1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

(Dân trí) - Trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân sắp diễn ra, giới chức Mỹ liên tục đưa ra những phát biểu tập trung vào vấn đề Biển Đông, cũng như kêu gọi các bên liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này kiềm chế các hoạt động cải tạo đảo và quân sự hóa.


Tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông. (Ảnh: AFP)

Tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông. (Ảnh: AFP)

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Peter Cook ngày 30/3 cho biết Mỹ chưa thể xác nhận về những thông tin mới đây cho rằng Trung Quốc triển khai tên lửa chống hạm trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như việc Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động khảo sát xung quanh bãi cạn Scarborough.

Tuy nhiên, ông Peter Cook một lần nữa khẳng định Mỹ kêu gọi tất cả các bên liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông tiếp tục theo đuổi các giải pháp ngoại giao và pháp lý để giải quyết vấn đề hiện nay.

Trong khi đó, phát biểu tại sự kiện của tổ chức World Affairs Council ở thủ đô Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết năm thách thức đang ảnh hưởng tới ngân sách hoạt động và chiến lược của Lầu Năm Góc là Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và cuộc chiến chống khủng bố. Bộ trưởng Carter cho rằng: "Trung Quốc đang nổi lên. Đây là điều tốt. Tuy nhiên, cách hành xử khiêu khích của họ lại không tốt".

Tại một sự kiện khác cũng được tổ chức ở thủ đô Washington, bà Amy Searight, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Đông Nam Á, cho biết cuộc tập trận chung Balikatan giữa quân đội Mỹ và Philippines sẽ được tổ chức ở khu vực gần Biển Đông.

"Nhật Bản đang thảo luận với Philippines về một thỏa thuận cho phép Tokyo tham gia thường xuyên hơn với những cuộc tập trận như Balikatan. Tại cuộc tập trận sắp tới, Nhật Bản sẽ tham gia với tư cách quan sát viên. Chúng tôi biết được rằng Tokyo rất muốn tham gia những cuộc tập trận như vậy", bà Amy Searight khẳng định.

Nhật Bản đã tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc do những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông. Hồi tháng Hai vừa qua, Nhật Bản đã ký thỏa thuận với Philippines nhằm chuyển giao các công nghệ và thiết bị quân sự như một phần trong nỗ lực thắt chặt quan hệ an ninh. Trước đó, Nhật Bản cũng đã ký thỏa thuận tương tự với Australia, Anh và Ấn Độ.

Trong một diễn biến liên quan khác, Mỹ tuyên bố sẽ không công nhận bất cứ Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào tại Biển Đông. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work khẳng định, Mỹ sẽ coi động thái thành lập ADIZ tại Biển Đông là hành động "gây bất ổn", đồng thời hối thúc các bên liên quan giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thông qua hòa giải và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Ngọc Anh

Tổng hợp