1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Malaysia: 2 phi công biết bộ phát sóng bị tắt nhưng không báo cáo

(Dân trí) - Giới chức Malaysia ngày 16/3 cho biết việc rà soát trình tự các tín hiệu thu được từ máy bay cho thấy, trước lần liên lạc cuối cùng bộ phát tín hiệu trên máy bay đã bị tắt. Điều này có nghĩa là một hoặc cả hai phi công đều biết sự việc này.

Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein
Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein

Với khả năng ngày càng chắc chắn rằng chuyến bay MH370 đã bị chuyển hướng một cách có chủ ý, và bay cách xa đường bay ban đầu tới hàng nghìn km, giới chức Malaysia đang đối mặt với ngày càng nhiều câu hỏi về cuộc điều tra, vốn có rất nhiều tuyên bố trái ngược từ chính phủ.

Trong ngày thứ Bảy, thủ tướng Najib Razak đã xác nhận rằng radar quân sự và dữ liệu vệ tinh đã làm gia tăng khả năng máy bay có thể đã tới đâu đó tại Indonesia, phía Nam Ấn Độ Dương hoặc một vùng lãnh thổ rộng lớn, từ Bắc Lào, tới Tây Trung Quốc và sang Trung Á. Malaysia khẳng định họ đang phối họp với 25 quốc gia khác để tìm máy bay.

Đến hôm qua, Bộ trưởng quốc phòng Malaysia kiêm quyền Bộ trưởng giao thông Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein đã bổ sung thêm một chi tiết quan trọng trong số thông tin cơ quan chức năng có được, về những gì xảy ra trong khoang lái của chiếc máy bay trong thời gian hơn 40 phút trước khi nó mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.

Việc xác định rằng liên lạc qua điện đàm cuối cùng mà chuyến bay gửi về đài kiểm soát không lưu - “Được rồi, chúc ngủ ngon” mà ai đó đã nói - được gửi đi sau khi một hệ thống phát tín hiệu ngừng hoạt động, có thể đã bị tắt đi, khiến trọng tâm cuộc điều tra lại càng tập trung hơn tới hai phi công điều khiển chiếc máy bay, gồm cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, và cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi.

Bên cạnh đó, việc giọng nói đầy bình tĩnh được cho là của cơ trưởng trên điện đàm khi chúc đài kiểm soát không lưu ngủ ngon, dù hệ thống ACARS có chức năng cung cấp dữ liệu về tốc độ, độ cao, vị trí và mức nhiên liệu qua vệ tinh, đã không còn hoạt động cho thấy, vị cơ trưởng kinh nghiệm nhất của Malaysia Airlines hoặc đã nói câu trên dưới sự khống chế của những kẻ khủng bố đã làm chủ máy bay, hoặc chính ông là người cướp máy bay.

Tổng thanh tra cảnh sát Tan Sri Khalid Abu Bakar cho biết cảnh sát đã lục soát nhà của ông Zaharie, và mô hình bay giả lập mà ông thiết kế cũng được các chuyên gia phân tích. Các điều tra viên cũng đã khám xét nhà của cơ phó Fariq Abdul Hamid.

Hiện cơ quan chức năng Malaysia đã phân loại cuộc điều tra theo Mục 130C của Luật hình sự, cho phép điều tra đối với các tội danh không tặc, phá hoại, hành động khủng bố và các tội danh theo Đạo luật an toàn hàng không.

“Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã mở rộng điều tra. Trọng tâm của chúng tôi vẫn nằm trong 4 phạm vi - không tặc, phá hoại, các vấn đề cá nhân và các vấn đề tâm lý - và việc này bao gồm cả nhân viên mặt đất, tất cả mọi người”, ông Tan Sri Khalid Abu Bakar nói.

Cơ trưởng Zaharie là một người ủng hộ đảng đối lập theo đường lối dân chủ tại Malaysia. Lãnh đạo Anwar Ibrahim của đảng này đã bị tống giam hồi tuần trước với án phạt 5 năm tù vì tội danh quan hệ đồng giới.

Một cựu tùy viên quân sự của Anh khẳng định với tờ The Telegraph rằng hệ thống ACARS trên máy bay Boeing 777 thường chỉ có thể bị tắt bởi một phi công giàu kinh nghiệm, bởi việc này không chỉ đơn giản là tắt một công tắc. Nó phải thực hiện bằng cách đóng một loạt các cầu dao trên một bảng điều khiển.

Các nhà điều tra Malaysia từng khẳng định hệ thống ACARS bị tắt đầu tiên, khoảng 40 phút sau khi cất cánh. Và khoảng 14 phút sau đó, đến lượt bộ phát đáp của máy bay, vốn khiến máy bay được các radar thương mại nhận diện, cũng bị tắt. Việc cả hai hệ thống bị tắt ở những khoảng thời gian khác nhau là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc máy bay biến mất là có chủ ý.

Thanh Tùng
Tổng hợp