1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Năm 2016 của Tổng thống Nga Vladimir Putin: Thách thức toàn diện

Không ít người khen Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà chiến lược tài ba, nhưng cũng không thiếu người chỉ trích ông về những quyết định trong hai năm qua...

Những người ủng hộ Putin lập luận rằng, sự can thiệp vào Ukraine và Syria đã chứng tỏ cho thế giới thấy Nga là một chủ thể quan trọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, với phe lên án Putin, những động thái kể trên chỉ thỏa mãn các mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn như buộc thế giới bên ngoài phải chú ý tới Nga và tăng uy tín của ông ở trong nước. Còn về lâu dài, họ cho rằng chúng mang lại nhiều rủi ro.

Cũng vì lẽ đó mà năm 2016 sẽ trở thành thời điểm Tổng thống Putin và nước Nga đối mặt với các thách thức nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế, bên cạnh những khó khăn về kinh tế sau khủng hoảng và cấm vận.

Quan hệ láng giềng phức tạp

Tờ Morning News (Nga) nhận định, ông Putin sẽ phải rất khéo léo khi xử lý êm thấm những căng thẳng có thể đến bất cứ lúc nào với một số quốc gia láng giềng. Trước hết, đó là ý định gia nhập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Montenegro.

Trước đây, nhà lãnh đạo Montenegro mạnh mẽ tuyên bố tham gia trừng phạt Nga. Sau đó, họ lại mạnh mẽ tuyên bố muốn làm thành viên NATO và triển khai vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ. Đương nhiên, trong bối cảnh tình hình ngoại giao Nga trở nên phức tạp, điều này đã gây ra căng thẳng cho tình bang giao giữa hai quốc gia. Nhìn từ góc độ ngoại giao, ông chủ Điện Kremlin đang ở trong một mối quan hệ song phương tẻ nhạt và lạnh lẽo.

Tiếp đó là nguy cơ xung đột với Kyrgyzstan. Nước cộng hòa Liên Xô cũ vừa gia nhập Liên minh kinh tế Á - Âu đã xích mích với Nga vì thỏa thuận xây dựng nhà máy thủy điện Kambar-Ata và nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Naryn được ký kết từ bốn năm trước.

Phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến lược của Nga năm 2016.
Phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến lược của Nga năm 2016.

Ông Putin từ chối tham gia dự án này, bởi vì nếu Kyrgyzstan khởi công xây dựng nhà máy thủy điện ở sông giáp ranh, tình hình Trung Á có thể trở nên gay gắt, thậm chí dẫn tới các hành động quân sự. Trên thực tế, tranh chấp sử dụng nguồn nước đã tồn tại từ khi Liên Xô giải thể và các nước Trung Á thành lập. Ông Putin hiểu rõ điều này, đồng thời không bao giờ muốn một cuộc cách mạng màu tiếp theo xảy đến, với viễn cảnh các nước liên quan sẽ bị tụt hậu rất nhiều năm.

Trong quan hệ với Phần Lan, Tổng thống Putin đặc biệt lưu tâm đến vấn đề dân tị nạn gây phiền phức ở biên giới. Người Syria sinh sống vài năm ở Nga, nhưng vì muốn thay đổi cuộc sống nên đang có xu hướng di chuyển tới Phần Lan sau khi nghe nói điều kiện kinh tế của “quốc gia nghìn hồ” này thuận lợi hơn. Dân di cư với số lượng ngày càng tăng, cuối cùng gây ra mâu thuẫn ở Phần Lan, làm xuất hiện nhiều ý kiến đổ lỗi cho phía Nga “không biết cách quản lý”.

Chưa hết, quan hệ với Phần Lan đang căng thẳng vì dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Phần Lan ở bờ biển vịnh Bothnia (có sự tham gia của công ty năng lượng nguyên tử quốc gia Nga). Chính quyền Putin hiện nay phải đối mặt với làn sóng phản đối, rằng sử dụng năng lượng hạt nhân, dù “vì hòa bình”, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới số lượng cá hồi trong khu vực và tiềm ẩn những sự cố hủy diệt.

Kinh tế khó khăn

Bên cạnh những mối quan hệ láng giềng, Tổng thống Putin cũng phải đặt mục tiêu cải thiện tình hình kinh tế quốc gia trong năm 2016. Viễn cảnh kinh tế xứ sở bạch dương chưa thực sự sáng sủa, cho dù ông chủ Điện Kremlin tuyên bố rằng đỉnh điểm của khủng hoảng đã qua.

Ông cho biết, mùa màng bội thu và sản lượng bơ sữa đạt kỷ lục chứng tỏ Nga đang hưởng lợi từ việc thay thế nhập khẩu và tăng cường đầu tư vào nông nghiệp. Thế nhưng, giá dầu thô giảm 2/3 kể từ năm 2014 khiến đồng rúp mất giá mạnh. Ngân sách năm nay dựa vào giả định giá dầu ở mức 50 USD/thùng, nhưng đây có thể là sự kỳ vọng quá mức. Nếu giá dầu tiếp tục thấp thì sẽ có những khoản cắt giảm lớn về ngân sách, tác động tiêu cực đến chính những người ủng hộ ông Putin.

Hiểu rõ được những vấn đề mà nền kinh tế quốc gia đang phải đối mặt, Chính phủ Nga đang có kế hoạch đưa ra các biện pháp đối phó. Ông Putin muốn tái định hướng nền kinh tế Nga để tăng cường sức mạnh, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và giá dầu khí. Nhằm đảm bảo an ninh kinh tế, Nga sẽ cân bằng nguồn ngân sách, ngăn tình trạng thất thu vốn đầu tư, giảm lạm phát.

Song song với việc ngăn chặn đà lao dốc của kinh tế trong nước, Tổng thống Nga cũng đặc biệt chú ý đến sự gia tăng nguy cơ tranh chấp kinh tế với Trung Quốc. Nói đến “vành đai kinh tế con đường tơ lụa kết nối Trung Quốc với thị trường châu Âu”, chính quyền Putin hi vọng Trung Quốc đặt phần lớn con đường này ở lãnh thổ của họ.

Nhưng Bắc Kinh lại có ý nghĩ khác: bỏ qua Nga, mở ra con đường mới đi tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Azerbaijan và Gruzia. Bên cạnh đó, các dự đoán hầu hết cho rằng thương mại Nga - Trung sẽ tụt dốc lớn trong năm 2016. Đây sẽ là một trong những thách thức chủ yếu ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.

Dòng người tị nạn gây phiền phức ở biên giới Nga và các nước láng giềng.
Dòng người tị nạn gây phiền phức ở biên giới Nga và các nước láng giềng.

Tổng thống Putin từng chia sẻ về những khó khăn kinh tế chồng chất do đồng rúp mất giá. Đương nhiên, điều này đã làm suy yếu sức mua của các công ty Nga. Đồng thời, ông cũng nhìn thấy khó khăn hiện nay của Trung Quốc, nằm ở sự thay đổi về thực lực của các công ty Trung Quốc cũng như xu hướng đầu tư và tiềm năng mở rộng thị trường.

Trước tình hình này, nhà lãnh đạo người Nga cam kết chính phủ sẽ có những nỗ lực nhất định để ổn định quy mô thương mại, xóa bỏ dần những căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề song phương.

Ngoài ra, quan hệ đang dần xấu đi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được cải thiện nhanh chóng. Bởi vì, Trung Quốc đang thực hiện các dự án “con đường tơ lụa”, mà Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia quan trọng của con đường này. Đây là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi ông Putin phải giải quyết khéo léo bằng những giải pháp thỏa hiệp khôn ngoan.

Chiến lược an ninh mới

Tổng thống Putin cũng rất quyết tâm trong việc xây dựng sức mạnh quân sự. Vì vậy, thế giới nói chung và Mỹ nói riêng cần nhận ra rằng, Nga thực sự là một cường quốc lớn, một đối tác bình đẳng với các lợi ích phải được tính đến. Ông còn muốn phương Tây công nhận quyền của Nga trong việc đối xử với các nước láng giềng hậu Liên Xô như một phần trong tầm ảnh hưởng của Nga, không bị chi phối bởi bất kỳ liên minh phương Tây nào.

Tất nhiên, trước mọi nguy cơ xung đột lớn nhỏ và hiểm họa các cuộc tấn công thánh chiến của những kẻ cực đoan, ông Putin cảm thấy áp lực nặng nề. Sẽ là một bài toán khó để nhà lãnh đạo Nga có thể chấm dứt được tranh cãi với phương Tây, khiến cấm vận được dỡ bỏ và tìm ra cách kết thúc chiến tranh ở Syria.

Trong chiến lược an ninh quốc gia mới năm 2016, ông Putin bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa từ vũ khí và chiến tranh hạt nhân. Đây là những nguy cơ thường trực với nước Nga, ngày càng hiện hữu khi số lượng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, âm thầm phát triển và thử nghiệm hạt nhân gia tăng.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga khẳng định, Moscow có chính sách đối nội và đối ngoại độc lập để đối phó với bất cứ nguy cơ nào, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng thảo luận về việc ngăn chặn các mối đe dọa chiến tranh hạt nhân thông qua thảo luận song phương và đa phương.

Nga có kế hoạch ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột bằng cách duy trì năng lực hạt nhân phòng thủ và chỉ huy động lực lượng khi không còn giải pháp thay thế. Việc Nga cắt giảm năng lực hạt nhân chỉ được thi hành khi “hành động này đóng góp vào việc tạo dựng cắt giảm vũ khí hạt nhân mà không gây ảnh hưởng tới an ninh và chiến lược bình ổn trên toàn thế giới”.

Hành động NATO mở rộng hoạt động sang các nước có biên giới giáp Nga cũng đang trở thành mối đe dọa lớn với an ninh quốc gia. Trong đó, chương trình quân sự hóa và trang bị vũ khí không ngừng được tiến hành tại các nước láng giềng gần Nga.

Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin vẫn theo đuổi quan điểm tiến hành đối thoại và duy trì quan hệ tốt đẹp với NATO, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Với ông, điều quan trọng nhất hiện nay là tăng cường cơ chế cải thiện các hiệp ước quốc tế về hoạt động kiểm soát vũ khí, xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và giải quyết các tranh chấp trong khu vực.

Chính quyền Putin đang thực sự nỗ lực hết sức để giảm thiểu khó khăn, vực dậy vị thế của Nga trên trường quốc tế, và tái khẳng định quyền lực nhằm lấy lại sự ủng hộ của người dân trong những cuộc bầu cử trong tương lai…

Theo Nam Hồng

An ninh thế giới