1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ chỉ trích Trung Quốc vì trả đũa Hàn Quốc về hệ thống tên lửa

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại về một loạt các biện pháp trả đũa mà Trung Quốc đang tiến hành nhằm chống lại các doanh nghiệp Hàn Quốc vì quyết định của Seoul nhằm triển khai hệ thống phủ tên lửa (THAAD) tại Hàn Quốc, cho rằng hành động trả đũa này là “vô lý và không phù hợp”.


Một vụ thử nghiệm hệ thống THAAD (Ảnh: Flickr/Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ)

Một vụ thử nghiệm hệ thống THAAD (Ảnh: Flickr/Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ)

“Chúng tôi lo ngại và theo dõi sát sao các thông tin cho biết Trung Quốc đang có các biện pháp nhằm trả đũa các thực thể lĩnh vực tư nhân Hàn Quốc vì quyết định của Mỹ-Hàn nhằm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên đất Hàn Quốc”, một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ ngày 2/3 cho biết với hãng tin Yonhap.

“Vì THAAD là một biện pháp tự vệ giới hạn và thận trọng, được thiết kế nhằm đáp trả mối đe dọa quân sự rõ ràng, liều lĩnh và phi pháp từ Triều Tiên, việc chỉ trích hoặc gây áp lực đối với Hàn Quốc để từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa là vô lý và không phù hợp”, quan chức trên nói thêm.

Phát ngôn viên trên cũng tuyên bố Mỹ kiên định duy trì cam kết mạnh mẽ đối với việc bảo vệ các đồng minh và sẽ “tiếp tục phát triển một loạt các khả năng liên minh toàn diện nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang gia tăng từ Triều Tiên.

Khi được hỏi rằng liệu Mỹ có kế hoạch nào nhằm thảo luận với Trung Quốc về vấn đề trên hay không, quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi tiếp tục giữ liên lạc với Trung Quốc ở cấp cao nhất”.

Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức lên tiếng chỉ trích các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đối với Hàn Quốc về việc triển khai THAAD. Điều đó cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh so với chính quyền tiện nhiệm Barack Obama.

Mỹ và Hàn Quốc hồi năm ngoái đã nhất trí triển khai hệ hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tại một khu vực đồi núi cách thủ đô Seoul gần 300km về phía đông nam, nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tên lửa của Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng tăng cường phát triển tên lửa đạn đạn mọi tầm bắn.

Trung Quốc đã mạnh mẽ kêu gọi hủy kế hoạch trên, xem THAAD là mối đe dọa đối với sự răn đe hạt nhân của nước này và các lợi ích an ninh khác, bất chấp việc Washington nhiều lần khẳng định rằng hệ thống chỉ nhằm phòng vệ trước Triều Tiên.

Bắc Kinh đã thực hiện một loạt các biện pháp kinh tế nhằm trả đũa Hàn Quốc vì quyết định trên, như cấm nhập khẩu một loạt các sản phẩm của Hàn Quốc, gia tăng thuế và kiểm tra đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc và thắt chặt các quy định đối với ngành du lịch và các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Trump đã có lập trừng cứng rắn đối với Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có các chính sách tiền tệ và thương mại không công bằng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ, trong khi từ chối giúp Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên.

An Bình