1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Liệu chăng có một cuộc chiến Mỹ - Trung?

(Dân trí) - Một giáo sư Havard nhận định trong vòng 500 năm qua có đến 12 trên 16 trường hợp khi một thế lực lớn lên thách thức thế lực thống trị, đã phải giải quyết bằng chiến tranh. Ông cũng đi sâu phân tích khả năng của một cuộc chiến Mỹ- Trung trên nhiều phương diện.

Mỹ- Trung và vết xe đổ của lịch sử

Ngày 14/4/2015, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Giáo sư Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Belfer của Đại học Havard, nhấn mạnh: trong 500 năm qua, thế giới có 12 trên 16 trường hợp khi một quốc gia trỗi dậy thách thức quyền lực của một cường quốc, thì kết quả là phải giải quyết bằng chiến tranh.

Những viện dẫn của giáo sư Allison được đưa ra trong bối cảnh sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng và vươn lên tầm cường quốc thế giới trong những năm gần đây.

Hiện nay và trong suốt 50 năm tới, Trung Quốc được coi là thế lực lớn nhất đe dọa vị trí siêu cường của Mỹ. Liệu hai nước Mỹ - Trung Quốc có lặp lại vết xe đổ về quyền lực và thách thức quyền lực, hay có thể tránh được một cuộc chiến gây tổn thất cho cả hai bên? Những phân tích về các mặt quân sự và kinh tế sau đây sẽ cho thấy khả năng đối đầu giữa hai nước này.

Về năng lực quân sự

Liệu chăng có một cuộc chiến Mỹ - Trung?

Tàu USS Forth Worth của Mỹ "chạm trán" tàu khu trục Yancheng của Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: US Navy)

Hiện nay, cùng với việc thực hiện chủ nghĩa bá quyền khu vực và chính sách “nắn gân”, Trung Quốc thấy cần có những hành động “bắt nạt” các nước láng giềng bằng việc đòi chủ quyền một cách hung hăng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chưa muốn có chiến tranh với Mỹ vì cán cân lực lượng còn quá nhiều bất lợi cho nước này.

Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng nhanh hơn nhiều so với Mỹ, nhưng tổng ngân sách quốc phòng của cường quốc đang trỗi dậy này vẫn thấp hơn. Bên cạnh đó, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có những điểm yếu mang tính cơ chế như: không có nguồn nhân lực chuyên nghiệp và kinh nghiệm chiến đấu, tham nhũng lan tràn và hệ thống quân dự bị kém phát triển.

Ngoài ra, PLA còn có các vấn đề nghiêm trọng khác. Đầu tiên là việc sĩ quan tác chiến phải chia sẻ trách nhiệm hành động trong đơn vị mình với các sĩ quan chính trị, những người phụ trách tuyên huấn.

Thứ hai là tổ chức và sự lãnh đạo của PLA vẫn do lực lượng bộ binh chỉ huy là chính.
 
Thứ ba là PLA có quá nhiều bộ chỉ huy chia sẻ nhiệm vụ và sức mạnh với chính quyền địa phương. Cuối cùng, PLA phải đối mặt với thách thức khi được trang bị hệ thống vũ khí khí tài nhiều thế hệ, nhiều chủng loại khác nhau.
 
Nếu những khó khăn này không được giải quyết, quân đội Trung Quốc sẽ vấp phải trở ngại lớn khi phải chiến đấu với một địch thủ tiên tiến hơn, chuyên nghiệp và đồng bộ hơn nhiều.
 
Dĩ nhiên, vấn đề tối quan trọng phải cân nhắc là một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ cũng có thể leo thang và gây hiểm họa hủy diệt cho cả hai bên.

Về năng lực kinh tế

Nếu như đánh giá về năng lực quân sự là tương đối thuần túy về sức mạnh của mỗi bên, thì đánh giá năng lực kinh tế khó hơn nhiều do sự giao thoa lợi ích và mối quan hệ tương tác hai bên.

Từ sau cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc đã có những bước tiến vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn tiềm ẩn những điểm yếu, những nguy cơ không nhỏ mà nước này còn thua xa so với Mỹ.

Một ví dụ về năng lực kinh tế của Trung Quốc thể hiện trong câu chuyện về Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mới được tổ chức ở Bắc Kinh. Dù đồng minh của Mỹ là Anh có vội vã gia nhập ngân hàng bất chấp phủ quyết của Mỹ thì trên thực tế, cốt lõi vấn đề là phát triển về lượng vẫn không đi cùng với chất.

Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể bằng và vượt Mỹ nhưng GDP theo đầu người của Mỹ, phương Tây và các đồng minh châu Á của Mỹ vẫn vượt xa so với của Trung Quốc.

Thực tế, nhiều tổ chức cũng như cá nhân Trung Quốc vẫn mong đợi mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ để giữ cho tiền đầu tư an toàn và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ được thuận lợi.

Cũng như trong đánh giá về năng lực quân sự, nạn tham nhũng lan tràn tại các cơ quan chính phủ là một cản trở sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cả về tầm trung và dài hạn. Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình mới bắt đầu và chưa đảm bảo được sự phát triển chắc chắn của nền kinh tế.

Sương mù do ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc. (Ảnh:

Sương mù do ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc. (Ảnh: Vogue)

Về mối quan hệ giữa tăng trưởng và chất lượng sống thì sức mạnh của Trung Quốc còn bị xói mòn hơn nữa do vấn đề nước sạch và nạn ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, do xuất phát điểm thấp và sử dụng các nguồn lực không rõ ràng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là không thể dự tính được.

Sinh viên Trung Quốc vượt trội trong học toán, nhưng năng lực đổi mới của đất nước vẫn bị kìm hãm trong sự kiểm soát từ trên xuống dưới.

Về chiến tranh công nghệ cao

Tuy người dân bình thường bị hạn chế truy cập vào nhiều trang mạng internet quốc tế, nhưng Trung Quốc lại có một đội ngũ chuyên nghiệp công nghệ cao và đã gây nhiều vụ tấn công tai tiếng vào các định chế khác nhau của Mỹ, trong đó có cả Bộ Quốc phòng.

Một số nhà quan sát cho rằng chiến tranh mạng internet không tốn kém mà nguy hiểm và Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công mạng internet vào Mỹ. Tuy nhiên, khoảng cách về công nghệ giữa hai nước còn khá xa và Mỹ vẫn kiểm soát hầu hết hạ tầng mạng internet toàn cầu. Những đợt tấn công mạng của đội quân công nghệ cao Trung Quốc sẽ không dễ dàng gì khi một cuộc chiến thực sự nổ ra giữa hai cường quốc.

Các cường quốc cần có trách nhiệm và tầm nhìn hơn

Với tiềm lực hùng mạnh về nhiều phương diện, các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc cần nhìn nhận quan hệ quốc tế bằng cả trách nhiệm của mình. Quyền lực và thách thức quyền lực là một cái bẫy nguy hiểm cho cả hai bên và cho nền hòa bình thế giới.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khả năng điều chỉnh xung đột do mối liên hệ nhiều mặt giữa hai bên còn dày đặc và sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau còn đem đến lợi ích song trùng, thì hai nước này vẫn cần thực sự có trách nhiệm hơn trong tương lai.

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã cảnh báo “một khái niệm quyền lực mới có thể sẽ đòi hỏi sự hợp tác và thay đổi nhiều hơn mức mà cả Trung Quốc và Mỹ có thể chấp nhận.” Có những cái đầu nóng và những nhân vật diều hâu ở cả hai nước, nhưng nếu lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ thận trọng thì phải xác định được đâu là lợi ích chiến lược của mình.

Minh Châu
Theo The Diplomat