1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Myanmar sẽ "hướng Tây" dưới thời Ngoại trưởng San Suu Kyi?

Dự báo chính sách đối ngoại của Myanmar trong thời gian tới, dưới sự chèo lái của bà Aung San Suu Kyi, sẽ có nhiều bước đột phá.

Bà Aung San Suu Kyi đọc tuyên thệ tại Quốc hội Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi đọc tuyên thệ tại Quốc hội Myanmar.

Ngày 31/3, Chính phủ dân chủ mới được bầu của Myanmar do bà Suu Kyi chủ trì đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình. Đến nay, việc chuyển giao quyền lực đã diễn ra suôn sẻ. Rõ ràng, Quân đội và đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) nhận thức được rằng, bất kỳ sự cố nào cũng có thể kích hoạt sự can thiệp mạnh mẽ của quốc tế.

Quân đội Myanmar chấp thuận Chính phủ mới với mong muốn xây dựng đất nước này trở thành một quốc gia có chủ quyền, độc lập, ổn định và đáng tin cậy ở châu Á, đồng thời bảo đảm Myanmar có một vị trí tương đương với các nước thành viên khác trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Cân bằng trong khu vực

Sau chiến thắng vang dội, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đang hình thành một chính phủ hoàn toàn được kiểm soát và sắp xếp bởi sự lãnh đạo của NLD. Kinh nghiệm của bà Suu Kyi trong việc đối phó với quân đội, xử lý quan hệ quốc tế và chủ nghĩa thực dụng cực đoan khiến bà trở thành người có nhiều kinh nghiệm nhất trong đảng. Tầm nhìn của bà Suu Kyi được thể hiện qua quyết định bà kiểm soát các Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng, Bộ Giáo dục và Văn phòng Tổng thống.

Mặc dù trên thực tế, quân đội vẫn tiếp tục kiểm soát các bộ quan trọng như Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ các vấn đề biên giới, cũng như quân đội sẽ có ảnh hưởng lớn đến Hiến pháp, nhưng với vị thế mới trong Quốc hội, bà Suu Kyi sẽ thúc đẩy Myanmar can dự rộng hơn với các nước khác trên thế giới.

Vị trí của Myanmar ở Ấn Độ Dương và sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên khiến nước này trở thành một nhân tố quan trọng ở khu vực châu Á. Thách thức lớn của Myanmar hiện nay là phải cân bằng quan hệ với hai nước láng giềng lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.

Việc Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chuyển từ chính sách “Hướng Đông” sang “Hành động phía Đông” cho thấy khu vực Đông Á là trọng tâm chính sách của New Delhi. Ấn Độ đã tập trung sự chú ý vào phát triển kinh tế, cải thiện thương mại và đầu tư trong khu vực.

Việc kết nối với Myanmar sẽ tạo ra một động lực bổ sung vào chính sách của Chính phủ Ấn Độ nhằm mang lại sự tiếp cận tốt hơn và phát triển cho khu vực Đông Bắc của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cho rằng những cải thiện trong phát triển, an ninh và kiểm soát biên giới ở khu vực Đông Bắc sẽ giúp lấp đi những khoảng trống giữa khu vực này với các khu vực khác của nước này.

Tìm kiếm các đối tác mới

Về phía Myanmar, chính sách đối ngoại dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bà Suu Kyi sẽ thúc đẩy mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài và quan trọng hơn, sẽ hướng về phương Tây, nơi có thể tìm kiếm các quan hệ đối tác song phương nhằm phục vụ xây dựng lại đất nước.

Trước đây, các khoản đầu tư đơn phương của Trung Quốc tại Myanmar được khuyến khích hơn. Mặc dù, đây cũng chính gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển quốc gia và nghiêm trọng hơn, làm bùng lên những căng thẳng sắc tộc ở các khu vực biên giới giáp Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây Myanmar đã thay đổi thái độ. Đáng chú ý là việc Myanmar quyết định đình chỉ xây dựng đập thủy điện Mytisone và các dự án khai thác mỏ Letpadaung do không đem lại lợi ích cho nước này, đặc biệt về môi trường. Rõ ràng, Myanmar đã trở nên thận trọng hơn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, bất chấp những lời hứa “hào phóng và ngon ngọt” của Bắc Kinh.

Trong tương lai, Myanmar có thể phải cân bằng mối quan hệ với các nước thông qua phát triển các khoản đầu tư vào nước này với phương Tây và các nước Đông Nam Á khác. Hiện tại, Myanmar cũng đã thiết lập quan hệ đối tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Đặc biệt, Myanmar dường như đang đẩy mạnh kết nối với Ấn Độ nhằm hình thành một hành lang trên bộ về phía Đông Bắc của Ấn Độ và xa hơn là khu trung tâm của Ấn Độ, nơi có thể đa dạng hóa các loại hình thương mại. Hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ sang Myanmar hiện phải đi qua thành phố Kolkata, thủ phủ của bang Tây Bengal, với chiều dài hơn 1.500km. Một tuyến đường thay thế sẽ giảm bớt chi phí vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân từ Ấn Độ tới Myanmar và Đông Nam Á.

Về phần mình, Ấn Độ đang nỗ lực hoàn thành hệ thống kết nối riêng của nước này trong khu vực bao gồm đường cao tốc Tamu - Kalewa nối Ấn Độ và Myanmar, đường cao tốc nối liền ba nước Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan, hệ thống giao thông vận tải đa dạng Kaladan, các khoản đầu tư vào năng lượng và cơ sở hạ tầng. Ấn Độ cũng đang tập trung ngăn chặn các cuộc nổi dậy ở biên giới của nước này và tìm kiếm hợp tác an ninh nhiều hơn nữa với Tatmadaw để bảo vệ biên giới ở vùng Đông Bắc và các vùng biển thuộc Vịnh Bengal.

Một mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Ấn Độ và Myanmar và sau đó là các nước khác thuộc Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tổng thể hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương. Sự quan tâm của Ấn Độ đối với Myanmar không phải là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc về không gian chiến lược hay các nguồn tài nguyên năng lượng.

Thay vào đó, chính sách này nên được nhìn nhận trong bối cảnh chính thức thiết lập mối quan hệ mới giữa Ấn Độ và Myanmar nhằm cải thiện kết nối khu vực và là bước tạo đà để Myanmar tiến hành công cuộc cải cách đất nước dưới sự điều hành của một Chính phủ dân cử đầu tiên ở đất nước này.

Theo Huyền Trâm