1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lấy gì để kiềm chế Trung Quốc khi rút sân bay duy nhất khỏi châu Á?

Minh Phương

(Dân trí) - Việc Mỹ chuẩn bị rút tàu sân bay duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương có thể tạo ra một khoảng trống về sức mạnh hải quân nhằm đối trọng Trung Quốc ở khu vực.

Mỹ lấy gì để kiềm chế Trung Quốc khi rút sân bay duy nhất khỏi châu Á? - 1
Một máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet bay phía trên tàu sân bay USS Ronald Reagan (Ảnh: US Navy).

Một "khoảng trống" để lại

Các nguồn tin quốc phòng Mỹ ngày 26/5 cho biết, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ vốn đồn trú tại Nhật Bản sẽ được điều động đến Trung Đông trong vài ngày tới để hỗ trợ quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. USS Ronald Reagan - tàu sân bay duy nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương- dự kiến sẽ được triển khai ở Trung Đông khoảng 4 tháng.

Theo giới chuyên gia, việc điều động này có thể tạo ra khoảng trống sức mạnh hải quân của Mỹ ở khu vực châu Á, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại trường S. Rajaratnam của Singapore, nhận định Trung Quốc có thể nhân cơ hội này để nói rằng Washington không thể thực hiện các cam kết quân sự ở khu vực. Chuyên gia này cũng nhận định, một số nước trong khu vực sẽ có chung lo ngại về "lỗ hổng" mà Mỹ để lại ở khu vực trong thời gian tàu sân bay vắng bóng.

Thomas Shugart, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ và hiện là chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ, cho rằng việc để lại lỗ hổng này dường như đi ngược lại những gì mà Mỹ nhắc tới trong các mối ưu tiên quốc phòng. "Theo Chiến lược Quốc phòng Quốc gia mới nhất, Mỹ công bố rõ trọng tâm ưu tiên là đối phó với thách thức quân sự từ Trung Quốc. Do vậy, tôi vô cùng ngạc nhiên khi tàu sân bay Mỹ ở Tây Thái Bình Dương bị điều động khỏi mặt trận ưu tiên", ông Shugart nói.

Mỹ có thể lấp đầy "khoảng trống" ra sao?

Mỹ lấy gì để kiềm chế Trung Quốc khi rút sân bay duy nhất khỏi châu Á? - 2
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt đầu hành trình đến châu Á từ cuối tuần trước (Ảnh minh họa: Navy).

Mặc dù sự vắng bóng của tàu sân bay USS Ronald Reagan có thể tạo khoảng trống ở châu Á, nhưng theo ông Carl Schuster, cựu quan chức tại Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Washington vẫn còn nhiều nguồn lực khác có thể thay thế.

Ông Schuster nói, tàu tấn công đổ bộ của Mỹ đồn trú ở Nhật Bản, chở theo các máy bay chiến đấu F-35, có thể tạm thời lấp khoảng trống mà USS Ronald Reagan để lại. Ngoài ra, ông Schuster nhận định: "Tôi cho rằng Không quân Mỹ có thể điều máy bay ném bom qua Biển Đông khi USS Ronald Reagan vắng mặt. Sự hiện diện này không thể sánh với sự hiện diện của một tàu sân bay nhưng nó có thể phát đi cùng một thông điệp chính trị".

Hơn nữa, thời gian USS Ronald Reagan vắng bóng trùng với thời gian nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh triển khai đến khu vực. Tàu HMS Queen Elizabeth tải trọng 65.000 tấn mang theo 8 máy bay chiến đấu F-35B của Anh cùng với 10 máy bay F-35 của Mỹ, 250 lính thủy quân lục chiến trong đội hình gồm 1.700 thủy thủ. Hộ tống tàu sân bay còn có 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ vệ, 1 tàu ngầm và 2 tàu phụ trợ. Nhóm tàu này đã rời Anh cuối tuần trước và dự kiến sẽ qua Biển Đông vào cuối mùa hè này khi trên đường đến Nhật Bản.

Một tàu khu trục của Mỹ và một tàu hộ vệ của Hà Lan cũng tham gia vào nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh. "Đây sẽ là công cụ hữu hiệu thể hiện sự đoàn kết của các đồng minh Mỹ khi có mặt ở khu vực vào thời điểm tàu sân bay USS Ronald Reagan vắng mặt", chuyên gia Koh nói.