1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mạng lưới ngăn chặn nạn tự tử tại "điểm nóng" ở Nhật Bản

(Dân trí) - Để giảm thiểu tình trạng tự tử nghiêm trọng, một tỉnh ở Nhật Bản đã đưa ra nhiều sáng kiến để giúp đỡ cộng đồng và những đối tượng có nguy cơ kết liễu đời mình thông qua hàng loạt chương trình trong đó có sáng kiến mạng lưới người "gác cổng".

Mạng lưới ngăn chặn nạn tự tử tại điểm nóng ở Nhật Bản - 1

Bà Taeko Watanabe (Ảnh: Reuters)

Taeko Watanabe thức dậy vào một đêm tháng 3 lạnh lẽo, nhìn thấy một vệt máu trên hành lang, một con dao găm đẫm máu trên giường của cậu con trai Yuki. Con trai bà đã biến mất. Sau đó, cảnh sát tìm thấy một lá thư tuyệt mệnh.

“Họ tìm thấy thằng bé ở một con kênh nằm cạnh ngôi đền và quấn lại trong một tấm chăn. Sau khi khám nghiệm tử thi, thằng bé về nhà trong một chiếc quan tài. Tôi cảm thấy muốn gục ngã”, Watanabe kể lại câu chuyện với đôi mắt đẫm lệ.

Yuki kết liễu đời mình năm 2008 khi mới 29 tuổi. Anh là một trong rất nhiều người đã chọn cái chết vào năm đó tại tỉnh Akita nằm cách Tokyo 450 km về hướng bắc. Trong gần 20 năm, Akita có tỉ lệ tự tử cao nhất trên toàn Nhật Bản.  

Tuy nhiên, Watanabe nói rằng mọi thứ đã thay đổi và nếu con trai bà gặp phải tình trạng tương tự như năm 2008, “thằng bé sẽ không phải chết. Sẽ có những người ngăn chặn nó”.

Watanabe, người từng nghĩ đến việc tự tử sau cái chết của Yuki, hiện đang lãnh đạo một nhóm gồm những người sống sót sau các vụ tự tử. Đây là một phần trong nỗ lực của các nước Nhật Bản nhằm giảm tỷ lệ tự tử xuống 40% trong 15 năm. Akita hiện đang ở mức thấp nhất của tỉnh này trong 40 năm qua.

Từ năm 2007, Nhật Bản đã đưa ra một kế hoạch ngăn chặn tự tử bài bản, có sự tham gia của các chuyên gia và tổ chức chính phủ. Năm 2016, các vùng bắt đầu tự phát triển kế hoạch riêng nhằm phù hợp với tình hình địa phương.

Các công ty bị các gia đình nạn nhân tự tử vì làm việc quá giờ, đã nới lỏng luật lệ cho nghỉ phép, cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý. Nhật Bản cũng ban hành luật quy định về vấn đề tăng ca. Chính phủ thực hiện các bài kiểm tra định kỳ hàng năm về tình trạng căng thẳng trong các công ty có trên 50 nhân viên.

Nguyên nhân tự tử

Mạng lưới ngăn chặn nạn tự tử tại điểm nóng ở Nhật Bản - 2

 (Ảnh minh họa: Japan Today)

Để đưa ra quyết định tự tử, nạn nhân thường có rất nhiều yếu tố gây tác động tới tâm lý. Tại Akita, các chuyên gia nói rằng sự hẻo lánh, thiếu công ăn việc làm, mùa đông kéo dài và số lượng người già cô đơn lớn cũng như các khoản nợ nần là những nguyên nhân gây tự tử.

Năm 1999, Akita là khu vực đầu tiên ở Nhật Bản chi ngân sách ngăn vấn nạn tự tử. Tuy chỉ có dân số vào khoảng 981.000 người, Akita hiện trở thành một trong những tỉnh có mạng lưới hỗ trợ công dân lớn nhất tại Nhật Bản.

Yutaka Motohashi, giám đốc trung tâm hỗ trợ chống nạn tự tử Nhật Bản, đánh giá rằng Akita là khu vực tiên phong ở Nhật Bản coi tự tử là vấn nạn của xã hội. Trước đó, chính phủ các địa phương đều coi tự tử là vấn đề cá nhân và tin rằng tiền thuế của người dân không nên được sử dụng vào vấn đề này.

Akita bắt đầu quá trình rà soát lại người dân và các nhân viên sức khỏe cộng đồng sẽ tiếp cận với những người nằm trong “tầm nguy hiểm”. Ngoài ra, cũng có những tình nguyện viên như Hisao Sato, người đã chống chọi lại bệnh trầm cảm hàng năm trời sau khi việc kinh doanh thất bại năm 2000.

“Trong thời điểm đó, một người bạn của tôi đã nhảy cầu tự tử và nhiều người khác bị phá sản. Tôi rất tức giận. Tôi không muốn họ phải chọn cái chết nữa”, ông Sato, 75 tuổi, cho hay.

Năm 2002, ông đã thiết lập ra mạng lưới mang tên “Kumonoito” (mạng nhện), tập hợp các luật sư và chuyên gia tài chính đưa ra những sự hỗ trợ thiết thực cho những người tuyệt vọng vì việc làm ăn thua lỗ. Khoảng 60% ngân sách của mạng lưới đến từ chính quyền Akita, phần còn lại từ quyên góp.

Quốc hội Nhật Bản cũng đang phác thảo ra một dư luận nhằm thiết lập một tổ chức quy mô quốc gia tương tự như ông Sato đang thực hiện. “Thất bại trong kinh doanh không chỉ gây ra vấn đề về kinh tế mà nó còn là vấn đề về con người”, ông Sato nói.

Người “gác cổng”

Tại Akita, có một mạng lưới gồm những cá nhân được gọi là người “gác cổng”, những cá nhân để đào tạo chuyên để xác định những người có ý định tự tử và nếu cần thiết có thể can thiệp để hỗ trợ. Bất cứ ai cũng có thể trở thành người “gác cổng” miễn là họ trải qua khóa huấn luyện kéo dài vài giờ đồng hồ với chuyên viên sức khỏe công đồng địa phương.

“Về cơ bản, mọi người đều là thành viên trong cộng đồng ngăn tự tử. Đây là việc của tất cả mọi người”, ông Motohashi cho biết.

Tính từ năm 2017, có khoảng 3.000 người Akita đã tham gia đào tạo và mục tiêu của tỉnh là đạt được con số 10.000 người, hoặc cứ 1 người sẽ nhận nhiệm vụ quan sát 100 người khác.

Akita cũng có một đội ngũ “người lắng nghe” tình nguyện, giống như cụ bà 79 tuổi Ume Ito. Cụ Ito sẵn sàng ngồi hàng giờ đồng hồ nói chuyện và lắng nghe vấn đề của những người đang trong “tầm nguy hiểm”.

“Khoảng 70-80 % số người chúng tôi trao đổi nói rằng họ muốn chết, nhưng khi trò chuyện xong họ đã ngừng nghĩ về cái chết và nói rằng tôi muốn gặp lại bà lần sau”, cụ Ito nói.

Một trong những người từng tâm sự với bà Ito là bà Sumiko, 73 tuổi. Bà nằm liệt giường sau khi bị ngã. Bà thường nằm cả ngày một mình cho tới khi gia đình con trai đi làm về mỗi đêm.

“Tôi nghĩ là tôi sẽ mắc kẹt trên giường cả đời. Tôi cứ nghĩ là tôi mất trí mất rồi. Nếu bà ấy (Ito) không đến tôi sẽ rất căng thẳng. Tôi không thể nói với gia đình mọi thứ và tôi cảm thấy rất u tối. Tôi nói với con trai rằng được lắng nghe là điều đã cứu sống mẹ”, bà Sumiko nói, mỉm cười với bà Ito.

Những thách thức trước mắt

Mạng lưới ngăn chặn nạn tự tử tại điểm nóng ở Nhật Bản - 3

Học sinh là đối tượng mà chính phủ Nhật Bản quan tâm với mong muốn có thể giúp đỡ giải quyết những căng thẳng trong cuộc sống (Ảnh: Humanium)

Tỉ lệ tự tử ở Akita đã giảm từ mức kỷ lục 44,6 năm 2003 (tính trên 100.000 người) xuống 20,7 năm 2018, theo dữ liệu sơ bộ. Con số này đã cải thiện rất đáng kể tuy nhiên vẫn cao thứ 6 trên toàn Nhật Bản.  

Tỉ lệ tự tử ở Nhật Bản cũng giảm từ mức cao kỷ lục năm 2003 là 27 xuống 16,3 trong năm 2018. Mục tiêu của chính phủ nước này là giảm tiếp con số này xuống 13 vào năm 2027.  Tại Mỹ, tỉ lệ tự tử là 14 trên 100.000 dân năm 2017 dù dân số Mỹ gấp hơn 2 lần Nhật Bản.

Có 543 người Nhật Bản từ 19 tuổi trở xuống tự tử năm 2018, con số cao nhất trong 30 năm qua. Theo ông Ryusuke Hagiwara, quan chức làm trong lĩnh vực chống nạn tự tử ở Bộ Y tế Nhật Bản, vấn đề tự tử ở người trẻ tuổi đã được chính phủ rất quan tâm trong kế hoạch năm 2017.

Bộ Giáo dục Nhật Bản đã đặt tờ rơi ở các trường học khuyến khích các em đọc những truyện tranh tươi vui, tiếp cận những điều lạc quan, mở các lớp dạy kiểm soát căng thẳng như thở sâu và khuyến khích các em tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.

Đức Hoàng

Theo Reuters