1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga rút quân khỏi Syria, ông Putin chia tiếp ván bài nào?

Không quân Nga vẫn ở lại Trung Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn điều thêm lục quân hay để dành cửa thoát cho ông Assad?

Sputnik hôm 14/3 đưa thông tin cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu rút quân khỏi Syria bắt đầu từ ngày 15/3.

"Tôi cho rằng các mục tiêu được đặt ra cho Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang Nga nhìn chung đã được hoàn thành. Đó là lý do tại sao tôi ra lệnh bắt đầu rút bộ phận chính trong nhómquân sự của chúng tôi khỏi lãnh thổ Cộng hòa Arab Syria từ ngày mai", Sputnik dẫn lời ông Putin, hôm 14/3 nói trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Tổng thống Nga Putin (giữa) trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu (phải) và Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Tổng thống Nga Putin (giữa) trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu (phải) và Ngoại trưởng Sergey Lavrov.

Tổng thống Putin nói thêm: "Với sự can thiệp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria và lực lượng yêu nước Syria đã có thể đạt được sự chuyển biến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố, và giành được thế chủ động trong hầu hết các khía cạnh".

Ông Putin bày tỏ hy vọng rằng quyết định này sẽ khuyến khích tất cả bên liên quan trong cuộc xung đột Syria theo đuổi một giải pháp hòa bình: "Tôi yêu cầu Ngoại trưởng tăng cường sự tham gia của Liên bang Nga trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình, hướng tới một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria".

"Các căn cứ của chúng tôi - căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân tại Hmeymim - vẫn sẽ hoạt động bình thường. Chúng cần được bảo vệ từ trên bộ, trên biển, và trên không.

Nhóm quân sự đó đã có mặt tại Syria suốt nhiều năm qua, và hiện sẽ phải đảm đương chức năng rất quan trọng trong việc giám sát lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình", ông cho biết.

Quá nhiều bất ngờ đối với truyền thông Mỹ và phương Tây, Reuters thắc mắc về tác động thực tế các thông báo của ông Putin nhất là khi họ ghi nhận, các lực lượng Nga chưa có dấu hiệu rút đi.

Reuters băn khoăn, không rõ Nga có dừng không kích tại Syria hay không bởi họ vẫn có thể tiến hành các đợt tấn công từ căn cứ Latakia.

Theo NYTimes, truyền thông Nga cho hay, lệnh trên của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh nội chiến Syria đang sắp bước vào năm thứ 6 và Liên Hiệp Quốc đang cố “làm sống lại” các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột này.

NYTimes cho rằng, mặc dù Mỹ và nhiều nước phương Tây tỏ ra bất ngờ với quyết định trên của ông Putin, nhưng một số nhà phân tích đã dự đoán được điều đó khi cho rằng Nga đã hoàn thành mục tiêu ở Syria và việc kéo dài thời gian triển khai quân sự ở nước này có thể gây ra những vấn đề không lường trước được.

Josh Earnest, Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết, ông vẫn chưa thấy báo cáo gì về việc Nga sẽ rút quân khỏi Syria nhưng chính quyền Obama thường xuyên bày tỏ sự thất vọng với việc Moscow hỗ trợ quân sự cho ông Assad. Ông cho rằng, điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình chuyển giao chính trị ở Syria.

Quả thực, ván bài mà ông Putin đang chơi ở Trung Đông có quá nhiều chiến thuật và chưa ai hiểu rõ ý đồ của ông muốn gì.

Cửa thoát cho Tổng thống Bashar al-Assad?

Các nhà ngoại giao phương Tây cũng tỏ ra dè dặt khi đưa ra nhận định về quyết định này của Nga. Họ suy đoán ông Putin đang cố gây áp lực buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chấp nhận chuyển giao quyền lực.

“Tuy nhiên, không phải tất cả những gì Nga hứa đều thành hiện thực”, một nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters.

Ý đồ này được nhanh chóng đưa ra đầu tiên khi bình luận về sự vụ quan trọng này của Nga ở Trung Đông bởi ngay trước thềm cuộc hòa đàm Syria ở Geneva - Thụy Sĩ ngày 14/3, Damascus nhấn mạnh không được “đụng” đến tương lai của Tổng thống Assad.

Phe nổi dậy Syria hoài nghi cũng không kém.

“Tôi không hiểu thông báo của Nga. Nó bất ngờ như khi họ nhảy vào cuộc chiến”, Fadi Ahmad, Phát ngôn viên của Đơn vị Duyên hải số 1 (một nhóm thuộc lực lượng Quân đội Syria tự do đang đóng ở vùng Tây Bắc Syria), nói.

Người phát ngôn của phe đối lập Syria Salim al-Muslat cho hay: “Chẳng ai hiểu nổi Putin đang nghĩ gì nhưng ông ta không có quyền ở lại trên đất nước chúng tôi. Họ cứ đi thôi”.

Hãng tin TASS của Nga cho hay, chính quyền Syria và Nga đã nhất trí về việc giảm bớt sự hiện diện của không quân tại nước này sau khi Damascus giành được ưu thế quân sự.

Tuy nhiên, 2 bên cũng nhất trí về việc Moskva duy trì căn cứ không quân Hmeymim và một cơ sở hải quân ở Tartous của Syria nhằm "hỗ trợ giám sát lệnh ngừng bắn".

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, lãnh đạo hai nước đã không đề cập đến số phận Tổng thống Syria Assad. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng, việc Nga rút quân có thể nhằm gây sức ép và khiến chính quyền Damascus phải thay đổi.

Sự thay đổi mà Nga mong muốn có thể là Tổng thống Syria Assad phải ra đi hoặc thành lập nhà nước liên bang tại đây.

Căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria. Ảnh: Sputnik
Căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria. Ảnh: Sputnik

Còn nhớ những ngày đầu tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố về một mô hình nhà nước liên bang tại Syria sẽ giúp quốc gia này duy trì được sự thống nhất, một nhà nước thế tục độc lập, có chủ quyền.

Mặc dù vậy, khi trả lời phỏng vấn của Hãng tin RIA Novosti ngày 14/3, Ngoại trưởng Nga Lavrov vẫn khẳng định nước này ủng hộ quyết định của người dân Syria và bất kỳ cơ cấu chính phủ nào được họ ủng hộ.

Vì đã hoàn thành nhiệm vụ hay phải đợi lục quân ra tay?

Tờ Harretz của Israel ngày 15/3 cho rằng, chỉ có Putin mới biết được Nga được gì và mất gì sau hành động quân sự tại Syria.

Rút quân khỏi Syria, ông Putin cũng không nói rõ nguyên nhân ông mang quân đến đây và thực sự tình trạng hiện nay ở quốc gia này.

Nếu mục đích quân sự của Nga thể hiện ở Syria là giúp đỡ chống lại lực lượng khủng bố Hồi giáo IS thì rõ ràng "hoàn thành nhiệm vụ" không phải là từ thích hợp trong tình hình này.

Mặt trận al-Nursal và Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng vẫn tồn tại và chưa có dấu hiệu sẽ buông tay gác súng. Có chăng đó chỉ là từ những thông tin báo cáo hằng ngày của Bộ Quốc phòng Nga về tình hình thực địa tác chiến luôn là tiêu diệt hàng trăm khủng bố, phá hủy các căn cứ của phe khủng bố...

Quyết định rút quân khỏi Syria của Putin, theo Harretz là có vẻ như Putin phải thừa nhận rằng, không quân Nga chẳng thể làm gì nhiều hơn nữa ở Syria nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng lục quân Nga.

Và như vậy, quyết định tạm rút có lẽ chỉ là một cuộc biểu dương lực lượng đúng nghĩa, không quân Nga đã có thể về nước để phục vụ các mục đích quân sự quốc gia tại quê nhà và Syria hay phe khủng bố Trung Đông sẽ chuẩn bị đón nhận đợt tấn công mới của Lục quân nước này?

Theo Thạch Tú (Tổng hợp)

Đất Việt