1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ-Triều có làm nên chuyện tại bàn đàm phán Thượng đỉnh?

Mỹ và Triều Tiên đều liên tiếp có động thái “vun đắp” cho cuộc gặp Thượng đỉnh sắp tới, đặc biệt là xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.

Giới quan sát trước đây chưa từng đặt hy vọng vào thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Tuy nhiên, thành công của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 đã đặt nền móng lạc quan mới cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Động thái trước thềm thượng đỉnh của cả 2 nhà lãnh đạo là minh chứng rõ ràng nhất về sự tích cực mà các bên đang hướng tới.


Mỹ-Triều vun đắp niềm tin trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử. Ảnh: CBS

Mỹ-Triều vun đắp niềm tin trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử. Ảnh: CBS

Thiện chí của đôi bên

Việc Triều Tiên tuyên bố thả 3 công dân người bị Mỹ bắt giữ tại nước này trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều được cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton gọi là “sự thể hiện thiện chí của Triều Tiên”.

Theo một số nguồn tin, một trong những phương án đang được xem xét là Triều Tiên sẽ thả các công dân Mỹ đúng vào ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, dù thời điểm và địa điểm tổ chức sự kiện này vẫn chưa được các bên tiết lộ.

Nhiều khả năng vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm sẽ được lựa chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều. Cuộc gặp có thể diễn ra bên phần lãnh thổ Triều Tiên và ông Trump sẽ không chỉ là Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên mà còn là Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.

Về phía Mỹ, trong động thái mới nhất, giới truyền thông Mỹ ngày 4/5 đưa tin Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Bộ Quốc phòng cân nhắc giảm số lượng binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc.

Theo Thời báo New York (New York Times), Tổng thống Trump đã đề nghị Bộ Quốc phòng chuẩn bị các phương án để giảm số lượng binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc trong bối cảnh chỉ trong vài tuần nữa ông Trump sẽ có cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Vấn đề giảm số binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc sẽ không phải là chủ đề để “mặc cả” trên bàn đàm phán Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tuy nhiên, một Hiệp ước Hòa bình tương lai giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, sẽ chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, có thể giảm yêu cầu về số lượng binh sĩ Mỹ triển khai tại Hàn Quốc. Con số này hiện là 28.000 binh sĩ.

Tổng thống Trump nói sẽ không đưa vấn đề giảm binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc vào chương trình nghị sự khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Và việc giảm binh sĩ này còn bắt nguồn từ tranh cãi giữa Washington và Seoul trong việc chia sẻ kinh phí triển khai binh sĩ Mỹ. Tổng thống Trump từ lâu đã có ý giảm số lính Mỹ tại Hàn Quốc, nếu Seoul không đồng ý đóng góp thêm chi phí.

Dù Mỹ có giảm quân tại Hàn Quốc vì bất cứ lý do gì thì thông tin này không phải vô cớ được nhắc lại ngay trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bởi vì, Triều Tiên từ trước đến nay vẫn khẳng định phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa để tự vệ và phòng thủ. Động thái giảm binh sĩ này có thể là lời giải cho câu hỏi lớn về việc Washington sẽ có nhượng bộ gì trước những lo ngại an ninh của Bình Nhưỡng, trong đó có việc Mỹ triển khai số lượng quân đội khổng lồ sát sườn Triều Tiên.

Định nghĩa phi hạt nhân hóa

Thực tế, chính Tổng thống Trump đã khẳng định rõ mục đích của ông trong cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, nguồn tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/5 cũng cho biết, ông Kim Jong-un đã nhắc lại cam kết phi hạt nhân hóa rong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng trong 2 ngày.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Kim Jong-un và ông Dương Khiết Trì đã thảo luận các vấn đề liên quan tới Bán đảo Triều Tiên, trong đó, ông Kim khẳng định mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Giới phân tích nhìn nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ ngồi vào bàn thảo luận trong bầu không khí “nồng ấm”.

Ông Kim Jong-un có thể sẽ nói nhiều về các kế hoạch phát triển kinh tế của Triều Tiên. Ông Kim cũng sẽ nêu quan điểm logic của mình về việc tại sao các trừng phạt nhằm vào Triều Tiên phải được dỡ bỏ trước khi ông khởi động tiến trình phi hạt nhân hóa.

Với Tổng thống Trump, ông sẽ cần nhiều hơn một cuộc gặp Thượng đỉnh thành công. Trong đó, Tổng thống Mỹ sẽ phải làm rõ ràng với Triều Tiên định nghĩa “phi hạt nhân hóa”.

Kể cả khi các bên không đạt được thỏa thuận tại bàn đàm phán, song ít nhất ông Trump phải khiến ông Kim hiểu rõ rằng phi hạt nhân hóa có nghĩa là hủy bỏ hoàn toàn và kiểm chứng rõ ràng việc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Giới quan sát vẫn giữ thái độ dè chừng khi nói về thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Nếu cuộc gặp diễn ra thì về cơ bản các bên sẽ đạt được “thỏa thuận gì đó” bất kể nó có mơ hồ thế nào.

“Cũng có thể có kết quả tích cực kiểu như là các bên sẽ bắt đầu hướng tới tiến trình phi hạt nhân hóa”, CNBC dẫn ý kiến một chuyên gia.

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về khu vực Đông Á, Christopher R. Hill cũng nhận định thận trọng rằng: “Trước khi có thể ăn mừng, các bên cần xác định những thách thức ở phía trước”.

Hoàng Lê

VOV