1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga chặn Đại Tây Dương, hải quân Mỹ khó đến châu Âu?

Các chuyên gia NATO vừa nêu lên mối lo ngại lớn nhất là việc hải quân Nga phong tỏa Đại Tây Dương, chặn đường hải quân Mỹ đến châu Âu.

NATO lo ngại về sức mạnh của Hải quân Nga

Một nhóm chuyên gia và cựu quan chức cao cấp NATO vừa nhận định rằng, Nga có thể phong tỏa sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu hoặc sự điều động lực lượng Mỹ đến khu vực này, nếu NATO không tăng cường kiểm soát trên Bắc Đại Tây Dương và xem xét lại chiến lược hải quân.

Ý kiến này được nêu trong một báo cáo trình bày tại Học viện Quân sự Hoàng gia Anh (RUSI) ở London đã nhấn mạnh tới khả năng cạnh tranh giữa quân đội NATO và Nga ở Bắc Đại Tây Dương và nhận định rằng, các biện pháp đối phó với sức mạnh của hải quân Nga là chưa đủ

Báo cáo "NATO và Bắc Đại Tây Dương: Khôi phục an ninh tập thể" được lập bởi nhóm các chuyên gia quân sự, trong đó có cựu tư lệnh NATO James Stavridis (2009-2013) cho biết, không thể xem thường hải quân Nga, Hạm đội mới của Putin có thể làm tê liệt châu Âu.

Các tác giả báo cáo lưu ý rằng, mọi biện pháp đối phó với mối đe dọa quân sự từ Nga của Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho đến nay mới chỉ được thực hiện trên mặt đất và trên không, liên minh chưa tăng cường sức mạnh cho các yếu tố cấu thành lực lượng hải quân.

Tài liệu nhận định, nếu NATO không kiểm soát hiệu quả Bắc Đại Tây Dương hay ít nhất là đủ khả năng ngăn chặn Nga tiếp cận hàng hải khu vực, thì Moscow hoàn toàn có thể phong tỏa lực lượng quân sự của NATO ở châu Âu hoặc cản trở sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu.

Trước đó, vào hồi tháng 2, các chuyên gia thuộc một trung tâm khác là IISS - chi nhánh London của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ đã nhắc nhở trong báo cáo thường niên rằng, phương Tây đang đánh mất vị trí dẫn đầu trong hàng loạt lĩnh vực quốc phòng.

Hải quân Nga trang bị hàng loạt tên lửa chống hạm rất uy lực (Ảnh minh họa)
Hải quân Nga trang bị hàng loạt tên lửa chống hạm rất uy lực (Ảnh minh họa)

Báo cáo của IISS cũng nhấn mạnh về chất lượng sẵn sàng chiến đấu cao của các Lực lượng vũ trang Nga, chú ý đến sự thay mới không ngừng các vũ khí trong quân đội, đồng thời cảnh báo NATO rằng, Nga đang nỗ lực triển khai rộng rãi những vũ khí hiện đại nhất, đặc biệt là các tàu chiến và tuần dương hạm chủ chốt ở Bắc Cực đã được trang bị tên lửa Kalibr.

Loại tên lửa này còn được lắp đặt trên các chiến hạm chưa tới 1.000 tấn, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 660km trên biển, các chiến hạm Nga có thể sử dụng tên lửa này để lập khu vực chống tiếp cận, ngăn chặn các tàu chiến Mỹ tiếp cận khu vực Đại Tây Dương.

Các tác giả báo cáo khẳng định rằng hải quân Nga đã có khả năng “làm tê liệt” châu Âu. Đặc biệt, các tàu ngầm mới của Moscow có thể cắt cáp ngầm dưới biển để phá trao đổi thông tin thương mại và quân sự giữa Mỹ và các nước châu Âu, hoặc tấn công các giàn khoan dầu ở Biển Bắc.

Nga đầy “thiện ý”, phương Tây đáp lại "thù địch"

Bình luận về những thông tin của giới lãnh đạo quân đội châu Âu, giới lãnh đạo quân sự Nga tuyên bố rằng, NATO nhận thức rõ là Moscow không có kế hoạch tấn công ai cả nhưng vẫn khai thác lý do này để bố trí thêm thiết bị và lực lượng bộ binh gần biên giới Nga.

Phó Giáo sư Nikolai Topornin, Ban Luật pháp châu Âu trường MGIMO Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Điện Kremlin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Nga không bao giờ nuôi ý định tấn công bất kỳ quốc gia NATO nào, mục đích chính của những thông tin kiểu này là nhằm kích động chống Nga.

Vị chuyên gia Nga nhấn mạnh về tính khách quan và tư cách của những người soạn thảo các bản tài liệu này. Nhà nghiên cứu Nga không loại trừ thực tế các chuyên gia tham gia soạn báo cáo của RUSI đã không nắm đủ kiến ​​thức về quân sự, nhưng điều này là rất khó xảy ra.

Tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov của Nga là một kho tên lửa di động trên biển
Tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov của Nga là một kho tên lửa di động trên biển

Đây đều là các quan chức và chuyên gia có tiếng tăm của phương Tây, do đó, nhiều phần là họ đang cố gắng dựng một bức tranh không khách quan về Nga.

Theo ông, ngay từ đầu họ đã muốn tìm cách hù dọa và thêu dệt chuyện hoang đường về Nga, thêu dệt chuyện Moscow đang tăng cường sự hiện diện quân sự kể cả hải quân, vi phạm những tiêu chuẩn chiến lược thế giới và có thể tạo ra những mối đe dọa nguy hiểm.

Lâu nay, các nhà lãnh đạo thế giới đã không ít lần bày tỏ những mong muốn xây dựng liên lạc. Theo vị chuyên gia Nga, xét về tổng thể quan hệ Nga-NATO thì việc xây dựng hợp tác là điều cần thiết và rất có lợi cho xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển trên thế giới.

Quả đúng là cần duy trì những liên lạc như vậy. Giữa hai bên thực tế không có những vấn đề nghiêm trọng về chiến lược, Nga chưa bao giờ có ý định tấn công quân sự vào NATO, mà chỉ có NATO đang ngày đêm âm mưu xiết chặt vòng vây xung quanh Nga.

Giới chức lãnh đạo Nga cũng đã nhiều lần phát biểu rằng, bất chấp những mâu thuẫn nhất định trong quan hệ Nga-NATO, cần thiết phải duy trì các liên lạc, tập trung nỗ lực vào những vấn đề có thể cùng nhau giải quyết, ví dụ như cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng của Nga làm tăng thêm sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai bên, nhằm hướng tới sự hợp tác thiết thực, nỗ lực hướng tới đối thoại của phương Tây hiện chỉ ở cấp độ những phát biểu hùng biện, những ngôn từ thiếu thiện cảm.

Theo Toàn Thắng

Đất Việt