1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ lo ngại các nghiên cứu khoa học lọt vào tay Trung Quốc

(Dân trí) - Một trong những trường y hàng đầu của Mỹ đã dừng các chương trình trao đổi giữa các nhà khoa học vì lo ngại thông tin từ cuộc nghiên cứu của trường có thể bị lọt vào tay các chính phủ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.


Trường Y Đại học Johns Hopkins (Ảnh: SCMP)

Trường Y Đại học Johns Hopkins (Ảnh: SCMP)

Trường Y thuộc Đại học Johns Hopkins, một trong những trường đào tạo y học hàng đầu của Mỹ, đã dừng chương trình trao đổi dành cho các nhà khoa học để tuân thủ cuộc điều tra về việc liệu các nhà khoa học tại Mỹ có chia sẻ các kết quả nghiên cứu với các chính phủ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc hay không.

Quyết định dừng chương trình trên đã ảnh hưởng tới các nhà khoa học của nhiều quốc gia - những người đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc nghiên cứu tại trường Y Johns Hopkins. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu về “Kế hoạch hàng nghìn người tài” của Trung Quốc, mục đích khiến trường Y của Mỹ dừng chương trình trao đổi chủ yếu nhằm vào các nhà khoa học Trung Quốc và chương trình tuyển dụng các tài năng khoa học của Bắc Kinh.

“Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Trường Y Johns Hopkins đã tạm thời dừng việc tiếp nhận các nhà khoa học vì lo ngại những mối đe dọa do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đưa ra về nghiên cứu y sinh và nguy cơ mất quyền sở hữu trí tuệ”, SCMP dẫn thông báo của Bệnh viện Johns Hopkins gửi Khoa Thần kinh hồi cuối tháng 10.

“Trường Johns Hopkins sẽ không đón bất kỳ nhà khoa học nào (ngoài những người đã ở đây) cho đến khi NIH cảm thấy rằng chúng ta có thể an toàn khi cho phép người nước ngoài tham gia vào các cuộc nghiên cứu do chính phủ bảo trợ”, thông báo cho biết thêm.

Theo một nhà nghiên cứu y sinh Trung Quốc tại Mỹ, quyết định của trường Johns Hopkines sẽ ảnh hưởng tới “1.000 nhà khoa học”, trong đó có nhiều người từ Trung Quốc.

“Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là cần thiết, tuy nhiên việc dừng chương trình này không giúp ích cho nghiên cứu khoa học vì điều này cần đến sự hợp tác quốc tế”, nhà nghiên cứu tên Zhang chia sẻ.


Nhà khoa học làm việc tại trung tâm ung thư tại bệnh viện Johns Hopkins. (Ảnh: AFP)

Nhà khoa học làm việc tại trung tâm ung thư tại bệnh viện Johns Hopkins. (Ảnh: AFP)

Chương trình tuyển dụng nhân tài khoa học của chính phủ Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận và các cơ quan tại Mỹ ngày càng xem xét cẩn trọng các chương trình của Trung Quốc mà họ nghi là được thiết kế để đánh cắp các công nghệ cũng như sở hữu trí tuệ của Mỹ. Một chương trình nổi bật nhất của chính phủ Trung Quốc là “Kế hoạch hàng nghìn người tài” do Bắc Kinh khởi động từ năm 2008 nhằm thu hút các nhà khoa học Trung Quốc được đào tạo hoặc làm việc ở nước ngoài trở về quê nhà.

Chương trình này đã thu hút hơn 7.000 nhà nghiên cứu, chủ yếu sống ở Mỹ, quay về Trung Quốc. Họ được “trả công” bằng các vị trí công việc tốt tại Trung Quốc và các khoản trợ cấp nghiên cứu hậu hĩnh. Nhiều nhà nghiên cứu thuộc chương trình này vẫn duy trì các mối liên hệ ở nước ngoài trong khi làm việc bán thời gian tại Trung Quốc.

Hồi tháng 8, NIH, cơ quan tài trợ nghiên cứu lớn nhất của Mỹ, bắt đầu điều tra về việc liệu những người được nhận trợ cấp tại Mỹ có chia sẻ các kết quả nghiên cứu của họ với chính phủ nước ngoài hay không. Giám đốc NIH Francis Collins đã gửi thư tới hơn 10.000 viện nghiên cứu để kêu gọi rà soát lại vấn đề này.

Thành Đạt

Theo SCMP