1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ tính chế tạo vũ khí “hạ gục” tên lửa Triều Tiên ngay tại bệ phóng

(Dân trí) - Quan ngại rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại không đủ hiệu quả để bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi mối đe dọa Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump tính rót 4 tỷ USD nhằm chế tạo hệ thống vũ khí nhằm ngăn chặn hoặc bắn hạ tên lửa Triều Tiên ngay khi vừa rời khỏi bệ phóng.

Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Theo NYT, kế hoạch 4 tỷ USD mà chính quyền Mỹ đề xuất quốc hội hồi tuần trước bao gồm hệ thống vũ khí mạng tấn công vào hệ thống điều khiển phóng tên lửa Triều Tiên hoặc các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu. Những máy bay này có nhiệm vụ bắn hạ tên lửa Triều Tiên ngay sau khi rời khỏi bệ phóng khi chúng đang bay với tốc độ thấp và dễ dàng nhắm bắn.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cùng các nhà khoa học hàng đầu và các nghị sĩ quốc hội cho biết động thái của Mỹ nhằm đáp trả sự tiến bộ bất ngờ của chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên những tháng qua nhằm mục tiêu thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa và tấn công tới lãnh thổ Mỹ.

Hàng năm qua, Mỹ đã chi khoảng 100 tỷ USD vào các hệ thống tên lửa phòng thủ ở Alaska và California nhằm vào mọi thiết bị có đầu đạn hướng về lục địa Mỹ, bắn hạ khi chúng thâm nhập vào tầng khí quyển. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp “dùng tên lửa trị tên lửa” vẫn là câu hỏi lớn với giới chức Mỹ.

Theo NYT, các cuộc thử nghiệm trong điều kiện thuận lợi với 2 hệ thống đánh chặn ở Alaska và California chỉ có xác suất thành công vào khoảng 50%. Và việc Lầu Năm Góc liên tục cảnh báo về kịch bản tên lửa Triều Tiên có thể sớm bay tới lãnh thổ Mỹ khiến cho vấn đề càng thêm phức tạp. Vì vậy, chính phủ Mỹ đã “sốt sắng” đề xuất lên quốc hội để xin thêm ngân sách nhằm tìm ra phương án phòng thủ mới trước mối đe dọa Triều Tiên một cách hiệu quả hơn.

Phương án nào thật sự hiệu quả?


Máy bay không người lái Avenger - thiết bị có thể sẽ được Mỹ sử dụng để đánh chặn tên lửa Triều Tiên ngay sau khi rời khỏi bệ phóng (Ảnh: NYT)

Máy bay không người lái Avenger - thiết bị có thể sẽ được Mỹ sử dụng để đánh chặn tên lửa Triều Tiên ngay sau khi rời khỏi bệ phóng (Ảnh: NYT)

Phương án dùng vũ khí mạng để ngăn chặn tên lửa tấn công vốn được sử dụng trong 30 năm qua. Tuy nhiên, với trường hợp Triều Tiên, khả năng chắc chắn thành công vẫn là dấu hỏi lớn với Mỹ. Vũ khí mạng chỉ hoạt động hiệu quả khi nó có thể tiếp cận thông tin về quá trình sản xuất, và thâm nhập vào hệ thống điều khiển bệ phóng và hệ thống dẫn đường. Với một quốc gia rất hạn chế sử dụng mạng Internet như Triều Tiên, đây là cả một vấn đề lớn cần xem xét.

Ngoài ra, với phương án sử dụng máy bay chiến đấu, Lầu Năm Góc gơi ý sử dụng máy bay chiến đấu F-22 hoặc F-35 thuộc căn cứ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản mang theo tên lửa không đối không nhằm tiêu diệt tên lửa Triều Tiên ngay khi vừa rời khỏi bệ phóng. Tuy nhiên, để thực hiện chính xác việc đánh chặn các máy bay này cần bay gần không phận Triều Tiên và phải chấp nhận rủi ro bị bắn hạ.

Thêm vào đó, rủi ro khác của phương án này là việc Mỹ sẽ có thể phải bắn tên lửa vào lãnh thổ và không phận của một quốc gia khác khi đánh chặn tên lửa Triều Tiên. Vấn đề này có thể gây ra khủng hoảng ngoại giao nếu có thiệt hại xảy ra.

Cuối cùng, theo các chuyên gia phương án sử dụng máy bay không người lái dường như là phương án hiệu quả nhất. Các máy bay này sẽ tuần tra ở trên cao không phận Nhật Bản và sẵn sàng đối phó khi Triều Tiên phóng tên lửa bay qua. Ngoài ra, Mỹ còn đang phát triển máy bay không người lái dùng vũ khí laser đánh chặn, tiến bộ có thể giải quyết bài toán bắn tên lửa vào quốc gia khác.

Tuy nhiên, phương án này vẫn tồn tại điểm bất lợi là thời gian. Các kế hoạch phát triển các máy bay không người lái ở thời điểm hiện tại dường như sẽ đẩy Mỹ vào thế khó khi theo ước tính, thiết bị có khả năng hoàn thiện để tấn công và đánh chặn tên lửa Triều Tiên chỉ có thể ra mắt sớm nhất vào năm 2025.

Đức Hoàng

Theo Straits Times