1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tự tin răn đe Nga

Tướng Mỹ tự tin lữ thiết giáp tại châu Âu đủ sức răn đe Nga và úp mở khả năng chuyển tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine.

Răn đe Nga

Ngày 21/4, Tướng Lục quân Mỹ Curtis Scaparrotti, người được đề cử làm lãnh đạo lực lượng Mỹ tại châu Âu, khẳng định rằng lữ đoàn thiết giáp của Mỹ đồn trú thường trực ở châu Âu sẽ có khả năng răn đe Nga hữu hiệu hơn là hoạt động luân chuyển lực lượng như hiện nay.

Phát biểu tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Tướng Scaparrotti tuyên bố ông nhất trí với các lãnh đạo quân sự khác về việc Nga là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ và Washingston cần kiên quyết khẳng định các quyền lợi của mình.

Tướng Scaparroti
Tướng Scaparroti

Ông Scaparrotti cũng cho rằng Washington cần cung cấp cho Ukraine các vũ khí cần thiết để tự vệ trước lực lượng được Nga hậu thuẫn, trong đó có tên lửa chống tăng như Javelin.

Tướng Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về mối đe dọa từ các tàu ngầm Nga với các tuyến vận chuyển hàng hải của tàu Mỹ.

Tướng Scaparrotti là lựa chọn của Tổng thống Barack Obama làm lãnh đạo Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ và trở thành Tư lệnh Tối cao tiếp theo của NATO.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ triển khai một lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu vào tháng 2/2017, một hành động mang tính biểu tượng quan trọng vì xe tăng Mỹ sẽ hiện diện thường trực trở lại trên lãnh thổ châu Âu sau khi đã được rút dần trong hai thập kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Việc triển khai này nằm trong một loạt biện pháp được đề ra từ năm 2014 nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu như mở các trung tâm hậu cần, đưa các trang thiết bị, chiến đấu cơ đến các quốc gia Baltic hoặc triển khai thêm tàu ở Biển Baltic và Biển Đen.

Lính Mỹ thực hành bắn tên lửa Javelin tại căn cứ quân sự Adazi, Latvia
Lính Mỹ thực hành bắn tên lửa Javelin tại căn cứ quân sự Adazi, Latvia

Có tất cả 6 quốc gia có liên quan đến kế hoạch triển khai lữ đoàn thiết giáp của Mỹ gồm Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani, Bulgaria. Tuy nhiên, hiện chưa rõ kế hoạch cụ thể cũng như số lượng xe thiết giáp hoặc cơ sở hậu cần triển khai ở mỗi nước.

Quân đội Mỹ hiện đã có một đơn vị pháo binh Stryker đóng ở Vilseck (Đức), một lữ đoàn không vận ở Vincenza (Italy). Với đơn vị mới vừa được thông báo, quân đội Mỹ có khả năng có nguyên một sư đoàn sẵn sàng chiến đấu.

Từ năm 2015, Mỹ đã đưa đến châu Âu đầy đủ trang thiết bị của một lữ đoàn thiết giáp gồm là 250 xe tăng, xe bọc thép cùng các loại vũ khí khác. Khoảng 62.000 binh lính Mỹ hiện đóng quân thường trực ở châu Âu. Quân đội Mỹ sẽ gửi thêm trang thiết bị liên lạc tới châu Âu để hỗ trợ cho các đơn vị đầu não.

Tháng 2/2016, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ chi 3,4 tỷ USD cho ngân sách năm 2017 để tăng cường các hoạt động luân chuyển binh lính và tổ chức các cuộc tập trận ở châu Âu.

Sẽ có va chạm?

Theo báo chí Nga, tính tới tháng 8/2015, Mỹ đã chuyển giao cho các nước Đông Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần 2.000 thiết bị quân sự hạng nặng - số vũ khí đủ cho cuộc tàn sát bằng xe bọc thép như trận Prokhorovka.

Và đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo một số nguồn tin, các phương tiện đường không và đường biển của Mỹ đang ngày đêm vận hành theo thời gian biểu nhất định giữa nước này và bờ biển châu Âu. Và chỉ có Lầu Năm Góc biết rõ có gì trong các khoang chứa hàng của các phương tiện vận tải đó.

Giới phân tích Nga cũng khẳng định Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu đã bị vi phạm cùng với các thiết bị quân sự và vũ khí đang tiến vào các quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây, và nay đã trở thành thành viên của NATO.

Theo đó, cùng với việc công khai can thiệp, hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Mỹ đang ráo riết xây dựng và củng cố một liên minh chống Moskva ngay sát biên giới Nga.

Giới quân sự cho rằng về bản chất, các đơn vị đồn trú của Mỹ và NATO không đủ mạnh để chống lại cuộc tấn công của một lực lượng lớn hơn nhiều, nhưng có đủ khả năng làm cho bất kỳ cuộc tấn công tiềm năng nào trở thành "sự mạo hiểm chính trị". Người Mỹ gọi việc triển khai này là “sợi dây mìn”.

Các chuyên gia quân sự đã thành lập lực lượng sẵn sàng chiến đấu có khả năng cầm cự tốt nhất trong 48 giờ. Tuy nhiên, mục đích của quân đồn trú chỉ nhằm ngăn chặn Moskva lấn tới bởi việc tấn công vào những đơn vị đồn trú này chắc chắn sẽ dẫn tới cuộc trả đũa tổng lực của phương Tây và Chiến tranh Thế giới thứ III có thể xảy ra.

Xe tăng Abram của Mỹ bắn đạn thật bằng pháo 120 mm tại Trung tâm huấn luyện gần Tapa, Estonia hồi tháng 6/2015
Xe tăng Abram của Mỹ bắn đạn thật bằng pháo 120 mm tại Trung tâm huấn luyện gần Tapa, Estonia hồi tháng 6/2015

Nguy cơ về một cuộc chiến quy mô lớn chưa hiện hữu, song các cuộc va chạm nhỏ hoàn toàn có thể xảy ra khi Mỹ cùng các đồng minh NATO tăng cường hoạt động quân sự sát Nga.

Hôm 20/4, Đại diện thường trực Nga tại NATO Alexander Grushko đã chỉ trích Washington tìm cách gây sức ép lên Moskva khi điều động một tàu khu trục trang bị tên lửa di chuyển gần Kaliningrad của Nga hồi tuần trước.

Phát biểu sau cuộc họp Hội đồng NATO - Nga lần đầu tiên trong gần 2 năm gián đoạn, ông Grushko cho rằng quan hệ song phương sẽ không có bất cứ tiến triển nào cho đến khi các nước đồng minh trong NATO giảm thiểu các hoạt động quân sự gần biên giới Nga.

Quan chức này nhấn mạnh Moskva sẽ thực hiện mọi biện pháp, phương án đề phòng cần thiết để đáp lại các mưu toan sử dụng sức mạnh quân sự.

Cũng sau cuộc họp, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh này và Nga thừa nhận vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc giữa hai bên, liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, tương lai của an ninh châu Âu và một số vấn đề khác.

Mỹ cáo buộc Su-24 của Nga tấn công giả định vào USS Donald Cook trên Biển Baltic
Mỹ cáo buộc Su-24 của Nga tấn công giả định vào USS Donald Cook trên Biển Baltic

Hồi tuần trước, Mỹ tố cáo một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga ngày 12/4 đã bay sát một tàu khu trục của Mỹ đang hoạt động trên Biển Baltic với độ cao chỉ khoảng 9 mét.

Chiếc Su-24 của Nga không có vũ khí đã bay sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ. Chỉ huy tàu khu trục Mỹ nhận định đây có thể là động tác tấn công giả định của máy bay Nga, coi đây là hành động không an toàn và không chuyên nghiệp. Tàu USS Donald Cook của Mỹ đã không có bất kỳ hành động đáp trả nào.

Cũng trong ngày 12/4, một trực thăng săn ngầm KA-26 của Nga đã lượn vòng 7 lần phía trên chiếc USS Donald Cook để chụp ảnh. Trước đó một ngày, 2 chiếc Su-24 của Nga cũng đã 20 lần bay qua phía trên chiếc USS Donald Cook ở độ cao khoảng 30 mét.

Phía Mỹ cho biết các thủy thủ tàu USS Donald Cook đã cố gắng liên lạc vô tuyến điện với các máy bay Nga song không nhận được trả lời.

Sau vụ việc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thậm chí còn cảnh báo tàu khu trục Mỹ có thể bắn hạ chiếc Su-24 của Nga, trong khi giới chức Nga tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn.

Theo Minh Thành

Đất Việt