1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì virus corona

(Dân trí) - Sau nhiều ngày trì hoãn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vì dịch viêm phổi do virus corona mới gây ra. Cảnh báo này được cho là sẽ tác động đáng kể đến việc phối hợp hành động quốc tế nhằm ngăn dịch lây lan.

Lý do WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì virus corona  - 1

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AFP)


Quyết định sau nhiều ngày trì hoãn

Sau cuộc họp kín ngày 30/1, Ủy ban khẩn cấp của WHO quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) về dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra. Quyết định được WHO đưa ra sau một số lần trì hoãn.

Trước đó, nói về quyết định xem xét đưa dịch virus corona mới trở thành vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus điều khiến tổ chức này lo ngại nhất là đã bắt đầu xuất hiện các ca nhiễm bệnh từ người sang người ở các nơi ngoài Trung Quốc.

Ngày 30/1 cũng đánh dấu ngày chết chóc nhất kể từ khi dịch viêm phổi lạ bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019. Chỉ riêng trong ngày này ghi nhận 42 người tử vong do dịch và đều ở tâm dịch Hồ Bắc.

Ý nghĩa của việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Lý do WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì virus corona  - 2

Các bệnh viện Trung Quốc quá tải vì số ca nhiễm virus corona tăng nhanh. (Ảnh: AFP)

Trước tình hình dịch viêm phổi do virus corona mới ngày càng trầm trọng, chính và doanh nghiệp các nước đều triển khai các biện pháp ngăn dịch. Tuy nhiên, việc một tổ chức y tế quốc tế như WHO ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch có thể mang lại hiệu quả hơn nữa trong thúc đẩy hành động toàn cầu để đối phó dịch bệnh.

Cụ thể, tuyên bố của WHO có thể coi là một cảnh báo cho thấy tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh đối với sức khỏe của cộng đồng. Nó sẽ khuyến khích các quốc gia phối hợp hành động, chia sẻ nguồn lực, tài chính để ứng phó dịch.

Ngoài ra, nó cũng tăng hiệu quả thuyết phục công dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng tuân thủ các khuyến nghị về sức khỏe, vệ sinh. PHEIC cho phép WHO đưa ra các khuyến nghị về đi lại giữa các thành phố, khu vực và quốc gia trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

PHEIC cũng được coi là chỉ dẫn cho hoạt động của các hãng hàng không, trong đó có Emirates, Etihad hay Qatar Airlines - các hãng hàng không khai thác khoảng 160 chuyến/tuần tới Trung Quốc và đặc khu Hong Kong. Hiện nhiều hãng hàng không trên thế giới đã ngừng các chuyến bay đi và đến Trung Quốc, song các hãng này chưa có động tĩnh khi tuyến bay này mang lại phần lớn lợi nhuận cho họ.

Hơn nữa, với việc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, WHO có thể đánh giá các biện pháp y tế cộng đồng mà các quốc gia áp dụng liệu có đảm bảo giá trị khoa học hay không. Nếu một quốc gia áp các lệnh hạn chế thương mại, du lịch vượt quá khuyến nghị, ví dụ như từ chối tiếp nhận người nghi nhiễm bệnh, WHO có thể yêu cầu chính quyền sở tại đưa ra các bằng chứng khoa học giải thích cho quyết định đó.

Các khuyến nghị của WHO không mang tính ràng buộc, song có thể tạo sức ép đáng kể khiến các quốc gia phải tuân thủ.

6 lần WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Lý do WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì virus corona  - 3
Hình ảnh virus corona mới (hay còn được gọi là 2019-nCoV) dưới kính hiển vi. (Ảnh: Getty)

Ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hiếm khi xảy ra. Trong một thập niên qua, WHO mới 6 lần đưa ra tuyên bố kiểu này.

Tháng 7 năm ngoái, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Tính đến ngày 14/1 vừa qua, đại dịch này đã khiến 2.236 người thiệt mạng.

Năm 2016, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với virus Zika, loại virus lan truyền sang người qua các vết chích của muỗi. Virus Zika đã lan truyền ra hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới kể từ khi bùng phát ở Brazil năm 2015. Tình trạng khẩn cấp chỉ được rút lại vào tháng 11/2016 sau khi đã có khoảng 2.300 trẻ được sinh ra mắc tật đầu nhỏ, chủ yếu ở Brazil.

Năm 2014, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu với dịch bệnh bại liệt bùng phát ở Pakistan. Số ca bại liệt ở Pakistan tăng từ 58 ca năm 2012 lên 93 ca vào năm 2013, chiếm hơn 1/5 trong tổng 417 ca toàn thế giới.

Dịch Ebola bùng phát ở Sierra Leone, Guinea và Liberia giai đoạn từ 2013 đến năm 2016 khiến ít nhất 11.300 người tử vong. Dịch bệnh cũng khiến 3 nước này thiệt hại kinh tế ước tính 53 tỷ USD.

Năm 2009, H1N1 bùng phát ở 214 quốc gia, vùng lãnh thổ, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ước tính, số người thiệt mạng vì dịch cúm này lên tới 575.000 người, chủ yếu ở Đông Nam Á và châu Phi.

Minh Phương
Theo Reuters, Bloomberg