1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga rút quân khiến phương Tây dỡ bỏ cấm vận?

Tuyên bố rút quân khỏi Syria của Nga được kỳ vọng sẽ khiến phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang là rào cản của sự hợp tác song phương.

Phương Tây ngã mũ thán phục Nga

Quyết định rút quân khỏi Syria từ ngày 15/3 của Tổng thống Nga Putin đã khiến phương Tây đi từ chỗ bất ngờ tới thán phục quyết định của ông chủ điện Kremlin. Rất nhiều những nhận định, quan điểm đồng tình cũng như ca ngợi dành cho tổng thống Putin sau tuyên bố này.

Ông Mark Galeotti, giáo sư các vấn đề quốc tế đại học New York, khẳng định quyết định trên của ông Putin là bước đi “sắc sảo và thực dụng”.

Nhìn lại sự sa lầy của Liên Xô cũ suốt 10 năm sau khi điều quân vào Afghanistan, cùng sự hiện diện gia tăng gần đây của các lực lượng bộ binh Nga tại Syria, ông Galeotti cho rằng quyết định rút quân của Putin là “hành động ấn tượng của một chính khách bản lĩnh”.

“Các chính trị gia thường thấy dễ dàng phát động một cuộc chiến hơn là kết thúc chúng, leo thang hơn là rút lui. Với một nhà lãnh đạo - người đã thực sự thể hiện hình ảnh của một chính khách quyền lực cùng chính sách đối ngoại mạnh mẽ trong những năm qua, việc lựa chọn rút quân là hành động ấn tượng của một chính khách”, ông Galeotti nhận định.

Tuyên bố rút quân của Nga khiến nhiều nước thán phục.
Tuyên bố rút quân của Nga khiến nhiều nước thán phục.

Chuyên gia này cũng đồng ý với tuyên bố của người đứng đầu điện Kremlin rằng, các mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự tại Syria đã hoàn tất.

Theo ông, thứ nhất Moskva đã khẳng định vị thế của mình trong khu vực và tiếng nói tại một đất nước Syria trong tương lai; thứ hai là bảo vệ khách hàng quan trọng cuối cùng của Nga tại Trung Đông và cuối cùng là buộc phương Tây, mà chủ yếu là Washington, ngừng các nỗ lực cô lập Moskva về ngoại giao. Đến nay, ít nhất cả 3 mục tiêu này đều đã đạt được.

Ngoài ra, với dư luận trong nước, quyết định rút quân của Putin chắc chắn sẽ loại trừ lo ngại về sự sa lầy quân sự và tổn thất.

Cũng đưa ra nhận định về vấn đề này, ông Robert Legvold, giáo sư danh dự ngành khoa học chính trị, đại học Columbia, cho rằng Nga đã dạy cho thế giới bài học về “đánh nhanh rút gọn” một cách hiệu quả.

Ông phân tích thêm: “Putin biết rằng Nga có thể mắc kẹt với một cam kết mở, trong một vũng lầy, tiêu tốn tiền bạc và rồi một lúc nào đó cũng phải chọn cách chấm dứt và bỏ chạy. Bằng việc ra đi vào lúc này, ông ấy có thể tuyên bố nhiệm vụ đã thành công”.

Trong khi đó, Matthew Rojansky, giám đốc Viện nghiên cứu Kennan tại Trung tâm Wilson thì tin rằng, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã giúp xoay chuyển cục diện theo hướng có lợi cho ông Assad, và “giúp Kremlin có thể đạt được một thỏa thuận có lợi với phương Tây”.

“Putin luôn có thể điều quân trở lại Syria, một cách đột ngột đầy kịch tính hoặc từng bước một, nhằm đáp trả một sự nghi ngờ vi phạm thỏa thuận hòa bình của phương Tây hoặc các đồng minh”, vị giáo sư nhận định.

Ngay cả ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng tin rằng việc Nga rút quân đã gia tăng sức ép lên chính quyền Assad, khiến họ phải đàm phán tích cực hơn. Ngoại trưởng Pháp thì chào đón quyết định với khẳng định “bất kỳ điều gì giúp hạ nhiệt căng thẳng tại Syria nên được khuyến khích”.

Rõ ràng với quyết định rút quân khỏi Syria của Nga đang nhận được sự tán thưởng và đánh giá cao từ phương Tây. Từ sự bất ngờ, nghi ngại, các nước đã chuyển thái độ dành những lời ngợi khen cho chính quyền Tổng thống Putin.

Phương Tây sẽ dỡ bỏ cấm vận Nga?

Việc Nga nhanh chóng rút quân khỏi Syria là “gáo nước lạnh” dội vào tuyên bố trước đó của Tổng thống Mỹ Obama rằng, ông Putin đang “sa vào vũng lầy” tại quốc gia Trung Đông đang chìm trong nội chiến và chắc chắn nhà lãnh đạo Nga sẽ phải hối tiếc.

Chỉ mới gần đây, Tổng thống Mỹ còn nhắc lại rằng, Nga đang phải “căng ra hết cỡ” và phải chấp nhận “đổ máu” ở Syria. Tại thời điểm đó, ông Obama vẫn cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria sẽ kéo dài giống như khi Liên Xô trước đây can thiệp quân sự vào Afghanistan (kéo dài tới 9 năm).

Quyết định rút quân khỏi Syria của Nga được dự đoán có thể khiến phương Tây dỡ bỏ cấm vận Nga.
Quyết định rút quân khỏi Syria của Nga được dự đoán có thể khiến phương Tây dỡ bỏ cấm vận Nga.

Quyết định rút quân bất ngờ của điện Kremlin được ví như một bước đi chiến thuật khiến cho mọi toan tính trước đó của Nhà Trắng bị sụp đổ và bản thân tổng thống Obama cũng mất mặt trước dư luận.

Tuy nhiên điều Nga thu được nhiều hơn cả nhờ quyết định này đó là sự đồng thuận và ủng hộ từ các nước phương Tây. Giới phân tích dự báo với những thay đổi tích cực trong quan điểm và suy nghĩ, chắc chắn mối quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Và cũng chẳng lấy gì làm bất ngờ khi các nước chấp nhận dỡ bỏ lệnh cấm vận và chuyển sang đẩy mạnh quan hệ với Nga.

Thực tế ý tưởng gạt bỏ những bất đồng và khôi phục lại mối quan hệ với Nga đã từng được nhiều nước phương Tây nhắc đến trước đó.

Còn nhớ, ngày 5/1/2015, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố trước truyền thông nước mình rằng, đã đến lúc châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moskva sau khi Nga cho thấy những thiện chí trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Hồi tháng 11 năm ngoái, người đứng đầu Uỷ ban Châu Âu - ông Jean-Claude Juncker đã bất ngờ đưa ra đề xuất khôi phục lại quan hệ kinh tế giữa Nga với EU.

"Chúng ta phải nỗ lực để có được một mối quan hệ thực tế với Nga. Chúng ta không thể tiếp tục như hiện tại”, ông Juncker tuyên bố.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cũng từng đưa ra cảnh báo sự suy yếu của Nga "là cực kỳ nguy hiểm cho toàn thế giới".

Chính trị gia Đức đã cảnh báo phương Tây đang cố gắng để làm suy yếu Moskva "về kinh tế và chính trị." "Những ai muốn gây ra tình hình đó phải biết rằng, thậm chí nó đang gây nguy hiểm hơn cho tất cả chúng ta ở châu Âu" - ông Sigmar Gabriel nói.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 14/3 vừa qua, ngoại trưởng các nước trong Liên minh EU đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ nhằm thảo luận và xem xét lại mối quan hệ với Nga sau chuỗi thời gian dài bị phủ bóng đen.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng EU "cần có cách giải quyết rõ ràng đối với mối quan hệ với Nga trong tương lai," đồng thời khẳng định liên minh này cần duy trì mối quan hệ với Moskva trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc và giá trị châu Âu.

Trong khi đó, bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU và Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cũng nhận định đã đến lúc cần có "cái nhìn khác" và "đúng đắn" đối với mối quan hệ EU-Nga.

Rõ ràng, phương Tây đã ngập ngừng nâng lên đặt xuống rất nhiều lần về việc cân bằng lợi ích quốc gia và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với Nga. Tuy nhiên chưa có những quyết định tác động trực tiếp xua tan những do dự trong lòng các nước phương Tây.

Với quyết định rút quân táo bạo của mình, chính quyền Tổng thống Putin đã cải thiện hình ảnh trong mắt Mỹ, Đức, Anh về một nước Nga có trách nhiệm, thân thiện, một đối tác hoàn hảo.

Sự thay đổi là cần thiết và phương Tây đang hướng đến điều đó bằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Moskva.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt