1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mối lo khủng hoảng y tế và dịch bệnh ở Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Ukraine đang cạn kiệt nguồn cung cấp y tế quan trọng và đã phải tạm dừng các hoạt động khẩn cấp để kiềm chế đợt bùng phát dịch bệnh bại liệt, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại đây.

Mối lo khủng hoảng y tế và dịch bệnh ở Ukraine - 1

Một khu vực tại Kiev, Ukraine bị phá hủy do trúng hỏa lực (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, nhu cầu về nguồn lực y tế ở Ukraine đang ở mức cấp thiết giữa lúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 27/2 cảnh báo nguồn cung cấp oxy đã cạn kiệt.

Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng ngày càng gia tăng khi người dân phải rời bỏ nhà cửa vì chiến dịch quân sự do Nga phát động, các dịch vụ y tế bị gián đoạn và nguồn cung cấp không đến được Ukraine, nơi cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic hôm 28/2 cho biết, các nỗ lực tiêm chủng và kiểm soát bùng phát dịch bệnh bại liệt ở Ukraine đã bị gián đoạn vì giao tranh.

WHO đã nhận được báo cáo rằng, các chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cũng đã bị hoãn ở nhiều nơi tại Ukraine, ông Jasarevic nói.

Hồi tháng 10/2021, Ukraine phát hiện một đứa trẻ 17 tháng tuổi mắc bệnh bại liệt, ca bệnh đầu tiên ở châu Âu trong 5 năm qua. Và một trường hợp bị bệnh bại liệt khác mới được phát hiện hồi tháng 1 vừa qua. Sau đó, 19 trẻ khác đã được xác định mắc bệnh bại liệt nhưng không có triệu chứng tê liệt.

Mối lo khủng hoảng y tế và dịch bệnh ở Ukraine - 2

Nhỏ vắc xin bại liệt cho trẻ em tại một phòng khám ở Kiev, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Vào ngày 1/2, Ukraine ngay lập tức mở chiến dịch tiêm vaccine bại liệt trên toàn quốc nhằm tiếp cận 100.000 trẻ em vẫn chưa tiêm. Tuy nhiên, chiến dịch này đã bị tạm dừng kể từ khi chiến sự bùng nổ và khi các cơ quan y tế chuyển sang chiến dịch chăm sóc khẩn cấp.

WHO cho biết vấn đề bảo quản vaccine cũng bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu điện ở một số khu vực và hoạt động giám sát cũng đã bị gián đoạn.

Ông Jasarevic cho biết: "WHO đang nỗ lực khẩn trương phát triển các kế hoạch dự phòng để hỗ trợ Ukraine và ngăn chặn dịch bệnh bại liệt lây lan trong tình hình hiện nay".

Mối lo cho bệnh nhân HIV

Cơ quan phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc cho biết, Ukraine hiện chỉ còn chưa đầy số lượng một tháng thuốc dành cho bệnh nhân HIV ở Ukraine.

Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima cho hay: "Số thuốc kháng virus (ARV) còn lại chỉ đủ điều trị cho những người nhiễm HIV ở Ukraine trong vài tuần, và nếu không có thuốc, tính mạng của họ sẽ bị đe dọa".

Theo thống kê trước khi Nga mở chiến dịch quân sự, có khoảng 250.000 người nhiễm HIV ở Ukraine, con số lớn thứ hai ở châu Âu, sau Nga.

Ukraine cũng chứng kiến tỷ lệ mắc bệnh lao cao và là một trong những nơi có tỷ lệ lao đa kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Ước tính có khoảng 30.000 trường hợp lao mắc mới hàng năm ở Ukraine.

Hôm 28/2, chính phủ Ukraine và Liên minh phòng chống Lao toàn cầu (Stop TB Partnership) cho biết tất cả các phòng khám lao ở nước này vẫn mở cửa, nhưng bệnh nhân đã được cấp thuốc điều trị trong 1 tháng phòng trường hợp tình hình chiến sự trở nên tồi tệ hơn và không thể đến phòng khám.

Liên minh Stop TB cũng cho hay, có đủ phương pháp điều trị cho những bệnh nhân mới và dự kiến đủ số thuốc cho đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, tổ chức này đang làm việc với WHO về các lệnh khẩn cấp tiềm năng cho các nước láng giềng.

Các chuyên gia lo ngại sự gián đoạn trong điều trị hoặc chẩn đoán có thể làm tăng khả năng lây lan rộng hơn nữa, cũng như gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Covid-19 cũng là một vấn đề đáng lo ngại cho Ukraine. Chỉ có hơn 1/3 người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Các ca mắc mới hàng ngày vẫn ở mức cao.

Tổ chức cứu trợ nhân đạo Project HOPE hôm 28/2 cho biết, các hiệu thuốc ở tất cả các thành phố bị tấn công đều báo đã hết nguồn cung cấp y tế.