1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ bị tố phản bội đồng minh ở Syria

(Dân trí) - Người Kurd ở Syria đã tố Mỹ phản bội sau khi các lực lượng Mỹ bất ngờ thay đổi lập trường và rút khỏi miền bắc Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi Ankara dự kiến mở cuộc tấn công nhằm vào khu vực.

Mỹ bị tố phản bội đồng minh ở Syria - 1

Các xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria ngày 4/10 (Ảnh: AP)

Mỹ đột ngột thay đổi lập trường

Truyền thông Mỹ ngày 7/10 dẫn lời giới chức nước này cho biết, Mỹ - vốn duy trì hàng trăm binh sĩ ở biên giới giữa miền bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ - đã bắt đầu các lực lượng khỏi khu vực và cũng thông báo với chỉ huy Lực lượng dân chủ Syria do người Kurd dẫn đầu rằng Mỹ sẽ không bảo vệ SDF khỏi một cuộc tấn công sắp diễn ra của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm thực hiện một chiến dịch được lên kế hoạch từ lâu nằm vào miền bắc Syria”, Nhà Trắng cho biết sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua, 6/10.

“Các lực lượng vũ trang của Mỹ sẽ không hỗ trợ hoặc tham gia và chiến dịch, và các lực lượng của Mỹ, vốn đánh bại ‘Vương quốc Hồi giáo IS’, sẽ không còn hiện diện tại khu vực”, tuyên bố nói thêm.

Các lực lượng do người Kurd dẫn đầu tại Syria cho tới nay đã trở thành một đồng minh chủ chốt của Mỹ và đóng vai trò quan trong việc đánh bại nhóm phiên quân Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại xem người Kurd là lực lượng khủng bố.

Tuyên bố trên của Nhà Trắng là một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ, bởi mới hồi tháng 1, Tổng thống Trump còn cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hứng chịu thiệt hại nặng về kinh tế nếu nước này tấn công các lực lượng người Kurd.

Nhà Trắng còn cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm về các tay súng IS bị các lực lượng người Kurd bắt giữ trong 2 năm qua. Hàng chục nghìn tay súng này, và vợ, con của họ đang bị giam giữ tại các trại do người Kurd quản lý tại Syria.

“Chính phủ Mỹ đã thúc giục Pháp, Đức và các quốc gia châu Âu khác, những nước mà các tay súng IS sinh ra, phải nhận lại họ, nhưng họ không muốn nhận. Mỹ sẽ không giữ họ trong nhiều năm và khiến Mỹ tiêu tốn nhiều tiền thuế”, thông báo của Nhà Trắng viết.

Lực lượng Kurd đã lên án Mỹ rút quân khỏi miền bắc Syria, cáo buộc Washington từ bỏ đồng minh.

"Vùng an toàn"

Trước đó, vào đêm ngày 6/10, văn phòng của Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm về kế hoạch của Ankara nhằm thiết lập một "vùng an toàn" ở đông bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ nói vùng này là cần thiết nhằm quét sạch các phần tử khủng bố và tạo “các điều kiện cần thiết cho việc đưa người tị nạn Syria ở lại đất nước của họ”.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã muốn lập một vùng an toàn (dài 32km) dọc biên giới với Syria, dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đẩy lùi lực lượng YPG người Kurd mà coi là một tổ chức khủng bố và đe dọa đối với an ninh quốc gia nước này.

Hồi tháng 8, các đồng minh của NATO đã nhất trí thiết lập một vùng an toàn ở đông bắc Syria dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ankara phàn nàn rằng Mỹ hành động quá chậm chạp trong việc thiết lập vùng này, và đã nhiều lần cảnh báo tự phát động một chiến dịch vào vào đông Bắc Syria.

Hiện có khoảng trên 3,6 triệu người Syria vốn rời bỏ nhà cửa do cuộc nội chiến nổ ra năm 2011 đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara muốn đưa 2 triệu người tị nạn Syria đang sinh sống tại lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng an toàn.

Tổng thống Erdogan hôm 5/10 tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở một chiến dịch tấn công xuyên biên giới nhằm vào phía đông bắc Syria trong những ngày tới, nhưng không tiết lộ quy mô của chiến dịch.

An Bình

Theo Reuters, BBC