1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Bầu cử tổng thống Pháp:

"Mèo nào cắn mỉu nào"?

(Dân trí) - Vòng một cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp đã mang lại cho Đảng Xã hội (PS) và cánh tả nói chung một kết quả tốt nhất từ cuộc bầu cử tổng thống năm 1988. Tuy nhiên điều đó chưa thể nói lên được điều gì vào ngày bầu cử "nước rút" 6/5 tới.

 
Mèo nào cắn mỉu nào?


Hai ứng viên của vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp ngày 6/5, đương kim Tổng thống Sarkozy (trái) và  François Hollande.
 

Trong vòng một vừa qua ứng cử viên của Đảng Xã hội François Hollande đã dẫn đầu, giành được 28,6% số phiếu so với 27,2% số phiếu của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Một cuộc chạy đua nước rút giữa hai ứng cử viên này sẽ diễn ra vào ngày 6/5 tới.

 

Trong vận động tranh cử mấy ngày vừa qua ông Hollande đã tập trung đưa ra những hứa hẹn là ông sẽ lãnh đạo đất nước theo cánh tả và mang lại sự thay đổi quan trọng cho nước Pháp. Mặc dù khoảng cách số phiếu vượt trội của ông Hollande so với tổng thống đương nhiệm không lớn như phe tả trông đợi, nhưng cũng đủ làm cho ông Sarkozy trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị thua trong vòng bầu cử đầu tiên kể từ khi nền Cộng hòa thứ năm được thành lập năm 1958.

 

Rõ ràng ông Sarkozy đã mất đi rất nhiều sự hấp dẫn ban đầu đối với cử tri vì giờ đây tâm trí của họ tập trung đến suy giảm kinh tế chứ không phải là phong cách hào nhoáng, thu hút phương tiện truyền thông và tự tô vẽ bản thân của ông. Trong tình hình như vậy, ông Sarkozy có thể trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên phải ra đi kể từ khi Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing bị ông François Mitterrand đánh bại trong cuộc tuyển cử năm 1981, trừ phi ông nhận được sự hỗ trợ hùng hậu từ phía cánh hữu ở Pháp.

 

Thực tế cho thấy vòng một đã đem lại cho lãnh tụ của Mặt trận quốc gia (FN) cực hữu, bà Marine Le Pen, một sự ủng hộ bất ngờ. Chiến dịch vận động của bà Le Pen ngày càng trở nên mạnh mẽ và mang tính bài ngoại. Bản thân bà đã công khai ca ngợi một nhà báo Pháp chống Do Thái bị tử hình sau chiến tranh vì tội cộng tác với Đức quốc xã. Điều đáng lo ngại là Mặt trận quốc gia chỉ giành được 17,9% số phiếu bầu. Những cử tri này nếu đi bầu trong vòng hai rất có thể sẽ dành lá phiếu của mình cho ông Sarkozy.

 

Trong vận động tranh cử cho vòng hai, ông Sarkozy ngoài việc phải bác bỏ những cáo buộc về nhận tiền của chính phủ của Gadhafi và chủ mưu trong vụ bê bối tình dục ở New York của cựu Giám đốc IMF…đã gia tăng những ngôn từ chống nhập cư với hy vọng thu hút được thêm số phiếu từ những người đang ủng hộ bà Le Pen trong cuộc bầu ngày 6 tháng 5. Tuy nhiên rất có thể ông cũng sẽ phải trả một cái giá đắt tương xứng là để mất đi sự ủng hộ của phe trung hữu khi ông làm như vậy.

 

Đối thủ của ông sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc giành được 50% số phiếu cần và đủ để thắng cử. Phái tả chỉ thu được 44% số phiếu trong vòng đầu, điều đó có nghĩa là ông Hollande phải thu được phiếu của cử tri trung hữu hiện ủng hộ ông François Bayrou, hoặc là phải dựa vào một khả năng khó có thể xảy ra là từ những người ủng hộ ông Sarkozy vì quá thất vọng với cách làm việc của FN đến mức họ đảo ngũ hàng loạt.

 

Sự gắn kết và quyết tâm được lãnh tụ phe cực tả, Jean-Luc Mélenchon thể hiện mới là sự ngạc nhiên của cuộc tranh cử vừa qua. Nhưng với 11% số phiếu thu được cũng sẽ không thể bù đắp đủ gió cho chiếc buồm của đảng Xã hội. Những lời hứa chính của bản thân ông Hollande, như sẽ điều tiết tài chính mạnh hơn nữa và đánh thuế lên đến 75% đối với những người có thu nhập cá nhân trên một triệu euro, đã tỏ ra có hiệu ứng khá mạnh. Tuy nhiên, để giành được chiếc ghế tổng thống từ ông Sarkozy ông Hollande sẽ cần phải có một sự ủng hộ rộng rãi hơn nữa của cử tri.

 

Cho đến nay cuộc bầu cử này vẫn rất khó đoán. Kết quả chính thức ai thắng ai vẫn còn ở phía trước và phụ thuộc hoàn toàn vào lá phiếu của cử tri nước Pháp.

 

Phạm Ngọc Uyển