1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Ấn - Nhật tạo trật tự mới đối phó Trung Quốc tại châu Á

(Dân trí) - Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cam kết cùng nhau thắt chặt quan hệ, tăng cường hợp tác quân sự để hình thành một trật tự an ninh hàng hải mới tại khu vực châu Á nhằm đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có những động thái hung hăng trong việc theo đuổi những yêu sách phi lý của nước này trên Biển Đông.

Giới chức hải quân Ấn - Nhật - Mỹ tại cuộc tập trận chung Malabar 2016 (Ảnh: Navymil)
Giới chức hải quân Ấn - Nhật - Mỹ tại cuộc tập trận chung Malabar 2016 (Ảnh: Navymil)

Theo Thời báo Phố Wall, Mỹ hiện đã vạch kế hoạch liên kết Nhật Bản và Ấn Độ nhằm thiết lập một trật tự an ninh hàng hải mới tại châu Á, từ đó có thể đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng và ngang ngược trên Biển Đông.

Thực tế, Mỹ và Nhật Bản từ lâu đã là đồng minh thân thiết, hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực quốc phòng từ nhiều năm nay. Trong khi đó, đối với Ấn Độ, Mỹ đang tích cực đẩy mạnh quan hệ chiến lược trong thời gian gần đây. Việc Trung Quốc trỗi dậy làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực đã khiến Mỹ tiến lại gần hơn với Ấn Độ, khuyến khích New Delhi đóng vai trò tích cực hơn, không chỉ ở Ấn Độ Dương mà ở cả Thái Bình Dương.

Đội tàu sân bay Mỹ cùng các tàu chiến Nhật Bản và Ấn Độ trong tuần này đã cùng nhau tiến hành một cuộc tập trận chung mang tên Malabar với nội dung chống tàu ngầm, phòng không và tìm kiếm cứu nạn. Ấn Độ đã điều 2 tàu khu trục tàng hình, một tàu mang tên lửa dẫn đường và một đội tàu hỗ trợ tới tham gia tập trận. Malabar là cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Ấn Độ, với sự tham gia của Nhật Bản kể từ năm 2014.

Đây là cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất và tính chất phức tạp nhất mà 3 nước cùng hợp tác từ trước tới nay. Theo lời một sỹ quan Hải quân Mỹ trên tàu khu trục USS John C. Stennis tham gia tập trận hôm 15/6, Trung Quốc đã điều tàu hải giám theo dõi cuộc tập trận này.

Ấn Độ từ trước tới nay vẫn giữ lập trường là một nước trung lập, không đứng về bên nào trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, khả năng New Delhi tham gia bất kỳ một liên minh quân sự chính thức nào gần như là không có. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm ngoái, Ấn Độ đã cùng Mỹ và Nhật Bản tham gia vào các cuộc đàm phán 3 bên ở cấp bộ trưởng quốc phòng.

Việc duy trì và củng cố mối quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản là một trong những mục tiêu quan trọng của Mỹ nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng có những động thái gia tăng quá trình quân sự hóa ở khu vực Biển Đông.

Máy bay chiến đấu chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận chung Mỹ - Ấn - Nhật hôm 15/6 (Ảnh: AP)
Máy bay chiến đấu chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận chung Mỹ - Ấn - Nhật hôm 15/6 (Ảnh: AP)

Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với Mỹ và Nhật Bản, cảnh giác Trung Quốc

Trong chuyến công du tới Mỹ vào tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố “việc thiếu vắng một cơ chế an ninh đồng thuận đã tạo ra sự bất ổn định ở châu Á”, theo đó mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ góp phần đảm bảo tự do và an ninh hàng hải ở các vùng biển trong khu vực.

Ấn Độ hiện nay cũng bắt đầu cảnh giác với việc Trung Quốc đang hướng sự quan tâm của nước này tới khu vực Ấn Độ Dương. Bắc Kinh được cho là có những động thái tỏ rõ ý đồ muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này tại Ấn Độ Dương. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tích cực gia tăng ảnh hưởng tới các nước láng giềng của Ấn Độ trong khu vực Nam Á bằng cách đầu tư nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại đây.

Lo ngại trước nguy cơ trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ đã chủ trương tăng cường quan hệ với Mỹ, mặc dù trước đó, hai nước từng trải qua giai đoạn ngờ vực nhau trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. New Delhi và Washington đã nhất trí cùng nhau hợp tác trong lĩnh vực hậu cần quân sự, trong đó cho phép hai nước sử dụng căn cứ quân sự của nhau trong các hoạt động sửa chữa và tiếp tế.

Thủ tướng Modi mới đây đã công bố kế hoạch chi hàng tỷ USD để tăng cường sức mạnh cho Hải quân Ấn Độ. Mặc dù vậy, New Delhi vẫn cần một khoảng thời gian nhất định để tích lũy đủ sức mạnh vươn ra ngoài Ấn Độ Dương.

Ngoài Mỹ, Ấn Độ cũng thắt chặt quan hệ với Nhật Bản. Hai nước đã tuyên bố thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” và nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh cũng như kinh tế. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới New Delhi vào tháng 12 năm ngoái, hai bên cam kết hợp tác đầu tư về các dự án cơ sở hạ tầng ở Nam Á, một động thái nhằm giảm bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây.

Thành Đạt

Theo Thời báo Phố Wall