1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga - “Nhà môi giới” quyền lực tại Trung Đông

Bình luận về vai trò của Nga tại khu vực Trung Đông, tờ Foreign Affairs mới đây dự đoán, chắc chắn, Nga sẽ nổi lên thành một “nhà môi giới” quyền lực ngang hàng và thậm chí còn quan trọng hơn Mỹ, sau khi thành công ở nơi Mỹ đã thất bại.

Nga - “Nhà môi giới” quyền lực tại Trung Đông - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: Reuters)

Thông điệp về sức mạnh quân sự và kỹ năng ngoại giao của Nga sẽ vượt ra ngoài phạm vi Trung Đông và thúc đẩy việc công nhận Nga là một cường quốc toàn cầu.    

Từng hiện diện khắp Trung Đông

Nga từng thành công ở Trung Đông. Lực lượng không quân Nga đã cứu chế độ Assad khỏi một thất bại chắc chắn xảy ra. Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel phải chấp nhận sự hiện diện của binh lính Nga ở biên giới nước mình. Saudi Arabia đã trải thảm đỏ tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin. Và Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm ơn ông Putin vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Nga đã hiện diện trên khắp Trung Đông, từ Bắc Phi đến vịnh Persia từ các vị khách cấp cao, vũ khí, binh lính cho đến những thỏa thuận xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân.

Tờ Foreign Affairs nhận định, sự trỗi dậy trở lại của Nga với tư cách một “nhà môi giới” quyền lực lớn ở Trung Đông là rất đáng chú ý, không chỉ vì điều này trái ngược với lập trường không nhất quán của Mỹ trong khu vực mà còn vì trong 1/4 thế kỷ sau Chiến tranh Lạnh, Nga đã không hiện diện trong khu vực này. Tuy nhiên, sự vắng bóng của Nga, chứ không phải sự trở lại của siêu cường này, mới là điều bất thường.

Trong hàng thế kỷ, Nga đã chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp để giành quyền tiếp cận Địa Trung Hải, bảo vệ các tín đồ Cơ Đốc giáo dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman và giữ một chỗ đứng ở vùng Đất Thánh. Trong phần lớn kỷ nguyên hậu Thế chiến II, Liên Xô là lực lượng chính ở Trung Đông.

Moscow đã hỗ trợ Tổ chức giải phóng Palestine trong cuộc đấu tranh chống lại Israel. Ai Cập và Syria đã tiến hành chiến tranh chống lại Israel bằng vũ khí của Liên Xô, với sự giúp đỡ từ các cố vấn quân sự và thậm chí đôi khi là cả các phi công Liên Xô.

Sau đó, vào cuối những năm 1980, Liên Xô rơi vào thời kỳ khó khăn và nhanh chóng rút lực lượng. Trong 2 thập kỷ sau đó, sự hiện diện của Nga ở Trung Đông chỉ là cho có. Mỹ dường như đã quen với việc tiến hành chiến tranh, áp đặt tầm nhìn chính trị của mình và trừng phạt các chính phủ không quy thuận.

Tình trạng này kéo dài cho đến năm 2015. Mùa Thu năm 2015, Nga đã điều binh lính đến Syria. Nhiều người kỳ vọng một liên minh các tổ chức đối lập do Mỹ hậu thuẫn sẽ giành chiến thắng trong cuộc nội chiến tại Syria và lật đổ chế độ Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, sức mạnh bất ngờ của quân đội Nga đã nhanh chóng làm thay đổi chiều hướng các sự kiện, cho thấy Trung Đông nếu không có Nga sẽ thực sự đi chệch hướng

Nga đang thực sự muốn gì?

Theo quan điểm của Moscow, việc quay trở lại chính trường quyền lực ở Trung Đông năm 2015 là một động thái hợp lý, thậm chí là cần thiết. Chế độ Assad là khách hàng còn lại cuối cùng của Nga – mà họ đã làm ăn kinh doanh cùng trong nửa thập kỷ trước.

Giờ đây, Assad đang gặp nguy hiểm, sắp sửa bị liên minh các tổ chức đối lập do Mỹ hậu thuẫn đánh bại. Việc cứu chế độ Syria vừa là điều cần thiết nếu Nga muốn duy trì chỗ đứng ở Trung Đông, vừa là một cơ hội để “giáng đòn” vào Mỹ.

Hơn nữa, Nga có những quan ngại an ninh trong nước về tác động gián tiếp của cuộc chiến ở Syria. Có nguồn tin cho biết, một vài trong số các tổ chức cấp tiến nhất trong cuộc nội chiến Syria đã tiếp nhận hàng trăm, có thể là hàng nghìn, chiến binh Nga vào hàng ngũ với họ. Do có vị trí địa lý gần Trung Đông và đường biên giới dễ xâm nhập nên việc Nga chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố ở Syria, theo như lời ông Putin, hợp lý hơn là chờ “chúng đến gõ cửa”.

Mùa Thu năm 2015, khi ông Putin cử lực lượng không quân và bộ binh Nga đến Syria, Mỹ đã tỏ rõ rằng, họ sẽ không trực tiếp can thiệp cuộc nội chiến Syria. Do đó, nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự với Mỹ là rất nhỏ. Vẫn còn có nguy cơ hai lực lượng vô tình đối đầu nhau, nhưng nguy cơ này đã được giải quyết thông qua việc giảm xung đột. Điều này cũng được đánh giá là một chiến thắng đối với quân đội Nga vì nếu như trước đây Mỹ tự do hoạt động ở Syria theo ý muốn thì giờ đây, họ phải phối hợp hoạt động với Nga.

Theo quan điểm của Moscow, chiến dịch Syria là một thành công – nơi Nga không phải chịu nhiều tổn thất về tính mạng hay tài sản. Thay vào đó, cuộc can thiệp này đã khôi phục vị trí nổi bật của Nga ở Trung Đông, chứng tỏ sức mạnh mới được khôi phục của quân đội Nga và mang đến nhiều cơ hội để thử các vũ khí mới.

Giờ đây, tất cả các nước trong khu vực cũng sẽ biết rằng, Nga giúp đỡ đồng đội của mình – không như Mỹ, bỏ rơi bạn bè khi vừa thấy dấu hiệu khó khăn đầu tiên, như họ từng làm với cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vào năm 2011.

Thành tựu đi đôi với thách thức

Iran, Israel và Saudi Arabia đang chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh ủy nhiệm ác liệt ở Syria và Điện Kremlin đã tự đặt mình vào vị trí một nhà môi giới quyền lực cho tất cả các bên. Nga có thể đàm phán và có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả, do đó Nga có vai trò không thể thiếu.

Tuy nhiên, trong một khu vực bị chia rẽ bởi những bất hòa về tôn giáo, ý thức hệ và địa chính trị, và từ lâu đã chứng kiến những cuộc cạnh tranh dữ dội, một “nhà môi giới” quyền lực cần phải có khả năng hành động chứ không chỉ là đàm phán với tất cả các bên tham gia.

Israel muốn Nga kiềm chế Iran và Hezbollah ở Syria, trong khi đó Iran và Hezbollah vẫn có ý định tiến hành chiến dịch chống nhà nước Do Thái. Saudi Arabia muốn Nga đứng về phía họ trong cuộc đối đầu với Iran. Trong khi đó, Nga đã đầu tư đáng kể vào mối quan hệ với Iran và sẽ không hy sinh nó để đổi lấy mối quan hệ tốt đẹp hơn với Israel hay Saudi Arabia.

Tháng 6/2018, tại Jerusalem, Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev đã đưa ra quan điểm rõ ràng, bác bỏ những cáo buộc của Mỹ và Israel rằng, Iran là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Trung Đông và gọi các cuộc tấn công của Israel là điều không mong muốn.

Theo giới quan sát, một giải pháp chính trị ở Syria sẽ là thành tựu lớn nhất sau nỗ lực quân sự của Moscow. Chắc chắn, Nga sẽ nổi lên thành một “nhà môi giới” quyền lực ngang hàng và thậm chí còn quan trọng hơn Mỹ, sau khi thành công ở nơi Mỹ đã thất bại. Thông điệp về sức mạnh quân sự và kỹ năng ngoại giao của Nga sẽ vượt ra ngoài phạm vi Trung Đông và thúc đẩy việc công nhận Nga là một cường quốc toàn cầu.

Sau khi đảm bảo hòa bình ở Syria, Nga có thể trông cậy vào nguồn tài trợ của châu Âu và các nước Arab giàu có để tái thiết Syria. Điều này sẽ mang đến những hợp đồng sinh lợi cho các công ty Nga có quan hệ thân thiết với Điện Kremlin.

Để mang lại một nền hòa bình bền vững, Nga sẽ cần phải kiềm chế Iran và Hezbollah, cũng như trấn an Israel và Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình an ninh. Hiện tại, châu Âu hay bất kỳ nước nào khác đều không vội vã chi trả khoản phí tổn khổng lồ cho công cuộc tái thiết Syria. Nga không thể giải quyết vấn đề nan giải này mà không khiến một số quốc gia phật lòng.

Nga đã quay trở lại một khu vực rộng lớn và bất ổn đúng lúc nơi đây bắt đầu thích nghi với sự không chắc chắn của một trạng thái bình thường mới đang xuất hiện: “Một Trung Đông hậu Mỹ”. Dù vậy, rất ít chính phủ trong khu vực, nếu có, thực sự mong muốn Nga lấp vào chỗ trống mà Mỹ để lại khi nước này rút quân và tập trung sự chú ý và các nguồn lực của họ vào nơi khác.

Thành tích của quân đội Nga ở Syria và việc ông Putin được tiếp đón nồng nhiệt ở Saudi Arabia không thể che giấu thực tế rằng, nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn và khao khát các khoản đầu tư.

Đối với Điện Kremlin, các nước Arab vùng Vịnh giàu có là một cơ hội để xây dựng nguồn quỹ. Việc quân đội Nga dành khoản ngân sách tương đối hạn chế cho hoạt động mua bán cũng không còn là bí mật và các thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài là nguồn thu nhập chính của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Điều này cũng đúng với nền công nghiệp năng lượng hạt nhân của Nga. Mặc dù được quảng bá là doanh nghiệp mũi nhọn của ngành công nghiệp Nga, nhưng Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom vẫn chưa xây dựng được một nhà máy nào ngoài nhà máy Bushehr ở Iran, vốn mất vài thập kỷ mới hoàn thành.

Nga hầu như không mang lại điều gì cho các xã hội Arab trong khu vực, vốn cần an ninh, sự ổn định và các cơ hội hiện đại hóa chính trị và kinh tế. Các chuyến thăm cấp cao và các thương vụ mua bán vũ khí sẽ không đáp ứng được những mục tiêu đó.

Tuy nhiên, việc Nga quay trở lại Trung Đông không hẳn chỉ là đe dọa đến các lợi ích của Mỹ. Khi xem xét lại những lợi ích và cam kết của mình trong khu vực, Mỹ có thể tìm thấy những lĩnh vực mà lợi ích của Mỹ và Nga tương thích hay thậm chí là đồng nhất với nhau. Chẳng hạn, năm 2015, Mỹ và Nga đã có thể hợp tác trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo Thế giới & Việt Nam