1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ điều hai tàu hải quân tăng cường sức mạnh tại Biển Đông

(Dân trí) - Hải quân Mỹ đã tăng cường hiện diện tại Biển Đông bằng việc triển khai hai tàu tác chiến cận bờ tới khu vực này.

Mỹ điều hai tàu hải quân tăng cường sức mạnh tại Biển Đông - 1

Tàu USS Montgomery của Hải quân Mỹ (Ảnh: AFP)

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ đã rời căn cứ hải quân Changi ở Singapore để tham gia một sứ mệnh trên biển vào ngày 15/11. Trong khi đó, một tàu tác chiến cận bờ khác của Hải quân Mỹ là USS Montgomery đã tham gia hoạt động chung với hai tàu chiến của Australia từ ngày 6-12/11.

Cả hai tàu của Hải quân Mỹ đều hoạt động tích cực tại Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới. Mỹ thường xuyên đưa các tàu và máy bay tới khu vực để thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải, thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 19/11 tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm gửi tín hiệu tới Trung Quốc. Ông Esper cho biết Mỹ phản đối những hành vi cưỡng ép hoặc hăm dọa của bất kỳ quốc gia nào nhằm đạt được những lợi ích riêng.

Hầu hết các tàu được Mỹ sử dụng trong các cuộc tuần tra tự do hàng hải trước đây là tàu khu trục hoặc tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu Đại dương thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định các tàu tác chiến cận bờ có ưu thế đặc biệt trong khu vực.

Thiết kế của tàu tác chiến cận bờ cho phép các tàu này có thể tiếp cận những vùng nước nông, từ đó hỗ trợ cho nỗ lực của Mỹ nhằm thực hiện các sứ mệnh tuần tra gần các đá nằm rải rác tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, tốc độ di chuyển nhanh của các tàu tác chiến cận bờ với vận tốc tối đa lên tới 50 hải lý/giờ cũng là một lợi thế cho các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông.

Thiết kế của các tàu tác chiến cận bờ cũng cho phép các tàu này nhanh chóng chuyển đổi khả năng hoạt động để có thể tiến hành các sứ mệnh tác chiến hoặc chống ngầm hay chống mìn.

Tàu USS Gabrieller Giffords được trang bị tên lửa chống hạm tiên tiến, có thể hỗ trợ cho hoạt động của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ. Hồi đầu tháng 10, tàu tác chiến cận bờ của Mỹ đã phóng thử tên lửa tấn công hải quân với tầm bắn lên tới 185 km. Đây là lần đầu tiên tên lửa này được phóng thử tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo báo cáo của viện nghiên cứu Trung Quốc, việc triển khai các tàu tác chiến cận bờ cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của Hải quân Mỹ tại Biển Đông. Điều này cho thấy các chỉ huy quân sự Mỹ bắt đầu tập trung vào các cách thức thực tế nhằm cải thiện năng lực tấn công tại khu vực, bằng cách chủ động tìm kiếm biện pháp răn đe quân sự và chuẩn bị cho các cuộc xung đột quân sự có khả năng xảy ra.

Tuy vậy, nhà bình luận quân sự Hong Kong Song Zhongping cho rằng, sự hiện diện của các tàu Gabrielle Giffords và Montgomery không gây ra mối đe dọa quá lớn với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, vì các tàu này không có khả năng tàng hình và cũng chưa đủ mạnh. Chuyên gia Song cho rằng Trung Quốc có thể đối phó bằng cách triển khai thêm các tên lửa chống hạm, máy bay hoặc tàu sân bay trong tương lai.

Theo chuyên gia Hong Kong, chương trình tàu tác chiến cận bờ không phải là “át chủ bài” của Hải quân Mỹ. Do vậy, việc triển khai các tàu này tới khu vực có thể là một hình thức để Mỹ thúc đẩy việc bán tàu cho các đồng minh.

Thành Đạt

Theo SCMP