1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Một thập kỷ sau siêu bão Katrina tàn phá nước Mỹ

Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ trận siêu bão Katrina, giới báo chí và chuyên gia Mỹ vẫn khắc ghi trong hồi ức bầu không khí sôi sục bởi áp lực nộp tin đúng hạn, những cuộc trao đổi chóng vánh giữa các phóng viên ảnh đã từng được rèn giũa tại nhiều khu vực thiên tai và chiến trường, tinh thần kiên định không lùi bước của các biên tập viên và lãnh đạo của các tòa soạn…

Những nỗ lực phi thường này thực sự tạo nên một quang cảnh tác nghiệp ngoạn mục.

Tuy nhiên thử thách không nằm ở nhiệm vụ đưa tin nóng sốt về cơn bão, thử thách là nhiều năm tháng sau đó. Họ phải đối mặt với những vấn đề mới, từ việc xây dựng lại khu phố đến việc điều trị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương cho những người sống sót sau cơn bão.

Họ phải cố gắng đấu tranh để cân bằng giữa cảm xúc cá nhân và chuyên môn trong bối cảnh nạn tham nhũng và giới chức kém cỏi bất tài cản trở việc tái thiết thành phố. Họ phải làm việc trong một môi trường truyền thông biến đổi dữ dội, với những biến động mà tất cả các nhà báo trên khắp nước Mỹ đều phải đối mặt.

Nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer Clarence Williams chụp ảnh này vào năm 2005 ghi lại cảnh hoang tàn của thành phố khi các con đê ở New Orleans bị vỡ.
Nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer Clarence Williams chụp ảnh này vào năm 2005 ghi lại cảnh hoang tàn của thành phố khi các con đê ở New Orleans bị vỡ.

Eve Troeh, Giám đốc thông tin của Đài phát thanh WWNO tại New Orleans

Tòa soạn của một tờ báo địa phương có tên gọi Times-Picayune được đặt tạm trong một ngôi nhà nhỏ xây theo lối truyền thống miền nam Hoa Kỳ cũng chỉ vừa mới ráo nước. Chỉ có một nhóm nhỏ phóng viên ở đây, có cả biên tập viên thể thao và nhà phê bình nghệ thuật, những người này đã trở lại trung tâm thành phố vào đỉnh điểm của cơn bão và ở lại suốt từ đó, họ chạy máy phát điện bằng xăng cả ngày để chuyển tải tin tức và hình ảnh cập nhật mới nhất về cho tòa báo của mình.

Cùng lúc đó những đồng nghiệp khác của họ đang dựng lên một phòng đưa tin dã chiến ngay trong một khu mua sắm ở vùng ngoại ô Baton Rouge. Cánh phóng viên đã giúp truyền tải thông tin quan trọng đến những người dân đang di tản, thông báo cho toàn thế giới biết về nỗi đau đớn, tuyệt vọng của cả thành phố và những người tị nạn, cảnh báo người dân để đề phòng tội phạm trong tình trạng hỗn loạn, cũng như giúp liên kết những người sống sót với gia đình và bạn bè họ trong khu vực vùng vịnh Gulf Coast.

Tôi sống và làm việc cho một đài phát thanh cộng đồng ở New Orleans. Sứ mệnh của tôi là phải đưa mọi tin tức ở New Orleans đến với thế giới, từ những sự kiện hấp dẫn, phức tạp, những tin tức vui vẻ ngất ngây đến cả những bi kịch đau thấu lòng người.

Siêu bão Katrina đã khiến tôi ngộ ra những thế mạnh và thiếu sót của bản thân trong vai trò là một nhà báo. Khi các bờ đê vỡ, nước lũ tấn công thành phố, tôi đang sống và làm việc tự do ở New Orleans. Căn hộ của tôi may mắn không tổn hại gì nhiều, tôi lại không có chồng con gì để phải lo lắng. Tôi quay trở lại những địa điểm thiệt hại nặng nề nhất chỉ vì quyết tâm muốn đưa tin về việc di tản dân cư, tái thiết thành phố và về những ca phục hồi chấn thương tinh thần sau trận bão.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình như bị tê liệt vào những ngày sau đó. Ý tưởng dựng bài vở luôn đến với tôi vô cùng dễ dàng, nhưng tôi gần như mất đi khả năng kết nối những mạch ý tưởng này lại với nhau để viết thành bài hoàn chỉnh. Chẳng hạn như trong một cuộc thảo luận với biên tập viên về một chiếc xe buýt vỡ nát ngay gần khu căn hộ tôi đang ở. Chiếc xe buýt rỉ sét đã nằm đó từ tuần này qua tuần khác.

Dường như một số thanh thiếu niên đã trưng dụng nó để cố gắng đưa mọi người ra khỏi thành phố bị ngập nước, nhưng họ đã làm hỏng nó. Tôi đắn đo ướm lời để viết một câu chuyện về chuyến xe này, về những người từng ngồi trên đó. Tuy nhiên, câu trả lời mà tôi nhận được là: "Đó không phải là những thông tin mà chúng ta đang cần".

Tôi đã phải mất đến tận nửa năm để tìm được tiếng nói của riêng mình và bắt đầu lại công việc. Sau khi tôi thú nhận với các biên tập viên về tình trạng này và nói rằng tôi cần một lối thoát, họ đã cho tôi rất nhiều ý tưởng.

Điểm mấu chốt chính là phải kiên nhẫn. Những nhân vật tôi nhắm đến để thực hiện phỏng vấn thường đã chuyển chỗ ở hoặc vẫn chưa bình tâm lại sau trận lũ lớn, hầu hết đều hủy hẹn hoặc hồi lại nhiều lần. Các nhân viên chính phủ thì hiếm khi đồng ý hẹn phỏng vấn, tôi đã phải bám theo họ đến nhiều chỗ họ xuất hiện công khai. Bù lại, tôi có lợi thế về thời gian do không phải mất thời gian bay hay đi xe từ xa đến đây.

Tôi có thể tận dụng thời gian để viết, tránh sa đà vào những bài tường thuật dài dòng đơn điệu mà đào sâu khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề. Thời gian là một phương thuốc hiệu nghiệm giúp chữa lành những chấn động trong tôi, tôi đã lấy lại sức mạnh để trở về thành phố sau nhiều năm xa cách. Lần này nhiệm vụ của tôi là xây dựng một kế hoạch lâu dài cho New Orleans để phục vụ khán giả địa phương.

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được đưa tin tại đây và kể những câu chuyện dài về thành phố xinh đẹp này. Tôi đã có thể cải tạo lại không gian sống của riêng mình và lập gia đình tại đây. Từ đó tôi đặt ra những giới hạn lành mạnh hơn cho mình ở New Orleans và có thể cảm nhận bản lĩnh của mình ở đây đã mạnh mẽ hơn nhiều so với tôi của một thập kỷ trước.

Debbie Fleming Caffery, nhiếp ảnh gia

Trạng thái đầu tiên xuất hiện trong tôi là cảm giác giận dữ khi chứng kiến hàng trăm người dân sơ tán xếp hàng dài trên sân bêtông nóng rực để đợi đi qua máy dò kim loại. Nhiều người đã được vớt lên từ sân vận động Superdome hay ngoài đường cao tốc, hầu hết họ đã bị mắc kẹt ở đó mà không có thức ăn và nước uống. Tôi không tin được tôi đang ở nước Mỹ. Tôi có cảm giác choáng váng bởi chính phủ thiếu sự chuẩn bị cho một thảm họa tự nhiên có sức tàn phá khủng khiếp đến như vậy.

Ảnh của Debbie Fleming Caffery chụp vùng Lower Ninth vào một ngày giông bão tháng 8-2006, một năm sau khi siêu bão Katrina đổ bộ vào đất liền.
Ảnh của Debbie Fleming Caffery chụp vùng Lower Ninth vào một ngày giông bão tháng 8-2006, một năm sau khi siêu bão Katrina đổ bộ vào đất liền.

Tôi bắt đầu trò chuyện cùng một vài người đã được vào bên trong và đang tập hợp dưới các mái hiên. Nhưng phải mất một lúc sau tôi mới bắt đầu chụp hình được, tôi phần nào bị sốc, chỉ có thể lắng nghe và cố gắng an ủi những người xung quanh tôi. Nỗi buồn và đau thương bao trùm lấy bầu không khí nơi đây, tôi đã mất vài ngày mới có thể bắt đầu làm việc như bình thường.

Từ đó, trong hơn một năm, tôi ghi nhận các hậu quả của cơn bão Katrina. Chính phủ thiếu sự quan tâm và hầu như không có khả năng hỗ trợ cho tất cả những người nghèo trong suốt giai đoạn cơn bão Katrina xảy ra và trong khoảng thời gian sau đó. Một điểm tích cực nhất trong giai đoạn này là các tình nguyện viên từ vùng quê Louisiana và trên khắp Hoa Kỳ đã có mặt để giúp đỡ phân phát thực phẩm, quần áo và tiền bạc. Sau đó chính những người này cũng giúp xây dựng lại nhà cửa cho nhiều người sơ tán.

Tôi không bao giờ quên được những người trú ẩn ở Trung tâm Tạm trú River đã ngạc nhiên và biết ơn đến thế nào khi tôi mang đến cho họ một cuốn tạp chí đăng toàn hình chân dung của họ. Tôi còn khám phá ra rằng những hình ảnh tôi chụp được sau siêu bão Katrina đã trở nên vô cùng quan trọng với một vài cư dân ở đây trong nhiều năm sau đó. Họ đã mất hết tất cả và không có cách nào để lưu giữ lại hình ảnh nhà cửa, khu vực lân cận và các nhà thờ. Đó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ thúc đẩy chúng tôi gửi lại cho họ những hình ảnh chúng tôi đã "săn" được.

Mark Scheifsein, phóng viên chuyên đưa tin về bão và môi trường

Cuối cùng tôi đã có thể trở về nhà bốn tuần sau khi cơn bão Katrina đổ bộ, khi nước đã được bơm ra khỏi thành phố. Tôi bò qua cửa sổ vì cửa trước đã bịt kín lối đi. Giây phút đầu tiên tôi đặt chân vào bên trong nhà cũng là lúc tôi nhận ra mình đã trắng tay. Toàn bộ đồ đạc trong nhà bị phủ một lớp bùn sình mặc dù nơi tôi ở cách hồ nước khá xa.

Trong lúc lên kế hoạch thực hiện một phóng sự về nỗ lực tái thiết thành phố, tôi nhận ra tình trạng kiệt sức đến chán nản ở người dân địa phương khi họ đang cố gắng, từng người một trèo qua bức tường quan liêu cao vợi để đòi bồi thường bảo hiểm.

Cũng ngần ấy người nổi giận bởi cảm giác bị chính phủ bỏ rơi. Tại khu vực Lower Ninth Ward nơi tầng lớp lao động chủ yếu là dân da màu, hay ở Pontchartrain Park và phía đông New Orleans, tôi cũng đều cảm thấy như thể tôi đang chứng kiến một cuộc thanh trừng kinh tế. Nhà cầm quyền đã quyết định sử dụng cơn lũ như một cái cớ để thoát khỏi "những kẻ chẳng ai ưa" - thuật ngữ dùng để ám chỉ những người dân da đen nghèo.

Những người sống trong các dự án nhà ở không bị ngập lụt đều bị cưỡng bức di dời đi nơi khác. Bệnh viện từ thiện dù chỉ bị ngập tầng hầm nhưng cũng bị đóng cửa vì các quan chức liên bang, tiểu bang và địa phương đã quy hoạch khu vực này để xây dựng một khu phức hợp y tế hiện đại ngay giữa trung tâm thành phố. Khi họ đứng trước ống kính máy quay của tôi để giãi bày tình trạng của mình, tôi có cảm giác mình đang như một bác sĩ trị liệu tinh thần.

Tôi đặc biệt nhớ một nữ y tá, chồng của cô vừa được ghép thận vào ngày mà cơn bão đổ bộ vào đất liền. Cô đã bị mất việc giảng dạy tại một bệnh viện vài tuần sau đó, và hiện phải gánh vác gia đình với người chồng bị bệnh mãn tính, một người cha già mắc bệnh Alzheimer trong một thành phố mà điện đóm luôn chập chờn. Cô đã bật khóc khi cầu xin tôi giúp đỡ. Lúc đó, tôi cảm thấy như mình đang ghi lại hồi kết của giấc mơ Mỹ.

Trong nhiều chuyến đi về giữa New Orleans và New York suốt hai năm, tôi nhận ra các phương tiện truyền thông chính thống đã chuyển mối quan tâm của dư luận sang những chủ đề khác. Ở Manhattan, mọi người vẫn bận rộn với cuộc sống của riêng họ như thể chưa từng có một sự hủy diệt nào càn quét qua một thành phố lớn của nước Mỹ. Tôi trở nên cáu gắt, tự vấn bản thân sao mọi người lại không thấy gì bất thường.

Trong các lớp mà tôi đã dạy hàng tuần liền ở trường Báo chí Columbia, tôi nhìn những gương mặt sinh viên quen thuộc mà phải rất chật vật tôi mới nhớ ra tên họ. Tôi gần như mất đi vốn từ vựng và trở nên xa cách với những người thân yêu. Phải mất một thời gian dài tôi mới dám đối mặt với sự thật rằng mình bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý. Tôi rút ra được một bài học rằng việc tác nghiệp ở một thành phố bị phá hủy gần 85% cũng tương tự phải làm việc ở một nước đang có chiến tranh.

Suốt ngày tôi ở những khu vực bị triệt phá hoàn toàn nên việc kiếm ra nước sạch cũng vô cùng khó khăn. Phải chuẩn bị sẵn bộ lọc nước và thức ăn tiếp tế đề phòng trường hợp không thể ngừng công việc giữa chừng. Điện thoại vệ tinh cũng hữu ích trong trường hợp này. Tôi lẽ ra nên đeo mặt nạ N95 mà Cơ quan Ứng cứu khẩn cấp liên bang (FEMA) khuyến nghị để đối phó với nấm mốc.

Tiến sĩ Joy Osofsky, nhà tâm lý học phát triển và tâm lý lâm sàng, Đại học bang Lousiana đưa ra nhận định: Ngay sau bất kỳ sự kiện chấn động nào các phóng viên cũng cần phải tự biết cách chăm sóc bản thân họ. Việc tác nghiệp với các chủ đề tin tức có khả năng gây chấn thương tâm lý, đặc biệt là khi đưa tin trên khía cạnh nhân đạo, có thể dẫn đến khả năng phóng viên bị quá tải, khiến tâm lý họ bị căng thẳng thêm một lần nữa, gián tiếp gây chấn thương và mệt mỏi.

Các phóng viên ảnh nói riêng thường gặp rủi ro cao vì họ phải làm việc độc lập hoặc ít được các đồng nghiệp và tổ chức hỗ trợ. Việc chứng kiến và nghe những tin tức chấn thương tâm lý nhiều lần cũng khiến bạn xuống tinh thần bất chấp bạn là người mạnh mẽ và từng trải.

Trong suốt thời gian cơn bão Katrina diễn ra, bài học quan trọng nhất mà chúng tôi học được đó là hầu hết mọi người đều yêu mến nơi họ sinh sống và mong muốn trở lại đó. Họ thể hiện sự mạnh mẽ và cho thấy khả năng phục hồi tinh thần phi thường.

Chúng tôi hiểu việc trò chuyện với các nạn nhân và những người sống sót sẽ giúp các câu chuyện đăng báo được phong phú và hoàn chỉnh hơn, nhưng các cuộc đối thoại này cũng có nguy cơ khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn và đẩy những người này đến một giới hạn chịu đựng quá sức cho phép. May mắn là phần lớn các phóng viên sẵn lòng cố gắng tạo sự cân bằng để vẫn có những câu chuyện đủ hay nhưng đồng thời vẫn bảo vệ được sức khỏe và ổn định tâm lý cho nhân vật của mình.

Theo Hiếu Thảo (tổng hợp)

An ninh thế giới