1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ sẽ thách thức Trung Quốc như thế nào trên Biển Đông?

(Dân trí) - Washington mới đây thông báo đang xem xét việc điều máy bay chiến đấu và tàu hải quân tiến vào vùng lãnh thổ mà Trung Quốc "tuyên bố chủ quyền" và đang gấp rút xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Washington thông báo đang xem xét việc điều máy bay và tàu chiến đến Biển Đông. (Ảnh: Flickr)

Washington thông báo đang xem xét việc điều máy bay và tàu chiến đến Biển Đông. (Ảnh: Flickr)

Bản chất của đề nghị này là nhằm thử thách tính hợp pháp của các hoạt động bồi đắp đảo trên vùng đất mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
 
Có nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh có thể lập luận rằng hoạt động bồi đắp của họ xảy ra trên các vùng nửa nổi nửa chìm thực ra là các đảo hoặc đảo đá, từ đó có thể cho phép họ tuyên bố chủ quyền hàng hải (một vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh đảo, theo cùng với đó là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho từng hòn đảo, và một vùng lãnh hải 12 hải lý cho từng đảo đá).

Nhưng trên thực tế, Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) đã chỉ rõ rằng những vùng đất như thế sẽ không đủ điều kiện để đưa ra bất cứ yêu cầu nào về hàng hải. Các đảo nửa chìm nửa nổi là không phù hợp để có thể yêu cầu chủ quyền cho từng đảo, với ý nghĩa rằng chúng tách biệt ra khỏi các đảo do chúng hoàn toàn bị nhấn chìm khi thủy triều dâng cao.

Các đảo nhân tạo cũng được quy định tương tự. Theo điều số 60, mục 8 của Công ước, “các đảo nhân tạo, hoạt động bồi đắp và xây dựng không có các tính chất của một hòn đảo. Chúng không có các vùng lãnh hải riêng, và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến sự phân định vùng lãnh hải, các vùng đặc quyền kinh tế, hoặc thềm lục địa”.

Trong trường hợp kế hoạch của Mỹ được tiến hành, các tàu hải quân Mỹ và máy bay chiến đấu sẽ được sử dụng để thể hiện quy định trên.
 
Lấy một ví dụ cụ thể, tàu hải quân Mỹ sẽ thực hiện việc này bằng cách đi vào trong vùng phạm vi 12 hải lý của một trong số các đảo được bồi đắp và vờ như họ không nhận ra rằng các vùng này đủ điều kiện là đảo hay đá để có thể yêu cầu vùng lãnh hải 12 hải lý.

Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ bị đưa vào thế bí. Để có thể khẳng định tàu Mỹ xâm phạm lãnh thổ, họ sẽ phải công khai tuyên bố rằng vùng đảo nửa nổi nửa chìm này là đảo hoặc đảo đá gắn chặt với một vùng lãnh hải, và điều này rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế. Nếu chọn cách im lặng, Trung Quốc sẽ phải nhân nhượng một hành động khiêu khích trực tiếp tới sự hợp pháp của các vùng đang diễn ra hoạt động cải tạo.

Tất nhiên, kế hoạch của Mỹ ẩn chứa cả những nguy cơ và hạn chế tùy thuộc vào cách thức  tiến hành của Mỹ và phản ứng của Bắc Kinh. Nước Mỹ nhiều khả năng sẽ tự sa chân vào một cuộc tranh giành lãnh thổ…

Một hành động như vậy cũng mang tới cơ hội cho một sự tình cờ hoặc tính toán sai dẫn tới sự đối đầu nhau giữa tàu chiến hoặc máy bay của hai bên. Trong khi đây có thể là một bước đi mà Mỹ sẵn sàng sử dụng vào bước cuối cùng, cần lường trước những hậu quả của hành động này.

Và trên thực tế, chỉ cần các chiến đấu cơ Mỹ bay gần, chứ chưa chạm tới phạm vi 12 hải lý xung quanh các vùng đất nổi của Trung Quốc, các sỹ quan Bắc Kinh đã cảnh báo rằng họ đang bay gần lãnh thổ Trung Quốc, theo Nhật báo Phố Wall.

Và như The Diplomat đề cập trước đây, Trung Quốc đã phản ứng trước kế hoạch điều máy bay, tàu chiến đến Biển Đông của Mỹ, quyết sẽ đấu tranh để giữ gìn chủ quyền và cảnh báo tất cả các đối thủ khác về các “mối nguy hại hoặc các hành động khiêu khích”.

Hơn nữa, có một điều chưa rõ ràng là những động thái này liệu có buộc Trung Quốc phải làm rõ ràng các yêu sách chủ quyền của họ?
 
Bắc Kinh có thể đơn giản phát đi một thông điệp chung chung cáo buộc Mỹ "phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông" và duy trì trạng thái im lặng về các tuyên bố chủ quyền của họ trong khi vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động bồi đắp.

Có lẽ điều quan trọng nhất là động thái này sẽ chạm tới vấn đề tính pháp lý của các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc, tương tự như trường hợp chưa được giải quyết của Philippines tại Hội đồng Trọng tài tại tòa án quốc tế La Hay. Luôn có một khả năng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phớt lờ luật pháp quốc tế trong khi tiếp tục đơn phương thay đổi tình trạng theo ý muốn và tăng cường khả năng quân sự nhằm gây khó cho các chủ thể như Mỹ.

Đó là lý do tại sao cần phải xem xét kế hoạch gửi tàu và máy bay đến Biển Đông của Mỹ trong tổng thể chính sách chung của cả Mỹ và Trung Quốc, thay vì chỉ xem xét từ một hướng.

Trần Khánh
Theo Diplomat