1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nếu xé lẻ, ASEAN không thể đương đầu Trung Quốc

Việc các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra tuyên bố chung về tình hình nghiêm trọng tại biển Đông là một nỗ lực lớn. Nhưng ASEAN cần phải làm được nhiều hơn thế.

Đã có một thời gian, ASEAN được ca tụng như một hình mẫu của hợp tác khu vực trong thời đại mới, với những mô tả về một khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất thế giới, sự đa dạng của các nền văn hóa, sự giàu có về nguồn lực và một cơ chế hội nhập năng động

Nhưng đó là thời đã xa, hoặc có thể là thời còn lâu nữa mới quay lại, khi mà tham vọng của các quốc gia thành viên ASEAN muốn biến khu vực này thành một EU thứ hai đang trở nên không thực tế. ASEAN có quá nhiều khác biệt về thể chế chính trị, văn hóa và trình độ phát triển để việc nhất thể hóa trở thành hiện thực, dù chỉ trong những lĩnh vực giới hạn.

Vậy thì phải nhìn nhận lại ASEAN với con mắt thực tế hơn, xem Hiệp hội này có thể mang lại những gì và các quốc gia thành viên muốn, và có thể đóng góp những gì?

Giàn khoan, HD-981, Hải Dương-981, biển Đông, ASEAN, Trung Quốc, COC, DOC, yêu nước, tuần hành, vòi rồng, bành trướng, chiến tranh, Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền, độc lập dân tộc, kiểm ngư viên, biển đảo, hàng xóm
Hội nghị cấp cao Asean diễn ra tại Myanmar hôm 10-11/5.

Hội nghị cấp cao Asean diễn ra tại Myanmar hôm 10-11/5.
 
Bước ngoặt

Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua hơn nửa thế kỷ mới tạo dựng được những trụ cột pháp lý và chính trị quan trọng cho một liên minh vững chắc. Việc đó được thử thách bởi vô vàn khó khăn, từ bối cảnh chiến tranh Lạnh, khủng hoảng năng lượng cho đến thách thức của toàn cầu hóa... Bài học muôn thuở là muốn trưởng thành thì phải biết đoàn kết để vượt qua thử thách. Bài học đó đúng ở mọi nơi, với EU cũng như với ASEAN.

ASEAN đang đứng trước một thử thách như vậy, một thử thách nghiêm trọng, là duy trì được một không gian hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế. Không có hòa bình, không có ổn định thì mọi dự án cho tương lai đều vô nghĩa.

Cách hành xử hung hăng và bất chấp luật lệ của Trung Quốc trong các xung đột với Phillipines trước đây và với Việt Nam tuần qua là một thách thức trực diện với ASEAN, đặt ra câu hỏi không được phép lẩn tránh là với một cuộc khủng hoảng đe dọa trực tiếp đến an ninh khu vực như thế, ASEAN có thể làm gì?

So với việc không đưa ra được một tuyên bố chung, thống nhất của các nước ASEAN về tình hình biển Đông khi Trung Quốc gây hấn với Philippines tại Trường Sa năm trước, thì những gì vừa được tuyên bố tại Myanmar là một bước tiến lớn.

Không còn có những tiếng nói cho rằng đó là việc nội bộ của các nước thành viên và nước đó phải xử lý song phương với Trung Quốc. Đưa ra được một tuyên bố chung về biển Đông ở cấp cao nhất là một bước ngoặt quan trọng.

Lối thoát COC?

Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, thì ASEAN có nguy cơ vẫn mãi bị trói mình trong cái vòng luẩn quẩn.

Ngoài các lời lẽ ngoại giao đáng hoan nghênh về việc yêu cầu các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tuân thủ nguyên tắc 6 điểm và các Công ước quốc tế về Luật biển... thì điểm đáng chú ý nhất là ASEAN tiếp tục nhấn mạnh đến sự cấp thiết phải hoàn tất thương lượng và ký kết Bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông.

Nhưng giờ là lúc phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, COC liệu có phải lối thoát cho mọi xung đột ở Biển Đông hay không và khả năng đạt được nó cao đến mức nào?

Các nước ASEAN đã theo đuổi COC suốt 12 năm qua kể từ sau Tuyên bố về cách ứng xử (DOC) ở biển Đông nhưng sau chừng đó năm, sự tiến triển là rất chậm chạp.

Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã thay hai đời lãnh đạo và gần như thay đổi toàn bộ chính sách đối ngoại khu vực theo hướng ngày một tự tin, chủ động và hung hăng hơn trong các tranh chấp chủ quyền từ năm 2009.

Nếu một COC đã không được ký kết từ bệ phóng DOC, trong thời điểm Trung Quốc vẫn đang "giấu mình chờ thời", xử sự một cách tương đối ôn hòa thì điều gì có thể thuyết phục rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận một COC khác vào lúc Bắc Kinh chính thức trỗi dậy và không ngần ngại công khai gần như mọi tham vọng của họ trong các tranh chấp chủ quyền?

Vì bản chất của COC là một văn bản sẽ trói chân, trói tay các hành động của Trung Quốc trên biển Đông nên khó có một cơ sở lý tính và lợi ích nào để tin rằng Trung Quốc sẽ đồng ý ký vào một bộ quy tắc ứng xử như thế với ASEAN. Thực tế thì Trung Quốc đang chơi trò "câu giờ". Họ tạo nên những ấn tượng về mặt ngoại giao rằng mình sẵn lòng chung tay xây dựng bộ quy tắc đó, nhưng lại tìm mọi cách để tiến trình đó chậm lại và trong thời gian đó, đẩy mạnh các hành động đơn phương dựa trên sức mạnh, để hiện thực hóa các yêu sách tại Biển Đông.

Các thành viên ASEAN hiểu điều đó, khi nhắc đến từ "thương lượng thực chất" trong Tuyên bố chung tại Myanmar, nhưng vấn đề là mỗi nước lại chọn một cách hành xử khác nhau, và thường là không có sự tham vấn, khi có sự cố với Trung Quốc.

Cách phản ứng này nói lên hai điều, một mặt các nước ASEAN đều thấy sự cấp bách phải tạo nên một bộ khung ngoại giao để hạn chế sự hành xử vô lối của Trung Quốc, nhưng mặt khác nó cũng cho thấy tâm lý "chối bỏ thực tế" vẫn đang ngự trị rất mạnh nơi nhiều thành viên của Hiệp hội. Những quốc gia này, vì lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc và sự ngăn trở địa lý, không cảm thấy bị đe dọa một cách thực sự bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc nên cho rằng không cần thiết phải làm lớn chuyện. Tâm lý này mới đích thực là mối đe dọa lớn nhất cho sự vững chắc của cả khối bởi xé lẻ ra, không một quốc gia ASEAN nào đủ sức đương đầu với Trung Quốc trong các "cuộc chiến" không chỉ trên biển mà còn trên các mặt trận chống lại chủ nghĩa tân thực dân kinh tế và xâm thực văn hóa.

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, vì thế, là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ASEAN siết lại đội ngũ. Đưa ra Tuyên bố chung là đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ. Cần phải gọi đích danh quốc gia gây hấn và gọi đúng tên hành vi xâm phạm. COC vẫn phải tiếp tục theo đuổi nhưng ASEAN cần phải thoát ra khỏi cái "hang trú ẩn" COC để trực tiếp đối mặt với thực tế. Chừng nào chưa làm được việc đó, cần xem xét vai trò và sự tồn tại của ASEAN.

Theo Quang Dũng
Vietnamnet