1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga ngây thơ trong mắt NATO?

NATO liên tiếp buông lời đường mật với Nga nhưng lại ráo riết triển khai các hành động quân sự “thù địch”.

NATO nói ngọt

Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố rằng khối liên minh quân sự này không muốn tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Nga và chiến tranh lạnh.

Tuyên bố trên nhật báo Đức Die Welt ngày 1/5, Tổng thư ký NATO khẳng định: "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Nga. Chúng tôi không muốn chiến tranh lạnh. Chúng tôi không muốn một cuộc chạy đua vũ trang".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng để tiến hành cuộc đối thoại chính trị với LB Nga, cần phải "kiên quyết, sáng suốt và mạnh mẽ ".

Trả lời câu hỏi về việc ông có thấy cần phải xem xét lại chiến lược hạt nhân của khối trong quan hệ với Nga hay không, Tổng Thư ký Stoltenberg nói rằng NATO hiện "xa với việc sử dụng vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết, nhưng chừng nào thứ vũ khí này còn tồn tại trên thế giới thì NATO sẽ vẫn là một liên minh hạt nhân".

Chỉ một ngày sau khi đưa ra tuyên bố “vỗ về” Nga, ngày 2/5, NATO đã bắt đầu cuộc tập trận mùa Xuân quy mô lớn tại Estonia với sự tham gia của khoảng 6.000 binh sĩ.

Theo thông báo của Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Estonia, tham gia cuộc tập trận có binh sĩ của 10 nước thành viên NATO, trong đó có Hà Lan, Mỹ, Anh, Đức. Cuộc tập trận diễn ra ở khu vực miền Đông Estonia gần biên giới với Nga và kéo dài tới ngày 19/5.

Binh sĩ Estonia trong một cuộc tập trận chung của NATO
Binh sĩ Estonia trong một cuộc tập trận chung của NATO

Ngoài các binh sĩ, tham gia tập trận còn có các máy bay tiêm kích ném bom Su-22 của quân đội Ba Lan, trong khi quân đội Mỹ triển khai máy bay tiêm kích F-15, máy bay vận tải quân sự Chinook CH-47 và máy bay Bell V-22 Osprey.

Từ năm 2014, Estonia đã kêu gọi NATO thiết lập các căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ nước này, nhất là sau khi cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine bùng phát làm căng thẳng quan hệ giữa Nga với NATO.

Năm ngoái, Chính phủ Estonia đã phê chuẩn thỏa thuận cho phép các binh sĩ Mỹ được thâm nhập không hạn chế các cơ sở quân sự của quốc gia Baltic này, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho binh sĩ Mỹ tại khu vực các cơ sở trên.

Theo thỏa thuận, các quân nhân Mỹ được thâm nhập tự do vào căn cứ không quân Emary, nơi phiên chế các máy bay ném bom của các nước NATO bảo vệ không phận các nước vùng Baltic.

Tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, tướng Mỹ Philip Breedlove hôm 1/5 tuyên bố cần phải gia tăng số lượng các vệ tinh và phương tiện kỹ thuật khác để theo dõi giám sát lực lượng vũ trang Nga.

Thêm lời đường mật

Dù tiếp tục có những hành động quân sự sát biên giới Nga, song thành viên chủ chốt dẫn đầu NATO là Mỹ tiếp tục tung lời đường mật với Nga.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS ngày 26/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sai lầm khi coi NATO và Liên minh châu Âu (EU) "là mối đe dọa đối với sự hùng mạnh của Liên bang Nga".

Ông Obama nói: "Tôi nói với ông Putin rằng trên thực tế, một châu Âu thống nhất, hùng mạnh hợp tác với một nước Nga hùng mạnh, có ý định thiết lập quan hệ hữu hảo với các nước khác, là một giải pháp đúng đắn. Nhưng tạm thời ông Putin vẫn chưa bị thuyết phục hoàn toàn về điều này".

Trước đó, phát biểu trên diễn đàn của Mặt trận Nhân dân toàn Nga, ông Putin tuyên bố Moskva sẽ không cho phép để mất chủ quyền quốc gia, song lưu ý rằng Nga sẵn sàng thỏa hiệp và xem xét lợi ích của những bên khác và chờ đợi một thái độ tương tự từ phía đối tác.

Ông Putin từng nhận định rằng vấn nạn chính của châu Âu là lục địa này đã trao một phần chủ quyền cho Mỹ và từ chối vị thế độc lập trong chính sách đối ngoại.

Tuyên bố của lãnh đạo Nga và Mỹ được đưa ra trong bối cảnh ngày 25/4, Mỹ đã điều các máy bay tiêm kích F-22 đến Biển Đen để tham gia một cuộc diễn tập nhằm tăng cường sự hậu thuẫn quân sự cho các đồng minh Đông Âu của NATO, những nước cho rằng họ đang phải đối mặt với nguy cơ xâm lược từ Nga.

F-22 hạ cánh xuống căn cứ Siauliai của Litva hôm 27/4
F-22 hạ cánh xuống căn cứ Siauliai của Litva hôm 27/4

Mỹ đã triển khai 12 chiếc F-22 tại căn cứ Lakenheath, miền Đông của Anh. Trong khuôn khổ cuộc diễn tập trên, Washington đã điều hai chiếc F-22 cùng một máy bay tiếp liệu từ Anh tới một căn cứ không quân của Romania ở Biển Đen.

Mỹ cũng đã công khai và đang ráo riết thực hiện kế hoạch triển khai một lữ đoàn thiết giáp cùng hơn 4.000 binh sĩ sát sườn Tây của Nga. Động thái này vốn được giới phân tích gọi là chiến thuật “gài dây mìn” xung quanh Nga, buộc Nga phải trả giá và có thể làm bùng phát chiến tranh toàn diện.

Gió đổi chiều?

Những động thái trên của NATO diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-NATO bất ngờ được đánh giá là “đổi chiều”. Mới đây, một sự kiện không có nội dung quan trọng nhưng có ý nghĩa biểu tượng lớn: phiên họp của Hội đồng NATO-Nga đã được nối lại vào ngày 20/4 tại Brussels.

Theo giới phân tích phương Tây, sự kiện này cho thấy cả Nga và NATO muốn phác thảo một lộ trình để nối lại cuộc đối thoại giữa hai bên bị gián đoạn từ tháng 4/2014 do NATO quyết định phản ứng lại sự can thiệp của Nga vào cuộc xung đột ở Ukraine, ngừng tất cả các chương trình hợp tác giữa hai bên, kể cả quân sự lẫn dân sự.

Quyết định này sau đó được chính thức khẳng định tại kỳ họp thượng đỉnh NATO diễn ra tại xứ Wales tháng 9/2014, kèm theo một tuyên bố kêu gọi Nga chấm dứt chiếm đóng Crimea.

Tờ Le Monde của Pháp dẫn lời một nhà ngoại giao nói rằng, 2 năm đã trôi qua và dường như đã đến "thời điểm chín muồi" để mở lại các kênh đối thoại NATO-Nga, nhất là vào thời điểm liên minh này đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh mới, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới tại Warsaw (Ba Lan).

Từ trên xuống: Tiêm kích F-15E, F-15, F-22 của Mỹ cùng Typhoon của Anh tuần tra chung tại châu Âu
Từ trên xuống: Tiêm kích F-15E, F-15, F-22 của Mỹ cùng Typhoon của Anh tuần tra chung tại châu Âu

Con đường còn nhiều gập ghềnh, nhưng Paris và Berlin cuối cùng đã thuyết phục được các đối tác còn do dự nhất - các nước Baltic, Ba Lan và cả Canada - phải cam kết rằng: nối lại đối thoại không đồng nghĩa với hợp tác trở lại. Hơn nữa, sẽ không có chuyện để Nga tiếp tục là một đối tác thực sự của NATO như họ từng xem xét từ cách đây vài năm.

Tuyên bố này đã phần nào phản ánh đúng suy nghĩ thật và “bản chất” của NATO. Họ vừa muốn xa lánh, hay nói đúng hơn là tiếp tục đối đầu ngày càng gay gắt hơn nhưng lại không dám để leo thang vượt tầm kiểm soát.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov thẳng thắn nói rằng cuộc đối thoại này là "không hề dễ dàng". Quan chức Nga cũng không quên nhắc lại "hành động có tính chất rất thù dịch từ phía NATO liên quan đến tăng cường lực lượng ở gần biên giới với Nga”, đồng thời cho rằng “những hành động này tạo thành một mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh quốc gia của Nga”.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg khi nói về kết quả cuộc họp cũng khẳng định: "Cuộc gặp này không có nghĩa là chúng ta đang quay trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường".

Cả Nga và NATO đều thừa nhận giữa hai bên vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc.

Nga không ngây thơ

Chương trình thảo luận của Hội đồng NATO-Nga tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực. Vấn đề thứ nhất là cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thứ hai là “các hoạt động quân sự”, bàn về các biện pháp tránh tái diễn sự cố và “va chạm” ở khu vực biên giới. Nội dung thứ ba là trao đổi về tình hình tại Afghanistan và an ninh khu vực.

Truyền thông phương Tây loan tin rằng, Đức và Pháp sử dụng cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO vừa qua nhằm “định hướng” cho Hội nghị Thượng đỉnh Warsaw sắp tới, tránh để hội nghị này bị biến thành một sự kiện chống Nga như mong muốn của một số nước Đông Âu.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault trong chuyến thăm Moskva ngày 19/4 còn nhấn mạnh rằng cần có một phiên họp khác của NATO tập trung vào quan hệ với Nga trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Warsaw.

Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault (phải) tại Điện Kremlin hôm 19/4
Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault (phải) tại Điện Kremlin hôm 19/4

Tuy vậy, trên thực tế người Nga luôn kiên định với lập trường của mình. Điều đó được thể hiện rất rõ trong cuộc họp Hội đồng Nga-NATO hôm 20/4.

Thứ nhất, Nga không có ý định thảo luận về vấn đề Crimea dưới bất kỳ hình thức nào nào, nhất là với NATO. Nga kiên quyết khẳng định rằng vấn đề Crimea vĩnh viễn không cần phải bàn thêm.

Thứ hai, Nga nhiều lần khẳng định: "Moskva không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Đông Nam Ukraine và Nga không có trách nhiệm ký tên trong các thỏa thuận này".

Nga cho rằng chính Mỹ bằng cách này, hay cách khác cũng đã gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới cách hành xử của Ukraine, và điều này cũng được áp dụng cho phe đối lập ở Syria. Theo Nga, chính nhờ sự hậu thuẫn của Washington mà phe đối lập Syria thường xuyên vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Nga khẳng định đã làm tất cả mọi việc có thể để giải quyết tình trạng này, trong đó cũng đã kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad mở hành lang nhân đạo để cung cấp hàng viện trợ cho dân thường tại khu vực chiến sự. Và công việc này được làm dưới sự yểm trợ của không quân Nga.

Nga luôn duy trì quân đội sẵn sàng cảnh giác cao độ trước NATO
Nga luôn duy trì quân đội sẵn sàng cảnh giác cao độ trước NATO

Theo tờ Độc lập của Nga, Moskva lưu ý giới chức NATO có ý định nối lại các cuộc đối thoại với Nga trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO rằng chớ nên mượn diễn đàn này để gây áp lực chính trị với Nga.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, Nga không hài lòng với cách thức đối thoại 28-1 (28 thành viên NATO-Nga), mà sẽ thích hợp hơn nếu để mỗi quốc gia tham gia cuộc họp này được nói lên tiếng nói riêng của mình.

Tờ báo Nga đặt câu hỏi vì sao trong suốt 2 năm qua mọi nỗ lực của Nga nhằm nối lại quan hệ đối thoại Nga-NATO đã không được đếm xỉa, mà hiện nay NATO lại chủ động làm điều đó?

Phải chăng, bởi vì các biện pháp trừng phạt, mặc dù tác động đến nền kinh tế Nga, nhưng đã không thể thay đổi đường lối chính trị của Moskva.

Và những quân bài như Ukraine, Syria, số phận ông Assad, xung đột do Thổ Nhĩ Kỳ cố tình khơi ra, hay việc kêu gọi Nga phối hợp giải quyết dòng người tỵ nạn tràn vào châu Âu... đều không thể khiến NATO và Mỹ đạt được mục đích là gạt Nga khỏi cuộc chơi, làm Nga điêu đứng mà khuất phục, đã khiến phương Tây một lần nữa phải coi Nga như một đối tác tương xứng?

Theo Đông Triều

Đất Việt