1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

“Lấy nhu thắng cương”: Thái Lan đã thực sự thoát hiểm?

(Dân trí) - Thay vì sử dụng các biện pháp cứng rắn với người biểu tình, chính phủ Thái Lan đã lựa chọn giải pháp thả nổi. Chiến thuật lấy nhu thắng cương này của Thủ tướng Yingluck Shinawatra dường như đã phát huy hiệu quả, cho dù đây chỉ là sự hạ nhiệt tạm thời.

“Lấy nhu thắng cương”: Thái Lan đã thực sự thoát hiểm?
Hình ảnh hiếm hoi giữa những con người ở hai chiến tuyến tại Thái Lan. Nhưng liệu tinh thần này sẽ kéo dài được bao lâu?

Từ nhiều ngày qua, phe đối lập chống chính phủ Thái Lan đã liên tục biểu tình rầm rộ ở thủ đô Bangkok, chiếm giữ trụ sở nhiều cơ quan, kể cả tổng hành dinh lục quân.

Họ cũng phong tỏa Tòa nhà chính phủ và trụ sở Cảnh sát quốc gia với quyết tâm “sống mái” đến cùng với nữ Thủ tướng Yingluck cho đến khi “dòng họ Shinawatra phải thoái lui khỏi chính trường Thái Lan”.

Dưới bàn tay dàn dựng của một số phần tử quá khích, không ít cuộc đụng độ đã xảy ra, buộc cảnh sát phải dùng đến hơi cay và vòi rồng. Con số 4 người thiệt mạng và hơn 250 người bị thương do đụng độ đe dọa một lần nữa đẩy chính trường Thái Lan vào vòng xoáy bất tận như những năm trước đây, mà điển hình là cuộc khủng hoảng năm 2010 dưới thời của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Khi đó, theo lệnh của chính phủ, quân đội đã thẳng tay trấn áp và giải tán các cuộc biểu tình kéo dài của phe Áo đỏ đối lập ở thủ đô Bangkok, làm 90 người thiệt mạng và hơn 1.900 người bị thương.

Có lẽ rút kinh nghiệm từ các cuộc biểu tình bất ổn liên miên trước đây vốn đẩy nền kinh tế Thái Lan vào những bước thụt lùi dài, chính phủ của bà Yingluck đã lựa chọn biện pháp “lấy nhu chế cương” để tháo ngòi khủng hoảng vào phút chót.

Thay vì tiếp tục sử dụng các biện pháp cứng rắn với người biểu tình, nữ Thủ tướng Thái Lan ra lệnh cho cảnh sát thu hồi hơi cay và vòi rồng, đồng thời dỡ bỏ toàn bộ các rào chắn bằng bê tông và thép gai để người biểu tình được tự do vào những nơi họ muốn. Kết quả thật bất ngờ. Không còn những cảnh hò hét hay đập phá manh động mà thay vào đó là những cái bắt tay, những cái vỗ vai thân mật và cả nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của những người mới chỉ trước đó ít giờ còn nhìn nhau bằng con mắt “đằng đằng sắc khí”.

Trên thực tế, chiến lược này đã được bà Yingluck áp dụng ngay từ khi các cuộc biểu tình nổ ra. Thực tế cho thấy phe đối lập (hiện nay là lực lượng Áo vàng) không hề vấp phải sự phản ứng quyết liệt nào từ lực lượng an ninh. Chính phủ Thái Lan hy vọng, cùng với thời gian và sự phản ứng mềm mỏng của mình, phong trào biểu tình sẽ dần tự hụt hơi.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chiến thuật này có phát huy hiệu quả lâu dài khi thủ lĩnh cuộc biểu tình Suthep Thaugsuban đã công khai khẳng định đây chỉ là thế “hòa hoãn tạm thời” trước ngày sinh nhật Nhà vua, nhân vật được tôn kính nhất ở Thái Lan. Trong tuyên bố đưa ra ngay sau khi người biểu tình rút khỏi đường phố chiều 3/12, ông Suthep nói rằng chỉ vài ngày nữa thôi, làn sóng biểu tình sẽ được nối lại cho tới khi chính phủ của bà Yingluck bị lật đổ.

Lập trường cứng rắn của ông Suthep - cựu Phó thủ tướng và là người đang bị truy nã vì tội chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính - đang làm dấy lên quan ngại cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ quay trở lại vào cuối tuần với mức độ nghiêm trọng hơn sau khi ngày sinh nhật Nhà vua (5/12) qua đi, cho dù bà Yingluck đã cố gắng “lựa chọn sự xuất hiện ở thế yếu, không dùng vũ lực hay đưa ra tối hậu thư để làm cho người dân bị tổn thương”.

Quan ngại này càng có thêm cơ sở nếu chiểu theo tuyên bố đầy thách thức gần đây trên truyền hình của ông Suthep về cuộc gặp bí mật với Thủ tướng Yingluck: “Tôi đã nói với bà Yingluck rằng đây là lần duy nhất và lần cuối cùng tôi gặp bà ta cho tới khi quyền lực được trao trả cho nhân dân. Tôi đã nói với bà Thủ tướng rằng giải pháp duy nhất là chuyển giao quyền lực cho nhân dân. Sẽ không có sự mặc cả nào và tình trạng này phải kết thúc…”.

Đức Vũ