1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Lịch sử Trân Châu Cảng và tham vọng Thái Bình Dương của Mỹ

Trân Châu cảng có một lịch sử dài lâu và đóng vai trò quan trọng trong chính sách hải quân của Mỹ trước đây và ngày nay.

LTS: Nhân 75 năm ngày diễn ra trận chiến Trân Châu Cảng lịch sử, VOV.VN xin giới thiệu bài viết của Jim Michaels đăng trên tờ báo USA Today của Mỹ (tít phụ do Báo điện tử VOV đặt):

Khi chưa thuộc Mỹ

Người Mỹ bắt đầu chú ý đến Trân Châu Cảng là do nghề đánh bắt cá voi, mía đường và dứa.

Khi nghề săn cá voi lên tới cao điểm vào năm 1846, có tới gần 800 tàu đánh bắt cá voi xin cập cảng ở khu vực quần đảo Hawaii, chủ yếu là tàu mang cờ Mỹ, theo lịch sử ngành hải quân Mỹ.

Khi đó hải quân Mỹ được lệnh phải cử các tàu tuần tra thường trực tới quanh khu vực quần đảo này để bảo vệ các tàu đánh bắt cá voi thương mại trước nạn hải tặc hoặc các quốc gia đối nghịch.

Ba chiến hạm Mỹ trúng bom từ máy bay Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Ảnh: AP.
Ba chiến hạm Mỹ trúng bom từ máy bay Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Ảnh: AP.

Thực tế này có tác động mạnh lên Hawaii, nơi người bản địa đã canh tác và đánh bắt cá trong hàng thế kỷ. Các cơ sở sửa chữa tàu biển xuất hiện. Honolulu và Lahaina trở thành các thị trấn nhộn nhịp đáp ứng nhu cầu ăn uống và cả “quậy phá” của các thủy thủ. Các lò nướng bánh, tiệm giặt là, xưởng thợ mộc, xưởng rèn và nhà trọ mọc lên như nấm.

Guy Nasuti, một sử gia của hải quân Mỹ nói: “Công việc kinh doanh rất phát đạt”.

Thế rồi đột nhiên hoạt động kinh doanh đình trệ. Việc phát hiện ra dầu mỏ ở Pennsylvania (Mỹ) vào năm1859 đã tàn phá ngành đánh bắt cá voi, vì người ta săn cá voi chủ yếu để lấy dầu cá voi. Nội chiến Mỹ sau đó đã dẹp nốt số tàu còn sót trong đội tàu chuyên săn cá voi.

Vào cuối thế kỷ 19, thời kỳ bùng nổ của ngành săn cá voi Hawaii đã qua đi.

Nhưng Washington không đánh mất sự quan tâm đối với việc sử dụng Hawaii làm môt điểm tựa ở Thái Bình Dương.

Trong Nội chiến Mỹ, phe miền Bắc tẩy chay mía đường của miền Nam, dẫn tới việc mở rộng nhập khẩu hàng của Hawaii, làm cho tiền bạc đổ vào túi các chủ đồn điền mía. Dứa trở thành nông sản xuất khẩu đứng hàng thứ 2 của Hawaii.

Đồng thời, Washington ngày càng quan tâm đến thiết lập đáng kể hiện diện hải quân ở Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, Hawaii là một sự lựa chọn tự nhiên.

Theo lịch sử hải quân Mỹ, Trung tướng John Schofield và Chuẩn tướng B.S. Alexander lên tàu USS California tới Hawaii vào năm 1873 trong một đợt công tác bí mật “nhằm kiểm tra năng lực phòng thủ và các cơ sở có tiềm năng thương mại của quần đảo Hawaii”.

Schofield viết: “Không có cảng nào trong quần đảo này đáp ứng tất cả các điều kiện cần thiết của một cảng lưu trú, ngoại trừ cảng Trân Châu”.

Hai năm sau, Mỹ và Hawaii ký một “hiệp định tương trợ” cho phép Hawaii xuất mía đường miễn thuế nhập khẩu sang Mỹ để đổi lại cam kết không cho bất cứ nước nào khác thuê con lạch Trân Châu.

Lẽ tự nhiên, giới địa chủ mía đường gây sức ép buộc Vua Kalakaua ký vào hiệp định. Đáp lại, Mỹ nhận được quyền tiếp cận một hải cảng được phòng thủ vững chắc ở Thái Bình Dương.

“Quân cảng lý tưởng”

Sau chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha năm 1898, Mỹ sáp nhập Hawaii. Những năm tiếp theo, Mỹ “bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn nhu cầu tăng cường hiện diện quân sự của họ ở Thái Bình Dương”.

Trân Châu Cảng một lần nữa trở thành trung tâm trong các tham vọng Thái Bình Dương của Mỹ.

Chiếc thuyền nhỏ cứu hộ thủy thủ đoàn trên chiến hạm USS West Virgina ở Trân Châu Cảng bị Nhật Bản tấn công vào ngày 7/12/1941. Ảnh: AP.
Chiếc thuyền nhỏ cứu hộ thủy thủ đoàn trên chiến hạm USS West Virgina ở Trân Châu Cảng bị Nhật Bản tấn công vào ngày 7/12/1941. Ảnh: AP.

Trong lời chứng thực trước Hạ viện Mỹ, tướng Schofield cho biết Trân Châu Cảng sẽ là một hải cảng lý tưởng cho một lực lượng hải quân hiện đại. Thông tin này được cung cấp bởi Steve Twomey – nhà báo đoạt giải Pulitzer, tác giả cuốn “Mười hai ngày trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng”.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Twomey nói: “Anh phải hiểu hải quân hiện đại ở đây trong bối cảnh của kỷ nguyên chưa có máy bay”.

Hải cảng này được bảo vệ bằng một lối vào nhỏ hẹp, khiến hải cảng dễ chống đỡ khi bị tấn công bằng tàu từ bên ngoài.

Tuy nhiên đặc điểm trên cũng tạo ra một điểm yếu, bởi lẽ hạm đội bị “thắt cổ chai” – khi đi ra biển cũng đồng nghĩa với việc phải đi qua một con lạch hẹp.

Theo Twomey, đầu thế kỷ 20, Trân Châu Cảng vẫn mang tính chất một tiền đồn hơn là một căn cứ hải quân lớn trong các năm trước Thế chiến 2. Quần đảo ở đây không có dầu hay than, và các tàu Mỹ không biến nơi đây thành một căn cứ dài lâu. “Mọi thứ cần thiết cho hải quân đều phải nhập từ vùng Bờ biển Phía Tây”.

Đây là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển của hải quân Mỹ và sức mạnh toàn cầu của Mỹ.

Tổng thống Theodore Roosevelt lệnh cho hạm đội Bạch Đại, gồm 16 chiến hạm, đi vòng quanh thế gới vào năm 1907.

Trong số các sĩ quan trẻ tham gia hành trình nói trên có Đô đốc Husband Kimmel, người về sau trở thành tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ lúc Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng (vào tháng 12/1941).

Căn cứ tại Trân Châu Cảng dần dần mở rộng quy mô trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Vào năm 1911, con kênh dẫn vào cảng đã được nạo vét để các tàu lớn có thể vào được, vẫn theo lịch sử Hải quân Mỹ.

Tàu USS California là tàu cỡ lớn đầu tiên đi vào kênh này.

Sau đó khu vực này nhanh chóng có thêm trạm tiếp than, trại lính thủy quân lục chiến, kho đạn, bệnh viện, căn cứ tàu ngầm.

Tới năm 1940, Washington bắt đầu lo ngại về Nhật Bản – quốc gia này lúc đó ngày càng quân phiệt và bành trướng. Một lần nữa, Trân Châu cảng lại là câu trả lời cho vấn đề mà họ đối mặt.

Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt lệnh cho toàn bộ hạm đội Thái Bình Dương, gồm gần 100 tàu, di chuyển tới Trân Châu Cảng để ngăn chặn Nhật Bản mở rộng lãnh thổ.

Tổng thống Roosevelt, vốn là trợ lý Bộ trưởng Hải quân của Mỹ, không ngần ngại tham gia vào các chi tiết nhỏ nhất của chính sách hải quân. Twomey nói “Roosevelt tự xem mình là một chuyên gia hải quân”.

Twomey cho biết, việc hạm đội Thái Bình Dương tới đây đã nâng Trân Châu Cảng lên một tầm cao mới. “Sức mạnh chiến đấu của Trân Châu Cảng đã lên tới mức cao nhất”.

Điểm yếu

Cũng vì đông quân và đông tàu bè hơn nên hải cảng này hay bị tắc nghẽn. Phải mất hàng giờ thì toàn bộ hạm đội mới thoát ra được biển trong trường hợp bị tấn công.

Đây là một điểm yếu mà một số vị chỉ huy khi đó cũng đã nhận ra. “Lượng nước ở đây là quá ít cho một số lượng lớn tàu hải quân như vậy”.

Không lâu sau thì xảy ra trận tấn công bất thần do máy bay Nhật thực hiện.

Mặc dù vậy, lịch sử Trân Châu Cảng không kết thúc vào ngày 7/12/1941. Căn cứ này vẫn là một cơ sở cung cấp chính cho mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến 2 và sau này là một căn cứ hậu cần của Mỹ trong các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam.

Năm 2010, sân bay và hải cảng Trân Châu được sáp nhập để tạo ra căn cứ liên hợp Trân Châu Cảng-Hickam.

Trong những năm gần đây, Lầu Năm Góc cho biết họ có kế hoạch chuyển trọng tâm trở lại Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ ngày càng quan ngại về Trung Quốc và lượng quân của Mỹ ở Iraq và Afghanistan giảm dần.

Sử gia hải quân Mỹ Guy Nasuti nhận định: Nước Mỹ “đã” cần Trân Châu Cảng, và bây giờ vẫn cần./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN (Dịch từ USA Today)