1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mối lo từ quyết định cho phép Trung Quốc khảo sát trong thềm lục địa của Philippines

(Dân trí) - Việc Tổng thống Rodrigo Duterte cho phép tàu Trung Quốc vào khảo sát trong thềm lục địa có tầm quan trọng chiến lược của Philippines đã làm dấy lên nhiều quan ngại về quyền tài phán cũng như an ninh quốc gia của Manila.

Người biểu tình phản đối Trung Quốc trước trụ sở lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, Philippines vào tháng 3/2017 (Ảnh: AFP)
Người biểu tình phản đối Trung Quốc trước trụ sở lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, Philippines vào tháng 3/2017 (Ảnh: AFP)

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, con tàu mang tên Ke Xue của Trung Quốc đã neo đậu tại vùng Santa Ana hẻo lánh thuộc tỉnh Cagayan, Philippines vào cuối tuần trước để đón một nhà nghiên cứu Philippines đi cùng với tàu này tới Benham Rise - khu vực rộng 13 triệu hec-ta cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 250 km. Các nhà khoa học tin rằng đây là nơi có nguồn cá ngừ dồi dào và hệ thống sinh thái đa dạng.

Dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Liên Hợp Quốc đã công nhận Benham Rise là một phần của thềm lục địa Philippines hồi năm 2012. Manila năm ngoái cũng đã đổi tên khu vực này thành Philippines Rise. Mặc dù Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền tại Benham Rise, song sự hiện diện kéo dài của các tàu Trung Quốc suốt nhiều tháng cuối năm 2016 tại khu vực này đã làm dấy lên nhiều quan ngại về mục đích của Bắc Kinh.

Các nghị sĩ Philippines kêu gọi Quốc hội mở cuộc điều tra về dự án nghiên cứu với sự tham gia của tàu Trung Quốc tại Benham Rise. Trong khi đó, một cố vấn an ninh quốc gia Philippines nhận định đây có thể là chuyến nghiên cứu phục vụ hai mục đích và có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Giáo sư Jay Batongbacal từ Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines cho biết việc các tàu Trung Quốc hoạt động ở khu vực Benham Rise là vấn đề “đáng quan ngại” vì trước đó, Bắc Kinh đã từng làm vậy dù “chưa xin phép, hoặc không có sự tham gia của Philippines”.

“Theo UNCLOS, Philippines có quyền tài phán duy nhất trong việc quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học tại vùng đặc quyền kinh tế riêng của Philippines”, giáo sư Jay, người từng góp phần dẫn đến quyết định của Liên Hợp Quốc trong việc công nhận Benham Rise thuộc thềm lục địa Philippines, nói.

Mặc dù Ke Xue đã được Văn phòng Tổng thống Rodrigo Duterte cấp phép chính thức để tiến hành đo đạc “nhiệt độ, độ mặn và sự phân bổ của các dòng hải lưu” tại vùng biển Benham Rise để phục vụ cho cuộc nghiên cứu của Viện Hải dương học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, song đây là tàu đầu tiên của Bắc Kinh được cấp phép như vậy.

Trong khi đó, các hoạt động chưa được cấp phép của các tàu Trung Quốc ở Benham Rise từng khiến Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đưa ra cảnh báo nghiêm trọng hồi tháng 3 năm ngoái. Ông Delfin cho rằng các tàu Trung Quốc có thể đang tiến hành khảo sát các tuyến đường cho tàu ngầm và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã hạ lệnh xua đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi khu vực này.

Mâu thuẫn giữa các bên

Bản đồ khu vực Benham Rise của Philippines (Ảnh: Rappler)
Bản đồ khu vực Benham Rise của Philippines (Ảnh: Rappler)

Phát ngôn viên Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, đã lên tiếng bảo vệ quyết định cấp phép cho hoạt động của tàu Ke Xue. Theo ông, “cho đến nay, chỉ Trung Quốc mới đủ năng lực (để nghiên cứu tại đây), vì hoạt động này rõ ràng cần đầu tư nhiều vốn”.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết bất kỳ ai phản đối dự án khảo sát chung giữa Philippines và Trung Quốc đều có thể nêu vấn đề này lên tại Quốc hội, đồng thời Manila sẽ cho phép mọi quốc gia có mong muốn tiến hành khảo sát hàng hải ở khu vực Benham Rise, chứ không chỉ riêng Trung Quốc.

Phát ngôn viên của Tổng thống Duterte còn nói thêm rằng một nhà nghiên cứu Philippines cũng đi cùng tàu Trung Quốc trong chuyến khảo sát và thông tin này đã được Viện Khoa học Biển Philippines xác nhận hôm 30/1.

Tuy nhiên, Giáo sư Jay đã phản bác quyết định của chính phủ. Ông cho rằng với sự hỗ trợ ngân sách của chính phủ, các nhà khoa học Philippines đã từng khảo sát thành công khu vực này. Theo ông Jay, việc cho phép các tàu Trung Quốc hoạt động tại Benham Rise sẽ dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Philippines.

Ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia đồng thời là một nghị sĩ và sĩ quan hải quân Philippines, cũng đồng tình với quan điểm của Giáo sư Jay. Ông Roilo nhận định việc mở cánh cửa cho Trung Quốc vào Benham Rise rất đáng báo động vì cuộc nghiên cứu này “mang hai mục đích và bất kỳ dữ liệu nào Trung Quốc thu thập được cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự”.

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, khu vực Beham Rise có thể trở thành một tuyến hàng hải thay thế cho các tàu ngầm của Trung Quốc hoạt động ở chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Ông Roilo cho biết tuyến đường hiện tại mà tàu ngầm Trung Quốc đang sử dụng qua kênh Bashi, nằm giữa Đài Loan và đảo Luzon, có diện tích hẹp.

Cũng theo ông Roilo, việc nghiên cứu nhiệt độ vùng nước sẽ cho phép Trung Quốc xác định cấu trúc lớp “nêm nhiệt”, lớp nằm giữa bề mặt nước ấm bên trên và phần nước lạnh sâu bên dưới, tại Benham Rise.

“Lớp nêm nhiệt là khu vực nhiệt độ có thể giảm sâu đột ngột từ 25 độ C xuống gần 0 độ C. Điều này rất hữu ích cho chiến tranh tàu ngầm. Ngay bên dưới lớp nêm nhiệt, một tàu ngầm có thể dễ dàng ẩn mình vì sóng sonar (của thiết bị phát hiện tàu ngầm) không thể xuyên qua lớp này”, ông Roilo nói.

“Nếu tôi nhận định đúng, dữ liệu mà họ (Trung Quốc) thu thập được sẽ cho phép họ nắm bắt thông tin về Benham Rise như một khu vực tiềm năng cho một cuộc xung đột trong tương lai”, ông Roilo cho biết thêm.

Thành Đạt

Tổng hợp