1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga không ngán khi Mỹ đưa SM-3 Block IIA đến Ba Lan

Hải quân Mỹ vừa tiếp tục thử nghiệm thành công SM-3 Block IIA - loại tên lửa đánh chặn cực mạnh sẽ được triển khai đến Ba Lan vào năm 2018.

Không có loại thứ 2

Thông tin về vụ thử nghiệm này được Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) cho biết trong thông cáo báo chí hôm 4/2, vụ thử nghiệm tên lửa SM-3IIA, phiên bản mới của tên lửa đánh chặn SM-3, đã được tiến hành trên tàu khu trục USS John Paul Jones đang hoạt động ngoài khơi Hawaii vào tối 3/2.

Sau khi các thiết bị phòng thủ tên lửa trên tàu phát hiện và theo dõi được tên lửa đạn đạo mục tiêu được phóng từ một thao trường ở Hawaii, tên lửa SM-3IIA đã được phóng đi và tiêu diệt thành công tên lửa mục tiêu.

Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa SM-3.
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa SM-3.

Tiến sĩ Taylor W. Lawrence, Giám đốc phát triển Hệ thống tên lửa Tập đoàn Raytheon khẳng định: "Vụ thử này sẽ giữ cho chương trình duy trì tốc độ phát triển dành cho phòng vệ trên biển và ven biển theo đúng khung thời gian kế hoạch vào năm 2018, Raytheon xây dựng hệ thống đánh chặn vô song trên không".

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ trang bị SM-3IIA trên khoảng hơn 100 chiến hạm, bao gồm các tuần dương hạm lớp Ticonderoga, khu trục hạm lớp Arleigh Burke và khu trục hạm lớp Zumwalt...

Hiện nay hệ thống Aegis Mỹ đã phát triển khá nhiều phiên bản của dòng tên lửa Standar Missile 3 (SM) hay còn gọi là RIM-161. Giá thành của loại tên lửa này từ 10-24 triệu USD, tùy theo từng phiên bản.

Phiên bản Block IA/B có tầm phóng vào khoảng 700 km, độ cao đánh chặn 500km, tốc độ 3km/s (Mach 10.2); Block IIA tầm phóng 2500 km, độ cao đánh chặn 1500km, tốc độ hơn 4,5km/s (Mach 15.25)

Tên lửa SM-3 Block IIA là tên lửa đánh chặn với thiết kế 3 tầng chính và 1 tầng trợ đẩy, sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn. Tên lửa có trọng lượng 1,5 tấn, chiều dài 6,55m, sải cánh 1,53m.

Tên lửa được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại cải tiến với động cơ tăng tốc hành trình cỡ lớn cho phép bay với tốc độ tối đa 15.25 mach (khoảng 5,6km/giây) và tiến công mục tiêu ở cự li lên tới 2.500km.

Các tên lửa SM-3 được sử dụng trên tàu chiến trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực Aegis kiểu 5.1 và hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41. Mỗi chiến hạm Aegis của Mỹ được trang bị 4 hoặc 6 quả tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3.

Để đánh chặn tên lửa đạn đạo, các hệ thống Aegis được tích hợp radar mảng pha điện tử 3D AN/SPY-1D (V) hiện đại nhất thế giới hiện nay, có khả năng điều khiển tấn công 18 mục tiêu khác nhau cùng một thời điểm, với độ chính xác cao. Trong tương lai, AN/SPY-1D (V) sẽ được thay thế bằng radar AMDR của hãng Raytheon, có tính năng cao hơn.

Hệ thống tác chiến Aegis trên tàu khu trục dựa vào các thông số cần thiết do radar cung cấp như tốc độ mục tiêu, quỹ đạo bay để tính toán giải pháp đánh chặn, sau đó hệ thống sẽ kích hoạt tên lửa đánh chặn SM-3 để tiêu diệt mục tiêu.

Quá trình đánh chặn của SM-3 chia làm 4 giai đoạn. 2 giai đoạn đầu, hệ thống động lực đẩy tên lửa bay vào tầng khí quyển, giai đoạn 3 nó điểm hỏa hai lần, đẩy tên lửa đánh chặn bay vượt lên trên tầng khí quyển Trái Đất.

Trước khi mỗi động cơ của tên lửa điểm hỏa, nó thu nhận và đọc dữ liệu định vị của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để hiệu chuẩn đường bay đến mục tiêu. Giai đoạn 4 là nhiệm vụ của đầu đạn đánh chặn động năng ngoài tầng khí quyển hạng nhẹ (LEAP), có trọng lượng chỉ 23kg. Đầu tiên, nó sử dụng bộ cảm biến hồng ngoại để gây nhiễu mục tiêu, sau đó mới bắn hạ.

Cụ thể, tầng khởi động lúc bắt đầu phóng của tên lửa SM-3 Block IIA sử dụng động cơ khởi động nhiên liệu rắn MK-72. Sau khi rời hệ thống phóng thẳng đứng Mk41, SM-3 Block IIA chủ yếu được dẫn đường bằng hệ thống quán tính.

Khi cháy hết nhiên liệu, tên lửa sẽ tách tầng thứ nhất là MK-72 và kích hoạt động cơ tăng tốc hành trình hai chế độ MK-104. Giai đoạn này, tên lửa được dẫn hướng thông qua radar Aegis SPY-1 bố trí trên tàu mẹ.

Với sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GPS, sau khi tách tầng đẩy MK-104, động cơ đẩy tăng cường MK-136 bắt đầu hoạt động. Hệ thống động cơ này hoạt động trong 30 giây sẽ kích hoạt và đưa tên lửa vượt ra ngoài tầng khí quyển.

Khi tầng đẩy MK-136 hết nhiên liệu, tên lửa sẽ tách lần cuối cùng và kết cấu tự dẫn sẽ đi vào hoạt động. Kết cấu tầng tự dẫn LEAP nặng 23kg được kích hoạt để kiểm soát và tấn công phá hủy mục tiêu.

Nga không ngán

Với khả năng đánh chặn của SM-3 Block IIA, Mỹ tin rằng sẽ không có loại tên lửa đánh chặn tương tự trên thế giới. Và vì vậy, sẽ không một loại tên lửa tấn công nào nằm trong tầm bắn mà có thể thoát khỏi SM-3 Block IIA một khi tên lửa này được khai hỏa.

Cùng với sự tự tin và kế hoạch triển khai SM-3 Block IIA đến Ba Lan vào năm 2018 của Mỹ, Nga không hề e ngại trước kế hoạch này. Bởi theo nguồn tin quân sự Moskva, họ đang sở hữu những tên lửa đạn đạo Iskander-M có thể khiến mọi nỗ lực đánh chặn của đối phương thành vô nghĩa.

Hệ thống Iskander-M của Nga.
Hệ thống Iskander-M của Nga.

Theo tuyên bố của Nga, khác hoàn toàn với tất cả các chủng loại tên lửa đạn đạo đã từng được biết đến, tên lửa Iskander được chế tạo trên cơ sở công nghệ “tàng hình” độc đáo của riêng người Nga – công nghệ tàng hình plasma.

Iskander được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt, nên rất linh hoạt và cơ động. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, nếu không muốn nói là không thể, bởi trong khi “bay lượn như chim”, độ quá tải của Iskander có thể vượt quá 20-30 lần sức hút của Trái Đất, trong khi đó những kiểu tên lửa phòng không đánh chặn của Mỹ và NATO chỉ có thể chịu được mức độ quá tải 3-4 lần.

Truyền thông Nga dẫn số liệu của chính các chuyên gia trong Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tên lửa Iskander có những tính năng độc nhất vô nhị, khả năng ưu việt và hiệu quả gấp 5-8 lần so với các tên lửa cùng loại của các nước ngoài.

Iskander là tên lửa sử dụng một tầng nhiên liệu đẩy, trang bị hệ thống dẫn đường đầy đủ, chiều dài của tên lửa là 7,2 m, đường kính 0,95 m, trọng lượng phóng 3,8 tấn, đầu đạn nặng 380 kg. Đặc biệt, tên lửa có thể tấn công các mục tiêu của đối phương với độ chính xác CEP chỉ 2 m. Do vậy, Iskander được coi là loại vũ khí quan trọng nhất để Nga có thể mặc cả với Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

Việc Nga chế tạo và biên chế tên lửa Iskander-M có ý nghĩa chiến lược đặc biệt trước những mối đe dọa ngày càng lớn từ nhiều thế lực bên ngoài. Theo nguồn tin quân sự Nga giấu tên cho biết: “Chương trình Iskander-M của Nga đang giải quyết nhiều vấn đề có liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ”.

Iskander-M được cho là vũ khí lợi hại nhất của Moscow để có thể nhanh chóng vô hiệu hóa các thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, trong trường hợp lá chắn tên lửa Mỹ đe dọa đáng kể sức mạnh của lực lượng tên lửa răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km. Như vậy, từ Kaliningrad, tên lửa có thể tiêu diệt hầu hết mục tiêu ở Baltic, ngoài ra nó có thể tiêu diệt một số mục tiêu ở Đức.

Tuy tên lửa Iskander-M từ Kaliningrad không bắn được tới Romania, nơi Mỹ triển khai các tên lửa đánh chặn SM-3 nhưng tên lửa này đủ khả năng khiến Ba Lan lãnh hậu quả nặng nề một khi xung đột xảy ra.

Ngoài ra, theo các chiến lược gia quân sự Nga, Moscow không có nhu cầu phải vô hiệu hóa các tên lửa đánh chặn ở Romania, bởi vì đằng nào chúng cũng sẽ không thể đánh chặn các tên lửa Nga.

Clip Mỹ thử nghiệm tên lửa SM-3 Block IIA:

Mỹ - Nhật thử thành công thế hệ mới của tên lửa SM-3

Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đã ra thông báo cho biết nước này và Nhật Bản đã thử thành công tên lửa SM-3 Block IIA, thế hệ mới của tên lửa SM-3, ở vùng biển phía Tây của đảo Hawaii.

Theo thông báo của cơ quan trên, tên lửa SM-3 Block IIA được phóng đi từ một tàu chiến của Hải quân Mỹ và đã đánh chặn thành công mục tiêu là tên lửa đạn đạo.

Đây là vụ thử thứ 3 và là vụ thử đánh chặn đầu tiên của tên lửa SM-3 Block IIA - phiên bản hiện đại nhất của mẫu tên lửa đánh chặn SM-3. Theo các báo cáo của MDA, SM-3 là mẫu tên lửa đánh chặn được thiết kế để phá huỷ các mối đe doạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, có thể lắp đặt trên các căn cứ có trang bị hệ thống Aegis Ashore và tàu chiến trang bị hệ thống chiến đấu Aegis. Trong phiên bản mới nhất, tên lửa SM-3 được trang bị động cơ đẩy lớn hơn và đầu đạn mạnh hơn.

Trong thông báo, MDA đánh giá: "Qua các dữ liệu ban đầu về khả năng tấn công mục tiêu, giới chức phụ trách chương trình phát triển SM-3 sẽ tiếp tục đánh giá về hiệu năng và các dữ liệu khác trong những lần phóng thử".

Còn theo Tập đoàn quốc phòng Raytheon, chương trình SM-3 đã thực hiện hơn 25 vụ phóng thử thành công và hơn 250 mẫu tên lửa này đã được bàn giao cho Hải quân Mỹ và Nhật Bản.

Tên lửa đánh chặn SM-3 là dự án phát triển chung giữa Raytheon và tập đoàn công nghiệp Mitsubishi của Nhật Bản. Kể từ năm 2006, Nhật Bản đã dành nhiều kinh phí để nghiên cứu và phát triển mẫu tên lửa đánh chặn này.

Lần đầu tiên Nhật Bản thử thành công SM-3 hồi tháng 12/2007, được phóng từ tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis mang ký hiệu Kongou của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Vụ thử thứ hai diễn ra năm 2008 nhưng không thành công do tên lửa đánh chặn, được phóng từ tàu khu trục Choukai, không tìm được mục tiêu.

Ngọc Anh

Theo Diplomat

Theo Thùy Dung

Đất Việt