1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nếu Anh rời EU, Donald Trump sẽ làm tổng thống Mỹ?

(Dân trí) - Chiến dịch vận động Anh rời EU và bầu cử tổng thống ở Mỹ tưởng chừng không liên quan nhưng lại có quá nhiều yếu tố chung chi phối. Nếu các yếu tố này đủ mạnh để tạo ra một sự đột biến ở Anh, thì chúng cũng có thể đủ mạnh để tạo ra bất ngờ cho cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Một trong hai hiện tượng chính trị bất ngờ nhất trong năm nay đó chính là sự trỗi dậy của ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump và trưng cầu dân ý Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Hai sự việc tưởng như không liên quan này lại có mối liên hệ chặt chẽ, BBC nhận định. Kết quả trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới tại Anh có thể sẽ đưa ra một số dấu hiệu cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11. BBC đã đưa ra 5 lý do giải thích cho nhận định này.

Cử tri giận dữ


Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Cả Donald Trump và Boris Johnson - người đứng đầu chiến dịch kêu gọi Anh rời khỏi EU - có một điểm chung đó là hưởng lợi từ sự giận dữ công chúng. Ở cả Anh và Mỹ, rất nhiều cử tri cảm thấy họ đáng ra phải có một cuộc sống tốt hơn. Trong bối cảnh đó, với những hứa hẹn của mình, cả ông Trump và Johnson đã thu hút sự ủng hộ của một bộ phận lớn cử tri.

Ở Anh, ông Johnson hứa sẽ mang lại một cuộc sống tốt hơn cho người Anh nếu họ chấp nhận từ bỏ những quy tắc của EU, hay nói cách khác là Anh rời EU (Brexit). Còn ở Mỹ, ông Trump hứa hẹn sẽ giúp “nước Mỹ hùng mạnh trở lại” nếu được đặt chân vào Nhà Trắng.

Toàn cầu hóa

Không ít cử tri Mỹ và Anh cho rằng, toàn cầu hóa đang lấy mất việc làm, tác động tiêu cực đến thu nhập của họ.

Các yếu tố tác động tổng hợp từ vấn đề nhập cư, thương mại tự do và công nghệ sẽ khiến việc làm, thu nhập của người lao động địa phương ít được bảo đảm hơn. Tuy nhiên, các nhà làm luật của cả Anh và Mỹ đều không thể giải quyết được triệt để bài toán này. Nếu chiến dịch vận động Anh rời EU giành phần thắng, nó cũng đồng nghĩa với việc xu hướng chống toàn cầu hóa đang mạnh hơn chúng ta tưởng.

Nhập cư

Nhập cư là một trong những vấn đề trọng tâm chi phối cả chiến dịch Brexit và cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Các chuyên gia kinh tế tranh luận khá nhiều khi so sánh tác động của người nhập cư và rô-bốt đến tình trạng lương suy giảm. Trong khi đó, cử tri không quan tâm nhiều, họ đổ lỗi cho người nhập cư.

Chính phủ Anh và Mỹ đều không thể giải quyết ổn thỏa vấn đề nhập cư. Mặc dù chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều cải cách nhập cư nhưng tất cả đều thất bại. Trong khi đó, cũng giống như nhiều nước láng giềng châu Âu khác, chính phủ Anh đang bất lực đối mặt với cơn ác mộng “khủng hoảng di cư”.

Niềm tự hào sụp đổ


(Ảnh: Getty)

(Ảnh: Getty)

Ý nghĩ của cử tri rằng họ đáng lẽ có một cuộc sống tốt hơn đã khiến niềm tự hào dân tộc và cá nhân của họ đổ vỡ. Đặc biệt với bộ phận người lao động là nam giới, khi phải đối mặt với tình trạng mà họ không mong muốn như khó tìm việc làm, lương thấp có nghĩa là họ không thể gánh vác được gia đình. Chỉ điều đó thôi cũng khiến niềm tự hào trong họ sụp đổ.

Ở Mỹ, phần đông những người ủng hộ ứng viên Trump cho rằng sự tự tôn dân tộc của người Mỹ đã bị hạn chế bởi cái gọi là “các chuyến công du xin lỗi” của Tổng thống Barack Obama. Đối với người Anh, niềm tự tôn dân tộc đổ vỡ bởi cảm giác cho rằng quyền tự chủ của nước Anh đã trao lại cho EU và nếu rời EU nước Anh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, được tôn trọng hơn.

Chủ nghĩa dân túy

Bằng cách đưa ra những giải pháp đơn giản và kịp thời cho những vấn đề phức tạp, cả Boris Johnson và Donald Trump đã thu hút sự ủng hộ của cử tri qua cảm tính của họ hơn là qua lý trí. Đó chỉ đơn thuần là những thông điệp hô hào.

Chiến thắng của chiến dịch Brexit sắp tới, nếu xảy ra, không đồng nghĩa Trump sẽ đắc cử tổng thống Mỹ vào mùa thu này. Tuy nhiên, nếu tất cả 5 yếu tố nêu trên đủ mạnh để tạo ra một sự đột biến ở Anh, thì chúng cũng có thể đủ mạnh để tạo ra bất ngờ cho cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Minh Phương

Theo BBC