1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ mua 1 tỷ USD tên lửa sau khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga

(Dân trí) - Chỉ trong 3 tháng sau khi rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga, Mỹ đã đặt hàng số lượng tên lửa trị giá hơn 1 tỷ USD.

Mỹ mua 1 tỷ USD tên lửa sau khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga - 1

Tên lửa Mỹ trong một cuộc diễn tập (Ảnh minh họa: AFP)

Từ tháng 10/2018 tới tháng 2/2019, khi Mỹ bắt đầu quá trình rút khỏi hiệp ước INF, Washington đã nhanh chóng phát triển kho tên lửa mới, ký các thương vụ tổng trị giá 1,1 tỷ USD với các nhà thầu quốc phòng trong vòng 3 tháng, theo báo cáo công bố ngày 2/5 của tổ chức Chiến dịch quốc tế về loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và tổ chức Hòa bình của Mỹ (PAX).

Theo Sputnik, động thái này dường như mâu thuẫn với tuyên bố hồi tháng 2 của Washington rằng họ sẽ tiếp tục tôn trọng những giới hạn của hiệp ước.

Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Mỹ đã dừng INF vì cho rằng Nga đã vi phạm thông qua việc triển khai tên lửa 9M729 trong hệ thống Iskander. Moscow đã bác cáo buộc trên.

“Việc rút khỏi INF đã bắn phát súng đầu tiên cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, Beatrice Fihn, quan chức của ICAN nói với AFP ngày 2/5.

Theo báo cáo mới được công bố, bên hưởng lợi nhiều nhất trong các hợp đồng 1,1 tỷ USD là các tập đoàn vũ khí của Mỹ như Raytheon (44 hợp đồng, 537 triệu USD), Lockheed Martin (36 thỏa thuận, 268 triệu USD) và Boeing (4 hợp đồng, 245 triệu USD).

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết họ chưa rõ liệu toàn bộ các hợp đồng mới có nhằm vào mục tiêu sản xuất vũ khí hạt nhân hay không. “Điều rõ ràng ở đây là đã có một sự nhanh chóng trong việc chế tạo thêm nhiều tên lửa mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ và khiến thị trường tràn ngập các vũ khí bất chấp tầm bay của chúng là bao xa”, báo cáo của ICAN viết.

Theo Sputnik, 1 tháng khi Mỹ bắt đầu rút khỏi INF, quân đội nước này đã công bố bản yêu cầu ngân sách cho tài khóa 2020, trong đó có một số chương trình phát triển tên lửa với nhiều loại trong đó từng bị cấm bởi INF trước đây. Báo cáo cũng chỉ ra một số hợp đồng sản xuất vũ khí hạt nhân lớn như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II.  

Các chuyên gia và nhà hoạt động thực hiện báo cáo nói rằng có một sự không tương thích giữa quan điểm chống hạt nhân của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với những thực tế đang diễn ra. “Ông Trump kêu gọi phi hạt nhân toàn cầu là điều rất cần thiết, nhưng Mỹ và các đồng minh được bị vũ khí hạt nhân của họ dường như có những hành động không khớp với lời nói”, báo cáo chỉ ra.

Đức Hoàng

Theo Sputnik