1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Mốt” tìm người theo nhóm máu ở Nhật

(Dân trí) - Ở Nhật, câu hỏi “Bạn thuộc nhóm nào?” thường khá tế nhị nhưng nó lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nhiều mặt của cuộc sống, ảnh hưởng đến người Nhật từ chuyện mai mối cho đến xin việc. “Nhóm” ở đây có nghĩa là “nhóm máu”.

“Mốt” tìm người theo nhóm máu ở Nhật - 1
Bốn cuốn sách về nhóm máu được bán chạy tại Nhật.

Với người Nhật, dường như không có sự “lột trần” một con người nào khoa học hơn là nhóm máu người đó sở hữu. Bằng chứng, khi năm cũ khép lại, 4 trong 10 cuốn sách bán chạy nhất nước này là nói về nhóm máu ảnh hưởng đến tính cách của con người như thế nào. Nhà xuất bản sách Bungeisha cho biết, tập sách gồm 4 cuốn nói về từng nhóm máu B, O, A và AB, tổng cộng bán được trên 5 triệu bản. 

Taku Kabeya, tổng biên tập Bungeisha, cho biết sở dĩ những cuốn sách trên có sức hút mãnh liệt độc giả là bởi độc giả khẳng định lại được lại mình, tìm được định nghĩa về nhóm máu của mình và nhận thấy “Đúng rồi, đây chính là tôi”.

 

Theo định nghĩa của những cuốn sách này, những người có nhóm máu A là những người vô cùng cầu toàn, hay lo lắng; những người có nhóm máu B là những người vui vẻ nhưng lập dị và ích kỷ; nhóm máu O là những người tò mò, hào phóng nhưng lại bướng bỉnh; còn nhóm máu AB là những người có khiếu thẩm mỹ nhưng bí ẩn và khó đoán biết.

 

Tất cả rất giống với sách tử vi, nhưng công chúng Nhật có vẻ như không quan tâm đến điều đó.

 

Thậm chí Thủ tướng Taro Aso cũng tỏ ra coi trọng nhóm máu trong bản khai lý lịch chính thức của mình trên mạng. Ông là người nhóm máu A; trong khi đối thủ, lãnh đạo đảng đối lập Ichiro Ozawa là người nhóm máu B.

 

Hiện nay, nhóm máu còn được thể hiện trong trò chơi Nintendo DS và trên những chiếc “túi may mắn” làm đồ trang sức cho phụ nữ. Một kênh truyền hình thậm chí còn cho chiếu một vở kịch nói về những phụ nữ chuyên đi “săn lùng” chồng theo nhóm máu.

 

Và mọi chuyện không chỉ có thể.

 

Các công ty mai mối còn cung cấp các cuộc thử nghiệm nhóm máu xem các cặp có hợp nhau hay không. Một số công ty còn quyết định tuyển nhân viên dựa trên nhóm máu của họ.

 

Trẻ em ở một số nhà trẻ được phân chia theo nhóm máu và đội bóng mềm nữ, đội đã giành huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh, còn dùng “thuyết nhóm máu” cho việc tập luyện.

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng coi “mốt” trên như một thú vui vô hại. Bởi hiện tại ở Nhật mới có từ “bura-hara”, có nghĩa là sự quấy rối/phiền nhiễu do nhóm máu đem lại.
 

Song, bất chấp cảnh báo, nhiều ông chủ vẫn tiếp tục hỏi về nhóm máu tại các cuộc phỏng vấn tìm việc. Junichi Wadayama, một quan chức thuộc Bộ Sức khỏe, Phúc lợi và Lao động Nhật cho hay: “Hầu hết mọi người, thậm chí cả các ông chủ công ty, giờ không còn nhận thấy việc hỏi về nhóm máu có thể dẫn đến sự phân biệt, đối xử”.

 

Satoru Kikuchi, giáo sư tâm lý học tại Đại học Shinshu khẳng định, nhóm máu, do protein trong máu quy định, không có liên quan gì đến tính cách. “Đó là loại khoa học nhảm nhí. Nó khuyến khích người ta đánh giá người khác qua nhóm máu, mà không tìm hiểu họ với tư cách là một con người”, ông bất bình nói.

 

Việc đánh giá con người qua nhóm máu bắt nguồn từ những nhà tư tưởng phân biệt chủng tộc của Đức quốc xã và được du nhập vào Nhật trong những năm 1930, dưới chế độ phát xít Nhật, nhằm “sản sinh” ra các binh sỹ giỏi hơn. Cách đánh giá trên đã được hủy bỏ những năm sau đó và đã trở nên mờ nhạt.

 

Tuy nhiên, “mốt” này lại trở lại vào những năm 1970 khi Masahiko Nomi, nhà báo nổi tiếng, ủng hộ mạnh mẽ quan điểm cho rằng nhóm máu ảnh hưởng tới tính cách. Con trai của ông, Toshitaka, hiện đang quảng bá quan điểm này qua tổ chức tư nhân có tên gọi Trung tâm khoa học con người ABO. Toshitaka cho hay ông không có ý định xếp hạng hay đánh giá con người mà chỉ muốn làm hài hòa các mối quan hệ và giúp nhận được tài năng của người khác.

 

Các cuốn sách cũng cho rằng nhóm máu có thể tạo nên thiên hướng tính cách nhưng không phải là nhân tố quyết định cuối cùng. “Công việc tốt, bạn đã có. Vậy bạn nghĩ như thế nào về kết quả?”, một cuốn sách về nhóm máu hỏi độc giả trong trang cuối cùng. “Rốt cuộc, nhóm máu của bạn là do bạn quyết định nên”.

 

Phan Anh

Theo AP