1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ dừng kế hoạch tấn công Syria

Mỹ quyết định dừng kế hoạch tấn công Syria vào năm 2013 và liên tiếp triển khai kế hoạch nước đôi trong thời gian sau đó.

Mỹ dừng kế hoạch tấn công Syria năm 2013

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Chính sách Đối ngoại (FP) gần đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã kể về thời khắc chính quyền Mỹ quyết định dừng kế hoạch tấn công Syria hồi năm 2013.

Theo ông Chuck Hagel, năm 2012, trong bối cảnh có nhiều vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học xảy ra ở Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công khai cảnh báo Tổng thống Syria Assad rằng chế độ của ông sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng (tấn công quân sự) nếu vượt qua “giới hạn đỏ” là sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân Syria.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel

Ngày 21/8/2013, Mỹ cáo buộc chính phủ của ông Assad đã dùng vũ khí hóa học tấn công vào một khu vực ngoại ô ở Damascus, giết chết hàng trăm thường dân.

Ngày 30/8/2013, quân đội Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh. Ông Hagel đã phê duyệt kế hoạch cuối cùng. Theo đó, Mỹ sẽ tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk chống lại Damascus. Tàu khu trục của hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải chờ lệnh bắn.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, Tổng thống Obama đột nhiên ra lệnh dừng kế hoạch tấn công Syria.

Ông Hagel chỉ trích, ông Obama vẫn quyết định nước Mỹ sẽ không tiến hành bất cứ hành động quân sự nào nhằm vào chính phủ Syria, phớt lờ chính “giới hạn đỏ” mà ông đã đặt ra. Quyết định này đã giáng một đòn nghiêm trọng vào uy tín của chính tổng thống và cả nước Mỹ.

“Lịch sử sẽ xác định đó là quyết định đúng hay không. Nhưng theo quan điểm của tôi, uy tín của tổng thống đã bị tổn hại”, ông Hagel nói.

Về sau, nhiều lãnh đạo quân sự trên toàn thế giới nói với ông Hagel rằng lòng tin của họ vào Washington đã bị lung lay với quyết định đột ngột trên của ông Obama.

“Lời của một tổng thống rất có giá trị và khi tổng thống nói điều gì đó, thì đó là một việc lớn”, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.

Theo lời ông Hagel, sau khi quyết định không tấn công quân sự, Nhà Trắng đã không thể tìm ra chính sách phù hợp, rõ ràng về Syria.

Nhà Trắng từ chối bình luận về những phát biểu trên của ông Hagel. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao giấu tên, cho biết, năm 2013, Tổng thống Obama không muốn một mình ra lệnh tấn công quân sự vào Syria mà không có ý kiến của quốc hội. Cuối cùng ông đã quyết định dừng bước ở phút cuối cùng và mở đường cho một thỏa thuận ngoại giao do Nga đề xuất. Theo đó, chính phủ của ông Assad sẽ phải tiêu hủy hết các kho dự trữ vũ khí hóa học.

Vị quan chức này nhấn mạnh: “Kết quả cuối cùng là xóa bỏ được các chương trình vũ khí hóa học của chính phủ Syria”.

Mỹ lộ chiêu trò nước đôi trong cuộc chiến tại Syria?

Đây không phải là lần đầu tiên những thông tin về việc Nhà Trắng ngập ngừng trong các kế hoạch tại Syria được công bố.

Hồi tháng 10 năm ngoái, tại diễn đàn thảo luận Valdai, Tổng thống Nga đã cáo buộc Mỹ đang chơi trò nước đôi khi sử dụng những phần tử khủng bố vào mục đích riêng.

“Không thể nào có những phần tử khủng bố "ôn hòa". Tại sao lại phải chơi chữ bằng cách chia những kẻ khủng bố thành ôn hòa và không ôn hòa. Có gì khác biệt đâu?”, ông Putin nhấn mạnh.

Các nhóm khủng bố “gầm gừ” nhau trong khu vực. Họ chiến đấu lẫn nhau vì “nguồn thu nhập” chứ không phải ý thức hệ, ông Putin nói và nhấn mạnh rằng vũ khí cung cấp cho phiến quân “ôn hòa” cuối cùng lại rơi vào tay khủng bố.

Tổng thống Nga cho rằng một số nước đang chơi trò nước đôi. “Khi tuyên bố chiến đấu chống khủng bố, họ cũng cố gắng sử dụng một số nhóm trong đó để sắp xếp bàn cờ Trung Đông, vì lợi ích riêng của họ”, ông nhận xét.

ổng thống Obama nhiều lần do dự trong các kế hoạch tại Syria?
ổng thống Obama nhiều lần do dự trong các kế hoạch tại Syria?

“Không thể thành công trong cuộc chiến chống khủng bố nếu sử dụng một số nhóm đó như công cụ để lật đổ chính quyền không được yêu mến”, ông Putin tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, với cách này, những kẻ khủng bố sẽ không thể bị loại bỏ.

“Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng có thể xử lý, tước quyền lực hoặc đàm phán với các nhóm này về sau”, ông nhấn mạnh.

Không chỉ thế, chiến thuật “nước đôi” của Mỹ còn được thể hiện rõ rệt trong các lệnh ngừng bắn tại Syria.

Còn nhớ, thỏa thuận ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông đối với các nhóm đối lập nhưng không áp dụng tại các vùng lãnh thổ do các nhóm thánh chiến như IS và Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với Al-Qaeda kiểm soát được chính thức thực hiện từ nửa đêm ngày 27/2 (giờ địa phương).

Dù Mỹ liên tiếp đưa ra yêu cầu các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn nhưng Nhà Trắng không nhắc tới các vụ gây rối của đồng minh.

“Việc đình trệ là không thể tránh khỏi. Kể cả trong hoàn cảnh thuận lợi nhất, chúng tôi cũng không kỳ vọng bạo lực sẽ chấm dứt ngay lập tức. Trên thực tế, chúng tôi chắc chắn rằng sẽ tiếp tục có chiến sự, một phần do các nhóm như IS và Mặt trận Al-Nusra”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói.

Thậm chí, Nhà Trắng liên tục nhắc tới phương án B ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn chỉ được ký kết và còn đang chờ đợi thực thi.

Hôm 24/2, nguồn tin từ một sỹ quan thuộc Bộ Chỉ huy tác chiến tại tỉnh Anbar của Iraq cho hay Mỹ đã quyết định xây dựng các căn cứ quân sự mới tại đây. 2 căn cứ quân sự mới sẽ được thiết lập tại khu vực Hamarah thuộc phía Đông Bắc thành phố Fallujah và các khu vực giáp với biên giới Iraq-Syria.

Động thái này từ phía Mỹ cho thấy việc nước này đang tăng cường các phương án dự phòng trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn Syria mới được ký kết với Nga hôm 22/2.

Đặc biệt, thời gian gần đây, khi tình hình trên chiến trường Syria có nhiều biến động, Nhà Trắng đã liên tiếp đưa ra các lời từ chối với điện Kremlin. Đáng chú ý là việc Mỹ đã từ chối tham gia hoạt động chung với Nga chống IS.

Trung tá Michelle Baldanza, người phát ngôn Lầu Năm Góc trong cuộc họp báo hôm 24/5 cho biết rằng, Washington đã phối hợp với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) để nỗ lực giành lại Raqqa từ tay IS, nhưng cho biết, “không có kế hoạch thực hiện hoạt động quân sự chung với Nga” trong chiến dịch giải phóng thành phố này.

Trước đó, hôm 21/5, ông Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng từng thẳng thắn từ chối lời đề nghị không kích chung tại Syria đồng thời khẳng định Mỹ và Nga có mục tiêu quân sự khác nhau.

“Chúng tôi không cộng tác hoặc phối hợp với Nga trong mọi chiến dịch ở Syria", ông Jeff Davis nói.

Theo ông Davis, các chiến dịch của Nga nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Mỹ chỉ tập trung vào làm suy yếu và đánh bại IS.

Rõ ràng, ngay từ thời điểm đầu khi tiến hành các kế hoạch tại Syria, Washington đã chơi trò nước đôi trong các tuyên bố cũng như các hoạt động quân sự của mình.

Theo Hồng Sơn (Tổng hợp)

Đất Việt