1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Máy bay chiến đấu Ấn Độ thả bom khẩn cấp sau khi đâm phải chim

(Dân trí) - Ấn Độ đã công bố video về vụ việc phi công nước này thả các bình nhiên liệu và một quả bom huấn luyện xuống khu vực không có người ở sau khi máy bay đột ngột gặp sự cố do chim lao vào động cơ.

Khoảnh khắc máy bay chiến đấu Ấn Độ thả bom sau khi chim lao vào động cơ
Máy bay chiến đấu Ấn Độ thả bom khẩn cấp sau khi đâm phải chim - 1

Máy bay Jaguar của Ấn Độ (Ảnh: Twitter)

Theo quân đội Ấn Độ, sự việc xảy ra vào sáng ngày 27/6 khi máy bay Jaguar của không quân nước này mang 2 thùng nhiên liệu phụ và các khí tài quân sự, trong đó có một quả bom huấn luyện hạng nhẹ (CBLS), tham gia một buổi diễn tập.

Sau khi máy bay cất cánh không lâu từ căn cứ không quân Ambala, bang Haryana nó đã bị 1 đàn chim lao trúng vào động cơ. Động cơ chiếc Jaguar tóe lửa và một bên bị hỏng sau vụ đâm vào chim.

Đoạn video cho thấy phi công điều khiển chiếc Jaguar đã đánh giá tình hình và phản ứng với tình huống chỉ trong vài giây. Anh này đã chọn một khu vực vắng vẻ và thả 2 bình nhiên liệu, quả bom xuống nhằm tránh gây ra nguy cơ thương vong cho dân thường vì khu vực gần sân bay của căn cứ Ambala là một thành phố với mật độ dân cư đông đúc. Đoạn video cho thấy lửa đã bùng lên khi phi công thả nhiên liệu và bom xuống.

Nỗ lực của phi công đã thành công và sau đó phi công này điều khiển máy bay này hạ cánh khẩn cấp về căn cứ một cách an toàn, tránh được một thảm họa nghiêm trọng và có thể gây chết người.

“Chim đã làm một động cơ bị hỏng. Mặc dù trong hoàn cảnh rất khẩn cấp và nghiêm trọng, phi công trẻ phân tích tình huống chỉ trong vài giây. Sự chuyên nghiệp và tư duy nhanh của phi công không chỉ cứu một khí tài quân sự mà còn mạng sống của rất nhiều dân thường”, thông báo của không quân Ấn Độ cho hay.  

Khi máy bay bị hỏng một động cơ, nó thể bị mất kiểm soát và lao vào khu dân cư phía dưới. Với bình xăng và các khí tài quân sự, nó có thể phát nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Vì vậy, phi công Ấn Độ đã chọn cách xử lý trên để giảm thiểu mọi rủi ro.

Đức Hoàng

Theo Sputnik