1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lối thoát nào cho Thủ tướng Nhật trước những sóng gió?

(Dân trí) - Các nhà phân tích cho rằng cho dù Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản đã từ chức, động thái này có thể vẫn là quá muộn để cứu Thủ tướng Taro Aso hay đảng cầm quyền LDP khỏi sự tức giận của các cử tri.

Lối thoát nào cho Thủ tướng Nhật trước những sóng gió? - 1
Thủ tướng Taro Aso (phải) và Bộ trưởng Tài chính Shoichi Nakagawa

Bộ trưởng Tài chính Shoichi Nakagawa nói với báo giới rằng Thủ tướng Aso đã chấp nhận đơn xin từ chức của ông, chỉ một ngày sau khi chính ông Aso yêu cầu Akagawa, một đồng minh thân cận, giữ nguyên vị trí bất chấp om sòm xung quanh vụ say xỉn tại hội nghị cấp cao G7 vừa diễn ra ở Rome, Italia.

Ông Aso cũng đã bổ nhiệm Bộ trưởng Kinh tế Kaoru Yosano, 70 tuổi, kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính - một lựa chọn báo hiệu có ít thay đổi về chính sách trong bối cảnh chính phủ đang phải nỗ lực để cứu đất nước khỏi ngày càng sa lầy trong suy thoái.

Theo các nhà phân tích, vụ việc này đã giáng một đòn mạnh vào chiếc ghế của ông Aso và đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền của ông. Nó thậm chí đã làm lu mờ chuyến thăm Tokyo của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và cả số liệu thống kê mới nhất cho thấy kinh tế Nhật Bản sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1974.

“Tôi nghĩ đây là tín hiệu nữa cho thấy chính quyền Aso đang ở trong giai đoạn cuối cùng”, Jonathan Allum, nhà chiến lược Nhật Bản tại KBC Financial Products nói. “Hoặc ông Aso sẽ bị chính LDP gạt sang một bên, hoặc ông phải khập khiễng đi đến thất bại trong cuộc bầu cử”.

Báo chí Nhật Bản ba ngày trước đây dẫn kết quả cuộc điều tra dư luận mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Aso đã tụt xuống chỉ còn 9,7%. Kết quả này cho thấy đảng LDP đang đứng trước nguy cơ đánh mất quyền lực trong cuộc bầu cử Hạ viện sẽ phải diễn ra chậm nhất vào tháng 10, và thậm chí có vẻ sẽ làm gia tăng những yêu cầu thay thế ông Aso trước khi diễn ra cuộc bầu cử này.

Tỷ lệ ủng hộ ông Aso đã giảm mạnh sau một loạt sai lầm về thay đổi chính sách trong bối cảnh ông phải đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng, quốc hội chia rẽ và một đảng cầm quyền khó thuyết phục.

Gần đây nhất, ông Aso bị chỉ trích vì những phát biểu chống lại tư nhân hóa hệ thống bưu chính khổng lồ của Nhật Bản - mục tiêu cải cách hàng đầu của cựu Thủ tướng được lòng dân Junichiro Koizumi trong nhiệm kỳ 2001-2006 và là chủ đề chính trong cuộc bầu cử năm 2005 giúp liên minh cầm quyền giành thắng lợi lớn.

Những kịch bản rủi ro

Ông Aso, vị thủ tướng thứ ba của Nhật Bản trong gần 2 năm qua, đang cố đạt được thoả thuận của quốc hội về gói kích thích kinh tế cùng khoản ngân sách kỷ lục 958 tỷ USD cho năm tài khoá tính đến tháng 3/2010 nhằm cứu vãn nền kinh tế ra khỏi suy thoái. 

Nền kinh tế thứ hai thế giới này đã sụt giảm 12,7% trong quý 4 năm ngoái - mức nghiêm trọng nhất trong 35 năm nay. Đây cũng là quý 3 liên tiếp mà GDP của Nhật Bản bị sụt giảm. So với mức sút giảm 3,8% của GDP của Mỹ thì mức suy thoái kinh tế của Nhật Bản gần gấp 3 lần trong cùng thời gian.

Nhật báo doanh nghiệp Nikkei của Nhật Bản đưa tin rằng chính phủ Nhật đang cứu xét thêm một kế hoạch kích thích kinh tế nữa để thúc đẩy nền kinh tế. Kế hoạch kích thích kinh tế mới này sẽ tiếp theo sau một kế hoạch chi tiêu trước đó của chính phủ trị giá 110 tỉ USD.

Nhưng ồn ào chính trị liên quan đến Bộ trưởng Tài chính Shoichi Nakagawa đang chiến việc thực thi chính sách của ông Aso trở nên càng khó khăn.

“Nhật Bản sẽ phải đối mặt với hai kịch bản rủi ro - một về tình trạng bế tắc hơn trong những thủ tục thông qua tại quốc hội khoản ngân sách cũng như các dự luật liên quan, và nguy cơ nữa là về sự trì hoãn trong thông qua gói kích thích bổ sung”, Takahide Kiuchi, kinh tế gia trưởng của Công ty chứng khoán Nomura nói. “Nếu việc từ chức của ông Nakagawa buộc Thủ tướng Aso phải từ chức theo và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm, những cuộc thảo luận về các biện phát kích thích bổ sung sẽ tan thành mây khói”.

Trong khi đó, những người phe Dân chủ đối lập cho rằng ông Aso phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm Nakagawa.

“Đây không phải là vấn đề được giải quyết bằng một tuyên bố từ chức, và những người thuộc đảng Dân chủ sẽ theo đuổi vấn đề này đến cùng”, nhân vật số hai của Dân chủ, Yukio Hatoyama, nói với báo giới.

Những kịch bản trên không thể gọi là lạc quan với đất nước mặt trời mọc, khi chính Bộ Trưởng Kinh Tế Kaoru Yosano phải nhìn nhận “đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ cuối thế chiến thứ hai tới nay”. Chánh Văn phòng Thủ Tướng, ông Takeo Kawamura còn đi xa hơn khi mô tả cuộc “khủng hoảng kinh tế như hiện nay chỉ xảy ra 1 lần trong 1 thế kỷ”. 
 
Nhật Mai
Tổng hợp