1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Nga - Trung "gườm nhau" trong cuộc đua vũ trang trí tuệ nhân tạo

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng trong cuộc chiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quân sự, Mỹ được cho là đang dẫn đầu về mặt thuật toán "học sâu", nhưng Nga và Trung Quốc cũng đang có những bước tiến nhanh trong việc ứng dụng công nghệ vào các hệ thống vũ khí.

Mỹ - Nga - Trung gườm nhau trong cuộc đua vũ trang trí tuệ nhân tạo - 1

(Ảnh minh họa: Craig Stephens)

Theo SCMP, Nga, Trung Quốc và Mỹ dường như đang tham gia vào cuộc đua nhằm tìm ra quốc gia nào sẽ thống trị về mặt trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai, cũng như những ứng dụng trong mục đích quân sự.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc có lợi thế đó chính là dân số hơn 1,4 tỷ người. Chính vì vậy, họ có một cơ sở dữ liệu vượt trội để các kỹ sư, nhà phát triển ứng dụng có thể nghiên cứu công nghệ tiên tiến. Nga, mặt khác, lại đang triển khai AI trong hàng loạt các khí tài của họ, bao gồm cả vũ khí siêu thanh.

Trong khi đó, Mỹ coi AI là một công cụ an ninh quốc gia, có thể được ứng dụng trên chiến trường hoặc ngăn cản các vụ tấn công khủng bố, cũng như các vụ tấn công mạng hoặc tấn công bằng AI của đối thủ.

Mỹ được đánh giá là đang có lợi thế hơn hẳn về mặt thuật toán học sâu (deep learning). Họ được cho là có phương pháp có thể xác định được bãi phóng tên lửa đất đối không Trung Quốc nhanh gấp vài trăm lần so với bộ não con người. Thuật toán này thậm chí có thể giúp những cá nhân không có kinh nghiệm về phân tích hình ảnh có thể tìm ra được các cơ sở tên lửa dọc khắp 90.000 km2 ở phía đông nam Trung Quốc.

Theo một ước tính, thuật toán này chỉ mất 42 phút đồng hồ để phân tích các vụ phóng tên lửa tiềm năng dựa vào khối lượng dữ liệu khổng lồ từ các vệ tinh đưa xuống, trong khi một nhóm chuyên gia sẽ mất 60 giờ đồng hồ để có thể làm được điều tương tự.

AI và công nghệ robot được coi là lực lượng mở ra kỷ nguyên của “siêu chiến tranh”, thuật ngữ ám chỉ các vụ tấn công không quá tốn kém chi phí như chiến tranh thông thường, nhưng "tĩnh lặng" và có khả năng tác động tới phạm vi toàn cầu.  

Khi thực chiến, AI có thể giúp các chỉ huy “cảm nhận”, “chứng kiến” và xem xét cách triển khai đội hình của đối thủ nhanh chóng hơn hẳn nhờ khối lượng thông tin khổng lồ và phức tạp mà AI xử lý bằng thuật toán. Thậm chí trong nhiều trường hợp, AI có thể giúp các hệ thống tự động đưa ra quyết định chiến đấu khi cần thiết.

Theo giới quan sát, các đối thủ của Mỹ dường như đang hy vọng rằng AI có thể giúp họ vượt được công nghệ và chiến thuật của Mỹ thể hiện qua kho vũ khí uy lực với tàu sân bay hay tên lửa tầm cao.

Nga là bên đã áp dụng AI một cách bài bản vào các hoạt động tác chiến độc lập và họ dường như đang hướng đến việc thử nghiệm chiến đấu trong một chiến trường robot hóa trong tương lai gần với vũ khí chống tăng, súng phóng lựu, và súng trường tấn công. Nga cũng có những bước tiến nhanh và mạnh trong việc chế tạo các vũ khí tự hành.

Trung Quốc được cho là cũng đang đi theo con đường của Nga với việc thử nghiệm tên lửa, máy bay không người lái… Bắc Kinh dường như cũng xây dựng hệ thống vệ tinh và phát triển tàu vũ trụ lượng tử với các mã hóa tiên tiến.

Ngoài ra, giới chuyên gia quan ngại rằng hiện thời có quá ít các quy tắc toàn cầu về việc quản lý AI nhằm hạn chế những tác động tiêu cưucj khi nó được ứng dụng vào công nghệ tình báo và quân sự. Chính vì vậy, rất khó để yêu cầu Mỹ, Trung quốc, hay Nga phát triển công nghệ AI của họ dựa trên một tham vọng “có trách nhiệm” khi cả 3 đều đang tham gia vào cuộc đua tới vị trí dẫn đầu.

Giới quan sát hy vọng rằng các nền quân sự lớn sẽ tìm được tiếng nói chung và phát triển AI theo hướng có kiểm soát để tránh làm bùng phát những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại cho con người. 

Đức Hoàng

Theo SCMP