1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nạn dịch IS đã lan sang Đông Nam Á?

Trong tuần vừa qua, liên tục xuất hiện nhiều thông tin về việc các phần tử có liên kết với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã có mặt tại khu vực châu Á.

Cụ thể, ngày 5-12 cảnh sát Malaysia thông báo đã bắt giữ 5 nghi phạm dính líu tới các hoạt động khủng bố, trong đó có 3 đối tượng có liên hệ với IS.

Chỉ trước đó một ngày, cảnh sát Thái Lan cho biết họ được các đồng nghiệp thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cảnh báo về việc 10 người Syria đang hoạt động “dưới trướng” IS đã nhập cảnh vào nước này hồi tháng 10 để tấn công các công dân và lợi ích của Nga cũng như nhiều nước tham gia liên minh chống IS. Liệu con quái vật IS thực sự đã vươn vòi bạch tuộc tới khu vực Đông Nam Á?

Theo cảnh sát Malaysia, trong số 5 nghi phạm khủng bố có 4 tên là người nước ngoài và tên còn lại là người bản xứ. Cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết, 3 nghi can dính líu tới IS, gồm một người Indonesia 31 tuổi, một người Malaysia 59 tuổi và một người Bangladesh 25 tuổi, bị bắt giữ trong các cuộc bố ráp từ ngày 17-11 đến 1-12 tại các bang miền Trung Selangor, bang miền Bắc Kelantan và bang miền Nam Johor.

Nạn dịch IS đã lan sang Đông Nam Á? - 1

Nạn dịch IS đã lan sang Đông Nam Á?

Những đối tượng này được cho là thành viên của một nhóm tội phạm do phần tử người Indonesia nói trên đứng đầu, tên này từng tuyên bố trung thành với trùm IS Abu Bakar al-Baghdadi hồi năm 2014 và có liên hệ với một số đối tượng người Malaysia đã gia nhập IS ở Syria. Tên thủ lĩnh này bị tình nghi hỗ trợ đưa người từ Malaysia và một số nước láng giềng châu Á tới Syria để gia nhập IS và các nhóm khủng bố khác ở Đông Nam Á. Trong khi đó, đối tượng người Malaysia chuyên thu xếp việc đi lại cho các phần tử khủng bố và đối tượng người Bangladesh âm mưu gia nhập IS.

Ngoài ra, trong số các đối tượng bị bắt giữ nói trên có một người châu Âu, 44 tuổi, và một sinh viên đến từ châu Phi. Đối tượng người châu Âu, hiện đang là giáo viên tiếng Anh tại bang Penang ở phía tây bắc Malaysia, được cho là đã gia nhập mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và dính líu tới các hoạt động khủng bố ở Afghanistan và Bosnia.

Trong thời gian gần đây, cảnh sát Malaysia đã tăng cường các chiến dịch truy quét khủng bố do quan ngại về các âm mưu tấn công khủng bố trong khu vực. Đặc biệt là sau khi có tin một số phần tử khủng bố có liên hệ với IS đã nhập cảnh vào nước láng giềng Thái Lan, khiến chính quyền Kuala Lumpur phải đặt báo động an ninh ở mức cao.

Trước đó, ngày 4-12, truyền thông Thái Lan dẫn nguồn một tài liệu (bị rò rỉ của FSB) được cho là do Cục trưởng Cục Điều tra Đặc biệt Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Thiếu tướng Sravuth Kanpanich cung cấp, đưa tin: 10 người Syria có liên hệ với IS đã nhập cảnh vào đất nước Chùa Vàng trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 31-10. Bốn trong số này tới Pattaya, hai tới Phuket, hai người ở lại thủ đô Bangkok và hai người còn lại tới những địa điểm chưa được xác định.

Tài liệu này đề ngày 27-11 và được đánh dấu “Mật”. Một sĩ quan cảnh sát Thái Lan giấu tên xác nhận “tài liệu trên là thật” và “không hiểu bằng cách nào mà tài liệu bị rò rỉ”. Các thông tin trên ngay lập tức đã được chuyển cho Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Thái Lan và sau đó cơ quan này đã yêu cầu Cục Điều tra Đặc biệt chú ý giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của các công dân Syria này. NSC cũng đã chỉ đạo thắt chặt an ninh tại Đại sứ quán Nga và đại sứ quán các nước tham gia liên minh chống IS như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Thụy Điển và Australia.

Phản hồi về các thông tin trên, Tư lệnh Cảnh sát Bangkok, Trung tướng Sanit Mahatavorn nói rằng, cho đến nay vẫn chưa xác minh được mối đe dọa này có thật hay không và nhà chức trách kêu gọi người dân thủ đô bình tĩnh, thận trọng.

Trong khi đó, theo Phó chỉ huy Cảnh sát Bangkok, Đại tá Songpol Wattanachai, cảnh sát hiện vẫn chưa nhận được cảnh báo về hoạt động của IS từ bất cứ cơ quan tình báo nước ngoài nào và cũng chưa có thông tin về nơi cư trú, danh tính của những phần tử trên hoặc các mục tiêu mà chúng sẽ tấn công. Còn người đứng đầu NSC, Tướng Thawip Netniyom thì xác nhận, “chúng tôi vẫn chưa thấy bất cứ chuyển động bất thường nào” và “mọi thứ vẫn an toàn”.

Hồi tháng 11 vừa qua, truyền thông Malaysia từng đăng tải thông tin về kế hoạch thiết lập tổ chức IS khu vực Đông Nam Á do cựu giảng viên người Malaysia Mahmud Admad đứng đầu. Bài báo vạch ra rằng, bước đầu trong kế hoạch trên, IS sẽ tuyển mộ những người có chuyên môn cao về các loại vũ khí, vật liệu nổ từ Malaysia và Indonesia.

Cựu giảng viên Admad là một thành viên của IS, hiện đang lẩn trốn ở miền Nam Philippines và được cho là đang lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công ở nhiều nước, trong đó có Malaysia. Bình luận về thông tin từ bài báo, Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed nhấn mạnh, kế hoạch trên không chỉ là một mối đe dọa lớn đối với Malaysia mà còn đối với các nước Đông Nam Á khác. Do đó, không thể đánh giá thấp kế hoạch này.

Theo Thứ trưởng Mohamed, để đối phó với IS, các nước trong khu vực phải theo dõi mạng Internet bởi đây là phương tiện giao tiếp chính để IS truyền chỉ thị ra bên ngoài cũng như cần áp dụng các biện pháp phù hợp vì các cuộc tấn công khủng bố thường do các nhóm nhỏ thực hiện và rất khó để lần ra dấu vết.

IS đã vươn “vòi bạch tuộc” sang Afghanistan, Libya

Theo tờ The Times của Anh ngày 6-12, có tới 1.600 tay súng trung thành với IS đã chiếm một phần lãnh thổ đáng kể ở phía Nam Jalalabad, miền Đông Afghanistan và lực lượng này đang hoạt động theo các kịch bản như ở Syria và Iraq, khiến hàng chục nghìn gia đình Afghanistan đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong khi đó, theo báo cáo được trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) hôm 1-12, các chuyên gia của LHQ cảnh báo, IS hiện có khoảng từ 2.000 – 3.000 chiến binh tại Libya (theo số liệu của tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa ra ngày 29-11 là 5.000 chiến binh) và đang có ý định mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát tại quốc gia Bắc Phi này. Theo bản báo cáo, IS hiện đang hưởng lợi trên chính những “hình ảnh xấu xa và tai tiếng” của mình tại Iraq và Syria, đồng thời đang mang lại mối đe dọa “trong ngắn hạn và dài hạn” tại Libya.

Theo đó, con quái vật này coi Libya như “một cơ hội tốt nhất” để mở rộng phạm vi kiểm soát từ Iraq và Syria bởi Libya có vị thế chiến lược ở biển Địa Trung Hải và là một điểm trung chuyển ở Bắc Phi. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, để thực hiện được tham vọng này, IS sẽ phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ từ người dân Libya, cũng như sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các liên minh trong khu vực.

Kim Linh

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân