1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ có thể đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật khi khẩn cấp

(Dân trí) - Nhật Bản có thể cho phép Mỹ mang vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Nhật trong trường hợp có một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh nước này.

Mỹ có thể đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật khi khẩn cấp
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cam kết bảo vệ Nhật trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Fumio Kishida tại Washington hôm 9/2.
 
Trong một cuộc họp với các nghị sĩ ngày 14/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã vạch ra các điều kiện có thể khiến chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phải thực hiện các biện pháp ngoại lệ đối với lập trường lâu nay của Tokyo về việc sở hữu, sản xuất hoặc cho phép vũ khí hạt nhân vào biên giới nước này, hãng tin Kyodo cho biết.

Ông Kishida cho hay, chính quyền của Thủ tướng Abe vẫn giữ nguyên chính sách của chính phủ tiền nhiệm, là liệu Nhật Bản có "tuân thủ các nguyên tắc phi hạt nhân hay không - bất chấp các nguy cơ đối với sự an toàn của người dân - phụ thuộc vào quyết định của chính quyền đương chức".

"Không thể định đoạt trước tương lai", ông Kishida nói, liên hệ tới các bình luận của cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada.

Vào năm 2010, ông Okada đã tiết lộ rằng Nhật Bản và Mỹ có các thỏa thuận thời Chiến tranh Lạnh, trong đó Tokyo có thể cho phép Mỹ mang các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân vào các cảng của Nhật. Điều này là vi phạm chính sách phi hạt nhân của Nhật. Thỏa thuận đã hết hạn vào đầu những năm 1990 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Nhật Abe cho rằng thật là một "sai lầm" khi các chính quyền trước đó do đảng Dân chủ Tự do của ông lãnh đạo đã tránh thừa nhận về các thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và Nhật Bản, vốn được tiết lộ tại Mỹ.

Các bình luận của Ngoại trưởng Kishida hôm qua diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc leo thang vì một cuộc tranh chấp lãnh thổ nảy lửa ở biển Hoa Đông. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp ông Kishida để nhấn mạnh rằng Mỹ ủng hộ Nhật trong cuộc tranh chấp.
 
Tàu sân bay hạt nhân USS George Washington của hải quân Mỹ.
Tàu sân bay hạt nhân USS George Washington của hải quân Mỹ.
 
Hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, vốn bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật. Trong một phản ứng gần như tức thì, Mỹ đã huy động lực lượng trong khu vực, điều các máy bay trinh sát và máy bay ném bom B-52 qua ADIZ của Trung Quốc nhằm thách thức Bắc Kinh.

"Tôi nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn cam kết tuân thủ các nguyên tắc hiệp ước với đồng minh Nhật Bản", ông Kerry nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật ở Washington hôm 9/2, liên hệ tới Hiệp ước an ninh và hợp tác song phương giữa 2 nước ký năm 1960.

"Mỹ không thừa nhận và cũng không chấp nhận ADIZ của Trung Quốc ở Hoa Đông. Mỹ không có ý định thay đổi cách thức chúng tôi tiến hành các sứ mệnh trong khu vực", ông Kerry nói.

"Chúng tôi cam kết duy trì sự ổn định và thịnh vượng tại châu Á-Thái Bình Dương. Và điều đó sẽ không thể thực hiện được nếu không tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải và hàng không", Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh.
 
Sơ đồ các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.
Sơ đồ các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.

Mỹ có nhiều căn cứ quân sự tại Nhật Bản và khắp khu vực và có nghĩa vụ hỗ trợ quân sự theo hiệp ước hợp tác song phương với Tokyo nếu Trung Quốc phát động một cuộc tấn công trong một nỗ lực nhằm gia tăng sự kiểm soát đối với vùng lãnh thổ tranh chấp.

An Bình
Theo Kyodo, RT