1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Mầm mống” dịch bệnh lạ từ chợ động vật hoang dã Trung Quốc

(Dân trí) - Khu chợ nơi bắt nguồn dịch bệnh viêm phổi lạ gây chết người tại Trung Quốc là tụ điểm buôn bán nhiều loại động vật hoang dã, bao gồm những loài có liên quan tới bệnh dịch trước đây.

“Mầm mống” dịch bệnh lạ từ chợ động vật hoang dã Trung Quốc - 1

Chợ hải sản Huanan tại Trung Quốc. (Ảnh: EPA)

Ngày 22/1, chợ hải sản Huanan ở thành phố Vũ Hán miền trung Trung Quốc được đặt trong tầm kiểm tra gắt gao hơn, khi các nhà chức trách xác nhận virus lạ khiến 9 người tử vong và hàng trăm người bị lây nhiễm bắt nguồn từ loài động vật hoang dã được bán tại khu chợ này.

Trước đó, động vật hoang dã từng là nguyên nhân dẫn đến các loại dịch bệnh gây chết người tại Trung Quốc, chẳng hạn Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) được cho là có liên quan tới việc tiêu thụ thịt cầy hương. Các nhà chức trách Trung Quốc sẽ “mất ăn mất ngủ”, nếu nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát của chủng virus mới bắt nguồn từ tình trạng quản lý lỏng lẻo đối với hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Một bảng giá được chia sẻ trên mạng tại Trung Quốc đã liệt kê nhiều mặt hàng được bán tại chợ Huanan, gồm các loại động vật và sản phẩm làm từ động vật hoang dã. Tổng cộng có 112 mặt hàng gồm cáo, cá sấu, chó sói, kỳ giông, rắn, chuột, công, nhím, thịt lạc đà và một số loại khác.

“Vừa được giết mổ, làm đông lạnh và chuyển tới cửa nhà bạn”, thông tin trên bảng giá cho biết.

Theo Tiến sĩ Gao Fu, giám đốc trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc, các nhà chức trách nước này tin rằng virus lạ có thể bắt nguồn từ “những loài động vật hoang dã tại khu chợ hải sản”, nhưng nguồn gốc chính xác vẫn chưa được xác nhận.

Trung Quốc cấm buôn bán nhiều loại động vật hoang dã, hoặc yêu cầu phải có giấy phép đặc biệt mới được buôn bán. Tuy nhiên, các quy định này vẫn được áp dụng lỏng lẻo đối với một số loài động vật nếu chúng được nuôi thương mại.

Nhiều trường hợp bị phát hiện nhiễm virus gây bệnh viêm phổi, hay còn được gọi là 2019 Novel Coronavirus (2019-nCoV), tại Trung Quốc là những người làm việc tại chợ hải sản Huanan.

Nhiều loài động vật hoang dã vẫn đang được tiêu thụ tại Trung Quốc hoặc các nước châu Á khác, nơi chúng được xem là món đặc sản hoặc tốt cho sức khỏe, dù khoa học vẫn chưa chứng minh được điều này.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Christian Walzer, giám đốc điều hành Chương trình Y tế thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Mỹ, cho biết động vật hoang dã ngày càng dẫn tới nhiều rủi ro về sức khỏe cho con người.

Theo Tiến sĩ Walzer, 70% các bệnh truyền nhiễm mới bắt nguồn từ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng bị thu hẹp càng làm gia tăng nguy cơ mầm bệnh lan rộng.

“Các khu chợ bán động vật hoang dã là cơ hội duy nhất để virus lây lan”, ông Walzer nhận định.

Từ năm 2002-2003, dơi được cho là nguyên nhân dẫn tới dịch SARS khiến hàng trăm người chết tại châu Á, trong đó chủ yếu là Trung Quốc.

Dịch SARS cũng được phát hiện từ loài cầy hương được bán tại các chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc. Nhiều nhà khoa học tin rằng virus từ dơi đã lây sang các loài động vật họ mèo và sau đó là những người ăn thịt các loài động vật đó.

Sau đại dịch SARS, Trung Quốc đã kiểm soát việc tiêu thụ cầy hương và một số loài động vật khác. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn cho biết hoạt động buôn bán vẫn diễn ra.

Virus lạ gây bệnh viêm phổi khởi phát từ thành phố Vũ Hán và bắt đầu lây lan từ cuối năm ngoái. Virus hiện đã lan sang các khu vực khác của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thượng Hải, Đài Loan. Ngoài ra, các ca nhiễm bệnh cũng được phát hiện bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đến Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài 9 người tử vong, 440 trường hợp đã được xác nhận nhiễm virus lạ.

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổng thống Donald Trump hôm nay cho biết Mỹ đã lên kế hoạch và nước này sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề liên quan tới virus lạ. Ông Trump khẳng định Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Mỹ hoạt động rất tốt và chuyên nghiệp.

Thành Đạt

Theo SCMP, Reuters