1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga - Mỹ xích lại gần nhau sau họp bàn ở Moskva

Mỹ và Nga dường như đã phần nào xóa bỏ các bất đồng bấy lâu nay về vấn đề Syria, sau khi hai bên thỏa thuận sẽ chung tay nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng ở nước này...

... Đồng thời cam kết sẽ tham gia các vòng đàm phán về giải quyết khủng hoảng quốc tế dự kiến tổ chức trong tuần này ở New York, Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau cuộc họp hôm 15/12 ở Moskva. (Nguồn: NBC)

Sau cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ ở Moscow hôm 15/12 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cả hai bên dường như đã xích lại gần nhau hơn trong quan điểm về Syria, dù còn nhiều ý kiến trái chiều về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.

“Chúng tôi ủng hộ ý tưởng tổ chức một cuộc họp cấp Bộ trưởng khác của Nhóm Quốc tế Ủng hộ Syria ở New York vào ngày 18/12” -  Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói sau các vòng họp với ông Kerry, trong đó thảo luận cả về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và vấn đề Ukraine.

Ông Lavrov cùng người đồng cấp Mỹ nói rằng các vòng đàm phán ở New York sẽ là cơ hội để soạn thảo ra một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, nhằm thúc đẩy tiến trình hướng tới ký kết một lệnh ngừng bắn và tổ chức các vòng đối thoại chính trị giữa chính quyền ông Assad và lực lượng vũ trang nổi dậy ở Syria.

“Chúng tôi đã thảo luận hết sức chi tiết về sự cần thiết phải thúc đẩy các nỗ lực này” – ông Kerry nói – “Các bạn không thể tiêu diệt IS mà không giảm căng thẳng tình hình chiến sự ở Syria”.

Ở Washington, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng dự đoán rằng các vòng đàm phán ở New York trong thời gian tới đây cũng sẽ có động lực tương tự, giống như các vòng họp trước đây giữa 17 quốc gia được tổ chức ở Vienna.

Hai vị Ngoại trưởng Kerry và Lavrov đều thừa nhận rằng vẫn còn một số bất đồng quan điểm giữa Washington và Moscow xung quanh số phận của ông Assad, nhưng nhấn mạnh rằng họ sẽ không để điều đó phá hỏng các vòng đàm phán chính trị ở Syria.

“Chúng tôi không tin rằng tự bản thân ông Assad có khả năng dẫn dắt tương lai của Syria” – ông Kerry nói – “Nhưng hôm nay chúng tôi không tập trung vào những quan điểm khác biệt về số phận ông Assad, mà tập trung vào tiến trình chính trị để người dân Syria có thể tự quyết định về số phận của quốc gia”.

Ông Kerry cũng nói rằng ông đã truyền đạt nỗi quan ngại của Washington đến Tổng thống Putin rằng “một số cuộc không kích của Nga đã đáp trúng phe đối lập ôn hòa” ở Syria, chứ không phải IS. Tuy nhiên, đây là một cáo buộc mà trước đây Moscow từng bác bỏ vì không có dẫn chứng.

Hiện nay, Washington vẫn phải dựa vào tầm ảnh hưởng của Điện Kremlin nhằm kéo chính quyền Assad vào bàn đàm phán với các phe nổi dậy vũ trang ở Syria. Tuy nhiên, nỗ lực này trong suốt thời gian qua đã bị lu mờ do mối đe dọa từ tổ chức phiến quân IS ngày càng mở rộng ra khỏi biên giới nước này.

Ông Kerry hy vọng rằng nếu chính quyền Assad và phe nổi dậy có thể thỏa thuận được một lệnh ngừng bắn, thì Nga và liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu cùng các đồng minh Ả rập có thể rảnh tay để tiêu diệt IS.

Ông Lavrov cũng nói rằng cả hai bên đã thỏa thuận sẽ tăng cường các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố vì: “IS, Jabhat Al-Nusra cùng các tổ chức khủng bố khác là mối đe dọa chung đối với mỗi người chúng ta. Và hôm nay, chúng tôi nhắc lại quyết tâm của chúng tôi là tiêu diệt tận gốc các tổ chức khủng bố này”.

Hiện nay, Nga đã triển khai cả lực lượng không quân và hải quân đến Syria để hỗ trợ chính quyền nước này chống khủng bố IS, trong khi Mỹ cùng các đồng minh cũng đẩy mạnh không kích IS trên lãnh thổ Syria và Iraq. Không chỉ là vấn đề Syria, mà vấn đề Ukraine cũng là yếu tố gây căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Nga trong suốt thời gian qua.

Theo Khánh Duy

Đại đoàn kết