1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Một chữ số bị sai khiến tàu ngầm Mỹ mất tích không thể tìm thấy trong 75 năm

(Dân trí) - Cuộc tìm kiếm tàu ngầm USS Grayback mất tích trong suốt hàng chục năm đã không có kết quả vì dựa trên một tài liệu bị dịch thuật sai lệch tọa độ nơi tàu chìm xuống. Sau 75 năm, một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm ra lỗi sai và xác con tàu đã được phát hiện.

Một chữ số bị sai khiến tàu ngầm Mỹ mất tích không thể tìm thấy trong 75 năm - 1

Hình ảnh chụp con tàu từ thiết bị phát sóng âm phản xạ (Ảnh: Lost 52)

Bí ẩn 75 năm cuối cùng đã có lời giải và gia đình của 80 thủy thủ Mỹ mất tích trên khu vực biển ở gần Nhật Bản hiện đã biết được số phận của thân nhân mình. Con tàu Grayback đã được tìm thấy sau hàng chục năm trời nó bị tìm sai địa điểm vì dựa trên một tài liệu bị dịch sai một chữ số liên quan tới tọa độ nơi tàu chìm xuống.

Bí ẩn bắt đầu vào ngày 28/1/1944 khi Grayback, một trong những tàu ngầm thiện chiến nhất của Mỹ thời kỳ Thế chiến 2, xuất phát ra khỏi Trân Châu Cảng (Hawaii) để thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Đến cuối tháng 3, nghĩa là 3 tuần sau khi con tàu không trở lại, hải quân Mỹ xếp  Grayback vào danh sách mất tích.

Sau chiến tranh, Hải quân Mỹ đã cố gắng thu thập các thông tin về 52 tàu ngầm bị đánh chìm của họ. Tài liệu ra mắt năm 1949 đưa ra danh sách các địa điểm mà mỗi tàu ngầm nghi là mất tích.

Grayback được cho là chìm xuống đại dương nằm cách Okinawa, Nhật Bản 160 km về hướng đông-đông nam. Tuy nhiên, điều mà hải quân Mỹ không thể ngờ tới là họ đã dựa vào tài liệu bị dịch thuật sai dẫn tới một chữ số không đúng trong phần kinh độ và vĩ độ nơi mà tàu Grayback đã chìm xuống.

Lỗi sai trên được phát hiện hồi năm ngoái, khi nhà nghiên cứu nghiệp dư Yutaka Iwasaki kiểm tra lại tài liệu tại căn cứ của hải quân hoàng gia Nhật Bản tại Sasebo. Cụ thể, theo tài liệu ghi lại tín hiệu vô tuyến cho biết ngày 27/2/1944, máy bay ném bom Nakajima B5N của phát xít Nhật thả một quả bom nặng 226 kg xuống bề mặt của tàu ngầm khiến nó chìm ngay lập tức và không có ai sống sót.

“Trong tín hiệu vô tuyến được ghi lại, kinh độ và vĩ độ của vụ tấn công được thông báo rất rõ ràng. Và con số này không khớp với tài liệu của hải quân Mỹ”, ông Iwasaki cho biết.

Một chữ số bị sai khiến tàu ngầm Mỹ mất tích không thể tìm thấy trong 75 năm - 2

Hình ảnh chụp con tàu từ sóng âm phản xạ (Ảnh: Lost 52)

Ông Iwasaki là một kỹ sư hệ thống sống ở Kobe, Nhật Bản và có niềm đam mê với tàu chiến thời Thế chiến 2 từ khi còn nhỏ. Ông coi việc tìm ra tàu mất tích là một niềm vui, một sở thích.

Ngay sau phát hiện ra lỗi sai, Iwasaki đã có cơ hội gặp Tim Taylor, một nhà thám hiểm đáy biển có mục tiêu tìm thấy toàn bộ những tàu ngầm Mỹ mất tích trong Thế chiến 2. Theo ông Taylor, trong 52 chiếc tàu ngầm mất tích của Mỹ, 47 chiếc được coi là đã tìm ra, còn 5 chiếc vẫn đang mất tích hoặc bị phá hủy ở những địa điểm đã được ghi nhận.

Với thông tin có được từ Iwasaki, đội tìm kiếm mang tên Lost 52 của Taylor đã quyết định tìm tàu ngầm Grayback. Sau đó, đội này đã phát hiện ra tàu ngầm mất tích 75 năm tại độ sâu 434 m ngoài khơi Okinawa.

Trong suốt thời gian tác chiến, Grayback đã đánh chìm hơn 12 tàu chiến phát xít Nhật và là một trong những tàu ngầm mạnh nhất của Mỹ ở thời điểm Thế chiến 2 trước khi bị đánh chìm.

Một chữ số bị sai khiến tàu ngầm Mỹ mất tích không thể tìm thấy trong 75 năm - 3

Nhà thám hiểm Taylor tìm con tàu (Ảnh: Lost 52)

Đức Hoàng

Theo New York Times