1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga: 5 dự án quân sự quan trọng được ưu tiên phát triển tới năm 2030

Quân đội Nga đang ở ngưỡng cửa của sự chuyển đổi lớn kể từ khi Liên Xô tan vỡ. Để thực hiện kế hoạch này, Moscow tính toán tới năm 2020 sẽ thay thế tới 70% trang bị, vũ khí mới.

Với máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu sân bay, khu trục hạm và vũ khí hạt nhân thế hệ mới, Quân đội Nga sẽ tăng cường đáng kể khả năng bảo vệ lãnh thổ, cũng như khả năng can thiệp quân sự vào các vùng lãnh thổ quan trọng từng nằm trong Liên bang Xô Viết cũ. Sau đó có thể là vươn tới khả năng can thiệp toàn cầu như việc Nga triển khai lực lượng quân sự tại Syria hiện nay.

Chương trình đầy tham vọng trên trước đây được hỗ trợ bởi giá dầu mỏ cao và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Nga. Tới thời điểm hiện tại, nhiều chương trình phát triển vũ khí của Nga đã có phần chậm lại do giá dầu thế giới xuống thấp và các lệnh cấm vận do Mỹ và phương Tây áp đặt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tạp chí Mỹ The National Interest, ít nhất sẽ có 5 dự án quân sự quan trọng của Nga vẫn được ưu tiên phát triển và có thể trở thành các dòng vũ khí xương sống của Quân đội Nga tới năm 2030, nếu tình hình kinh tế sớm được cải thiện.

1. ICBM RS-24 Yars

Trong những năm gần đây, Nga đang nỗ lực thay thế các tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phiên bản giếng phóng cố định và ICBM phiên bản đặt trên xe dã chiến bằng các tổ hợp ICBM mới có khả năng cơ động trên toàn lãnh thổ rộng lớn của nước Nga. Một trong những dòng ICBM thế hệ mới này chính là RS-24 Yars. ICBM mới được được đưa vào trang bị năm 2010 với khả năng mang 4 đầu đạn có khả năng tự cơ động quỹ đạo, có sức công phá từ 150-250 Kiloton.

ICBM RS-24 Yars phiên bản đặt trên xe dã chiến. Ảnh: TASS
ICBM RS-24 Yars phiên bản đặt trên xe dã chiến. Ảnh: TASS

Tầm bắn của ICBM RS-24 Yars đạt 11.000km cho phép nó tấn công bất kỳ địa điểm nào trên đất Mỹ. Hệ thống dẫn đường kiểu mới kết hợp giữa quán tính, vệ tinh (GLONASS) và tham chiếu bản đồ hình sao của RS-24 Yars đảm bảo khả năng tấn công mục tiêu với sai số đường tròn đồng tâm (CEP) chỉ 250m. Đối với vũ khí hạt nhân cấp chiến lược, độ chính xác của RS-24 Yars thực sự nguy hiểm.

2. Chương trình máy bay thế hệ thứ 5 PAK FA

Mục tiêu chính của chương trình PAK FA là phát triển dòng máy bay thế hệ thứ 5 hiện đại dành cho Không quân Nga và Ấn Độ (FGFA). Chịu trách nhiệm phát triển dòng máy bay thế hệ 5 này là Tập đoàn Sukhoi, nơi đã cho ra mắt nhiều dòng máy bay chiến đấu danh tiếng.

Nguyên mẫu T-50-5P thuộc chương trình PAK FA tham gia giai đoạn thử nghiệm cấp quốc gia tại Nga. Ảnh:  russianplanes.net
Nguyên mẫu T-50-5P thuộc chương trình PAK FA tham gia giai đoạn thử nghiệm cấp quốc gia tại Nga. Ảnh: russianplanes.net

PAK FA được trang bị hệ thống radar mảng định pha chủ động hàng không cho phép không chiến hiệu quả kết hợp với các cảm biến quang-điện tử cho nhiệm vụ đối đất. Xét về hình dáng, PAK FA cũng được tối ưu khả năng khó bị nhận diện hay “tàng hình” và toàn bộ vũ khí được giấu trong các khoang kín trong thân và dưới cánh.

Động cơ phản lực mới “Sản phẩm 30” cung cấp lực đẩy tới 18 tấn và công nghệ thay đổi véc-tơ lực đẩy trang bị trên PAK FA giúp nó cực kỳ linh động trên không. Đây là một trong những yếu tố biến PAK FA trở thành đối thủ không thể coi thường của các dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới của Mỹ và phương Tây.

3. Hàng không mẫu hạm lớp Storm

Hiện tại, Hải quân Nga chỉ có tuần dương hạm tên lửa mang máy bay hay tàu sân bay duy nhất là chiếc Admiral Kuznetsov. Nó đã quá cũ và không còn đủ độ tin cậy trong tác chiến. Tuy nhiên, chiếc Admiral Kuznetsov sẽ sớm có “người kế nhiệm” khi Trung tâm thiết kế Krylov giới thiệu hàng không mẫu hạm thế hệ mới – lớp Storm.

Theo đó, tàu sân bay thuộc Đồ án 23000 Storm dài 330m, tổng trọng tải khoảng 100.000 tấn và tốc độ hải trình đạt 30 hải lý/giờ. Với thông số đó, tàu sân bay lớn Storm lớn hơn khoảng 60% so với chiếc Admiral Kuznetsov. Tầm hoạt động của lớp tàu sân bay mới sẽ không bị giới hạn nhờ trang bị động cơ hạt nhân.

Mô hình tàu sân bay lớp Storm. Ảnh: Rian.
Mô hình tàu sân bay lớp Storm. Ảnh: Rian.

Hoạt động trên tàu sân bay lớp Storm là 70-90 máy bay quân sự với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ngoài ra, sẽ có thêm khoảng hơn 10 máy bay trực thăng hải quân đa nhiệm phục vụ trên tàu với nhiệm vụ vận tải, săn ngầm và trinh sát. Tàu sân bay mới sẽ được trang bị các lớp phòng thủ chống lại phương tiện bay, tên lửa và ngư lôi của đối phương.

Xét về nhiều mặt, việc chế tạo tàu sân bay lớp Storm là khó khăn rất lớn đối với Moscow do Nga chưa từng có kinh nghiệm chế tạo tàu sân bay hoàn chỉnh trong quá khứ. Tuy nhiên, việc đóng tàu sân bay mới là vô cùng cấp thiết để đảm bảo duy trì sức mạnh của Hải quân Nga.

4. Khu trục hạm lớp Leader

Cùng với tàu sân bay lớp Storm, Hải quân Nga sẽ cần có khu trục hạm thế hệ mới để hộ tống. Khu trục hạm thuộc Đồ án 23.560 Leader chính là câu trả lời cho vấn đề này. Thiết kế cũng của Trung tâm Krylov được coi là “kho tên lửa” trên biển mới, với khả năng tác chiến hiệu quả cao Khu trục hạm mới được kỳ vọng sẽ thay thế các dòng khu trục hạm cũ và tuần dương hạm tên lửa hiện có của Hải quân Nga.

Mô hình của khu trục hạm lớp Leader. Ảnh: Rian
Mô hình của khu trục hạm lớp Leader. Ảnh: Rian

So với các khu trục hạm thông thường, Đồ án 23.560 Leader khá lớn với chiều dài 200m và lượng choán nước tới 17.500 tấn. Đây sẽ là lớp chiến hạm đa nhiệm. Với 200 đạn tên lửa các loại mang theo, gồm 60 tên lửa hành trình diệt hạm và 128 tên lửa phòng không, “kho vũ khí” nổi này sẽ là ác mộng với đối phương. Theo nhiều nguồn tin, khu trục hạm mới sẽ được tích hợp công nghệ tên lửa Zircon và S-500 trên khoang.

Dự kiến, khu trục hạm lớp Leader đầu tiên sẽ được đóng mới vào năm 2019 và Hải quân Nga mong muốn sở hữu 11 chiến hạm loại này.

5. Tên lửa hành trình không đối đất X-101

Không quân Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa hành trình X-101 (chữ X biểu tượng cho sản phẩm đang ở giai đoạn thử nghiệm) Raduga – Cầu vồng trong các đợt không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Ngay từ khi ra mắt, X-101 đã thể hiện được sự nguy hiểm đặc biệt so với các dòng tên lửa hành trình tầm xa hiện nay trên thế giới là khả năng bay bám địa hình cực thấp. Tính năng này kết hợp với thiết kế tàng hình giúp X-101 gần như vô hình đối với các thiết bị cảnh giới.

Các tên lửa X-101 lắp trên máy bay Tu-160 sử dụng trong chiến dịch tấn công IS tại Syria. Ảnh: Rian
Các tên lửa X-101 lắp trên máy bay Tu-160 sử dụng trong chiến dịch tấn công IS tại Syria. Ảnh: Rian

Xét về kích thước, X-101 khá lớn với chiều dài 7,5m, tổng trọng lượng 2,4 tấn. Động cơ phản lực cánh quạt cho phép X-101 khả năng bay cận âm với vận tốc đạt 0,77 Mach (Mach là tốc độ âm thanh). Hệ thống dẫn đường hành trình quán tính kết hợp định vị vệ tinh GLONASS giúp X-101 mang đầu đạn nặng tới 440kg thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân 250Kiloton tới mục tiêu với CEP chỉ 10m.

Đây quả là con số đáng nể với dòng tên lửa có tầm bắn tới 5.000km (nhiều nguồn tin còn cho rằng tầm bắn của X-101 tới 10.000km).

Theo Tuấn Sơn

Quân đội nhân dân