiếp phiến quân, là lực lượng mặt đất mũi nhọn, đi đầu.

Đến đây thì mọi thắc mắc khó hiểu khi Nga điều 2 tiểu đoàn thiện chiến quen tác chiến đường phố sang Aleppo làm nhiệm vụ đã lên đường. Họ có nhiệm vụ bảo vệ trước các đòn tấn công từ phía Idlib nếu có và giữ gìn an ninh trật tự cho Aleppo.

Lực lượng cảnh sát quân sự Nga đã đến Aleppo
Lực lượng cảnh sát quân sự Nga đã đến Aleppo

Thứ hai là nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh, tổ chức lực lượng Syria.

Chiến thắng Aleppo đã khích động tinh thần của quân dân Syria lên cao, là một điều kiện thuận lợi cho Assad bổ sung lực lượng. Lệnh tổng động viên của chính quyền Assad vừa ban ra sẽ có tác dụng. Đó là lý do vì sao Assad ban hành lệnh tổng động viên vào thời điểm này thay vì trước đây.

Quân đội Syria nói riêng và lực lượng vũ trang Syria nói chung là một lực lượng thiếu tập trung và không thống nhất tất cả trên các mặt từ chỉ huy tham mưu, huấn luyện chiến đấu cho đến tổ chức lực lượng như tuyển quân, mua sắm trang bị…

Không tổ chức sắp xếp lại thành một đội quân chính quy, thống nhất chỉ huy tham mưu từ trung ương đến đơn vị cơ sở thì Assad sẽ không làm được gì nếu thiếu quân đội Nga. Do vậy, Nga muốn rút khỏi Syria thì chỉ còn cách cải tổ, xây dựng lại cơ cấu, tổ chức này.

Thất bại tại Palmyra là một bài học quý giá cho Nga-Assad đánh giá nhìn nhận về các lực lượng địa phương, được coi như các nhóm quân sự ủng hộ chính phủ, khi được giao “tài sản” cho họ canh giữ. Rõ ràng lực lượng con Hổ (Tigers), Lữ đoàn diều hâu sa mạc… không kham nổi tất cả.

Tuy nhiên, xây dựng một quân đội không phải ngày một ngày hai, trong khi tình hình “nước sôi lửa bỏng” thế này thì tìm kiếm một giải pháp hòa bình Syria để tập trung lực lượng đối phó với IS là sách lược khôn ngoan nhất.

Đó chính là lý do vì sao sau chiến thắng Aleppo, Tổng thống Nga Putin đã đề xuất ngừng bắn với các nhóm nổi dậy, thỏa thuận tìm một giải pháp hòa bình chỉ với 3 quốc gia Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt