1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đang là người giữ cây gậy ở Trung Đông?

Nga - Iran đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác lên tầm đối tác chiến lược khiến Nhà Trắng vô cùng lo lắng và bày tỏ quan ngại sâu sắc.

Mỹ quan ngại hợp tác Nga-Iran tại Syria

Ngày 8/3, phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, Tướng Lloyd Austin -Tư lệnh Bộ chỉ huy trung ương Mỹ bày tỏ quan ngại về việc hợp tác giữa Nga và Iran dường như đang có xu hướng bành trướng vượt quá giới hạn điều phối trong các chiến dịch quân sự ở Syria.

Theo tướng Lloyd Austin, các hoạt động hợp tác chặt chẽ, mạnh giữa Moskva và Tehran tại Syria là biểu hiện cho thấy hai nước này đang chuẩn bị nâng mức quan hệ lên cấp độ đối tác chiến lược trong tương lai không xa.

Tư lệnh Bộ chỉ huy trung ương Mỹ cho rằng, có các biểu hiện tiềm năng cho thấy, Nga và Iran có thể sẽ hợp tác sâu hơn thông qua một thoả thuận an ninh chiến lược và điều này có liên quan chặt chẽ đến chiếc ghế của Nga ở Hội đồng bảo An Liên Hợp Quốc và quan hệ của Iran với chính quyền Syria cũng như lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Vị tướng Mỹ chỉ rõ, Hoa Kỳ đã nhận thấy các tín hiệu này thông qua các thoả thuận mua bán vũ khí công nghệ cao cũng như hợp tác giữa Moskva và Tehran trên lĩnh vực kinh tế.

Gần đây mối quan hệ giữa Nga và Iran đang ngày càng được cải thiện rõ rệt thông qua các thỏa thuận hợp đồng vũ khí, hợp tác trao đổi trong nhiều lĩnh vực.

Còn nhớ, khi Nga bàn giao các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cho Iran, Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc.

Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga và Iran đang đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác.
Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga và Iran đang đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác.

Trước đó, điện Kremlin đã dỡ bỏ lệnh cấm bán tên lửa S-300 cho quân đội của nước cộng hoà Hồi giáo sau khi Iran và 6 cường quốc khác đạt được một thoả thuận hạt nhân khung hồi tháng 7 năm ngoái. Theo đó, các lệnh trừng phạt chống Iran đã được gỡ bỏ để đổi lại cam kết của Tehran trong các hoạt động sản xuất năng lượng hạt nhân vì hoà bình.

Trong khi đó, thực chất, liên minh Iran- Syria- Nga chống lại IS với người quản trò là Nga vốn đã được hình thành từ lâu.

Trong chuyến thăm Moskva hồi cuối tháng 7 năm ngoái, Tướng Qassem Soleimani- Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Al-Quds của Iran- đã bắn tín hiệu muốn hợp tác với Nga trong vấn đề Syria trong cuộc gặp bí mật với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Kuzhugetovich Shoigu và hội kiến với Tổng thống Putin.

Tướng Qassem Soleimani sau đó đã được đích thân Thủ lĩnh tối cao Iran Khamenei “chọn mặt gửi vàng” vì có nhiều kinh nghiệm chiến trường và từ lâu đã được coi là chỉ huy thực sự của Iran trên chiến trường Syria. Tướng Soleimani cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ và phương Tây.

Vấn đề chủ chốt trong liên minh Iran- Nga là cùng muốn duy trì vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh Trung Đông duy nhất của Nga và nằm trong trục Shiite do Iran dẫn đầu.

Nga đang là người giữ cây gậy ở Trung Đông?

Giới phân tích cho rằng sự lo lắng của Nhà Trắng hoàn toàn có cơ sở khi gần đây Moskva đang ngày càng cải thiện cũng như mở rộng quan hệ hợp tác, nâng tầm đối tác chiến lược với các quốc gia Trung Đông.

Gần đây nhất là quan hệ với Israel. Ngày 25/2, truyền thông nước này dẫn nguồn tin chính phủ cho hay, Tổng thống Reuven Rivlin đã quyết định hủy chuyến công du chính thức đến Australia vốn dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 13-22/3 và thay vào đó sẽ tới thủ đô Moskva để gặp Tổng thống Nga Putin.

Theo nguồn tin, Thủ tướng Netanyahu đã nói với Tổng thống Rivlin rằng xét trên góc độ ngoại giao, thì cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga quan trọng hơn vào thời điểm hiện tại.

Mỹ và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang cố tìm cách để ngăn chặn sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga
Mỹ và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang cố tìm cách để ngăn chặn sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga

“Do các diễn biến khu vực liên quan đến tình hình Trung Đông và nhu cầu về một cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo của Nga và Israel tại Moskva nên Tổng thống Rivlin đã buộc phải hoãn chuyến công du đến Australia. Quyết định này được đưa ra sau khi có sự tham vấn với các cơ quan hữu quan trong Bộ Ngoại giao và Thủ tướng Netanyahu”, Phủ Tổng thống Israel cho hay.

Động thái này của Israel chứng tỏ, họ biết rõ vai trò cũng như những lợi ích sẽ đạt được khi bắt tay với điện Kremlin trong cuộc nội chiến kéo dài tại Syria.

Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, Nga cũng tạo ra cơn địa chấn ở Trung Đông khi bắt tay Jordan thiết lập trung tâm chỉ huy tác chiến đặt tại Jordan, phụ trách chiến trường miền nam Syria. Đây được xem là bước chuyển đổi đột ngột trong chính sách của chính quyền Amman.

Thực tế, từ trước tới giờ, Jordan được cho là bên không ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, rõ nhất là việc Quốc vương Abdullah đã đồng ý để liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu lập Sở chỉ huy tiền tiêu ở phía bắc Amman, đặt dưới quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), coi đây là một cách đứng về phía Mỹ, Saudi Arabia và Israel.

Việc Quốc vương Abdullah thay đổi những tính toán và quyết định đồng hành cùng Moskva được xem như tạo ra một cuộc chơi mới về hoạch định chính sách, chia sẻ thông tin tình báo trên chiến trường Syria.

Trước đó, các nước Trung Đông khác như Iran, Syria cũng đồng loạt lên tiếng mời Nga không kích IS và bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối với Moskva.

Từ những điểm trên có thể thấy rằng điện Kremlin đang ngày càng nắm vai trò quan trọng và trở thành người giữ cây gậy quyết định ở Trung Đông.

Về phần Mỹ, đứng trước nguy cơ bị Nga lấn lướt, trong một tuyên bố hôm 8/3, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENCOM) của Mỹ, Tướng Lloyd Austin, đã đề nghị được phép khôi phục nỗ lực huấn luyện các tay súng đối lập Syria để chống lại phiến quân IS.

Tướng Austin nhấn mạnh rằng không giống với chương trình huấn luyện trước đây, vốn tìm cách tuyển mộ và đào tạo tất cả các tay súng bên ngoài lãnh thổ Syria để sau đó triển khai tới quốc gia Trung Đông này, chương trình huấn luyện mới của Mỹ sẽ tập trung vào các nhóm nhỏ hơn và trong một thời gian ngắn hơn.

Ngoài ra, ông Lloyd Austin đã trình các kiến nghị với giới chức Lầu Năm Góc, trong đó bao gồm cả những năng lực bổ sung mà Mỹ cần phải triển khai để đẩy nhanh các hoạt động “trong bối cảnh liên quân đang hướng tới mục tiêu đánh bại IS tại Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria)”, hai cứ điểm lớn nhất của nhóm cực đoan này.

Cùng với phản ứng của Nhà Trắng, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg cũng cáo buộc Nga chia rẽ khối đồng minh.

“Mọi nỗ lực của Moskva nhằm dọa dẫm các nước láng giềng và chia rẽ NATO, khối đồng minh sẽ đáp trả bằng việc củng cố sự đoàn kết và thích ứng với những diễn biến quân sự mới”, ông Jens Stoltenberg khẳng định.

Tổng Thư ký NATO cũng nhấn mạnh đến việc củng cố lực lượng của khối đồng minh ở khu vực Đông Âu sẽ giúp khối quân sự này kiểm soát được “sự hung hăng” từ Nga.

Ngoài ra, ông Stoltenberg khẳng định NATO cảm thấy vô cùng quan ngại khi quân đội Nga duy trì sự hiện diện ở Syria và Địa Trung Hải, điều khiến khối đồng minh phải đáp trả bằng sự triển khai thêm quân đội đến miền bắc Địa Trung Hải và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Hòa Bình (Tổng hợp)

Đất Việt