1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ ngừng bay phi đội F-16 sau vụ tai nạn ngoài khơi Nhật Bản

(Dân trí) - Một phi đội các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ tại Nhật Bản đã bị cho ngừng bay để kiểm tra an toàn sau khi một chiến đấu cơ loại này bị rơi ở Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển phía bắc Nhật Bản hồi tuần trước.

 
Một chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.

Một chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
 
Chiếc F-16 thuộc phi đội bay 35 tại căn cứ không quân Misawa của Mỹ ở tỉnh Aomori đã gặp nạn hôm 22/7 ở vùng biển cách đảo Hokkaido, hòn đảo ở cực bắc Nhật Bản, khoảng 320km về phía đông bắc. Đây là vụ tai nạn đầu tiên ở một chiếc F-16 bên ngoài Misawa kể từ năm 2002.

Vụ tai nạn diễn ra trong bối cảnh người dân Nhật Bản phản đối việc triển khai loại máy bay vận tải mới nhất của lực lượng lính thủ đánh bộ Mỹ, MV-22 Osprey, tới hòn đảo Okinawa ở miền nam nước này. 2 chiếc Osprey đã bị rơi hồi tháng 4 và sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương đã trở thành một bài toán chính trị lớn cho cả Tokyo lẫn Washington.

Thượng sĩ Mỹ Nathan Lipscomb cho biết 45 chiếc F-16 tại Misawa đã bị cho ngừng bay để chờ các cuộc kiểm tra an toàn. Quan chức này nói thêm rằng một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn hôm 22/7 đang được tiến hành. Máy bay đang trên đường tới Alaska thì bị rơi vào sáng hôm đó.

Phi công, người được giấu tên, đã nhảy dù an toàn và được cứu sống khoảng 6 giờ sau đó bởi một sứ mệnh cứu hộ do Mỹ và Nhật Bản phối hợp thực hiện. Ông Lipscomb cho hay phi công hiện trong tình trạng ổn định và đã được đưa tới một căn cứ của Mỹ - được cho là tại Alaska - nhưng sẽ trở lại Misawa.

Mỹ hiện có khoảng 50.000 binh sĩ đồn trú trên khắp Nhật Bản theo khuôn khổ một thoả thuận an ninh song phương.

Mặc dù căn cứ Misawa nằm ở địa điểm tương đối hẻo lánh và các tai nạn liên quan tới chiến đấu cơ F-16 là khá hiếm, nhưng những lo ngại về các vụ tai nạn, tiếng ồn và tội phạm liên quan tới các căn cứ vẫn tồn tại ở nhiều khu vực nơi các binh sĩ Mỹ đồn trú.

Những lo ngại như vậy đặc biệt nhạy cảm tại Okinawa, nơi có nhiều binh sĩ Mỹ đồn trú nhất. Sự phản đối của người dân địa phương đối với việc triển khai Osprey do các mối nguy hiểm tiềm tàng của máy bay quân sự Mỹ đã trở thành tâm điểm chú ý của cả nước.

Để giúp làm dịu bớt căng thẳng, các quan chức Mỹ và Nhật Bản hôm nay gặp nhau ở Tokyo để thảo luận các biện pháp nhằm đảm bảo sự hoạt động an toàn của các máy bay Osprey tại nước này.

12 chiếc Osprey đầu tiên đã tới thành phố Iwakuni hồi tuần này để thử nhiệm và dự kiến sẽ sớm được triển khai tại Okinawa, mặc dù giới chức địa phương chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch này.

An Bình
Theo AP