1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Lầu Năm Góc: “Vì sao tàu chiến Nga vẫn áp sát Syria dù đã hết tập trận?”

(Dân trí) - Lầu Năm Góc hoài nghi về sự hiện diện của hơn 10 tàu chiến Nga ở khu vực gần Syria dù cuộc tập trận của Moscow đã kết thúc.

Tàu hộ vệ Pytlivy, theo sau là tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov, của Hải quân Nga đi qua eo biển Bosphorus trong hành trình tới Địa Trung Hải ngày 24/8. (Ảnh: Reuters)
Tàu hộ vệ Pytlivy, theo sau là tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov, của Hải quân Nga đi qua eo biển Bosphorus trong hành trình tới Địa Trung Hải ngày 24/8. (Ảnh: Reuters)

Lầu Năm Góc vẫn đang theo dõi và đặt ra nghi vấn về sự hiện diện của 12 tàu chiến được Hải quân Nga triển khai ở phía đông Địa Trung Hải gần lãnh thổ Syria. Các mục tiêu tại Syria được cho là đều nằm trong tầm tấn công của dàn tàu chiến này.

“Hải quân Nga đã triển khai lực lượng đông đảo các khí tài hải quân tới gần Syria với hơn 12 tàu chiến, trong đó có nhiều tàu mang tên lửa Kalibr”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon nói với CNN, đề cập tới tên lửa hành trình uy lực do Nga sản xuất.

Sự hiện diện của các tàu chiến Nga ở Địa Trung Hải diễn ra trong bối cảnh tình báo Mỹ nhận định rằng các lực lượng Syria với sự hậu thuẫn của Nga sẽ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở y tế tại tỉnh Idlib - một trong những thành trì cuối cùng còn sót lại của phiến quân và khủng bố tại Syria.

Các quan chức NATO, những người bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của dàn tàu chiến Nga hùng hậu, cho biết tàu của các nước đồng minh NATO trong khu vực, gồm Hà Lan, Canada, Hy Lạp và Tây Ban Nha, vẫn đang theo dõi sát sao mọi diễn biến của các tàu Nga.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó nói rằng việc nước này đồng loạt triển khai 26 tàu và 34 máy bay là để tham gia tập trận quân sự Vostok-2018 - cuộc tập trận lớn nhất của Nga từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ hoài nghi tại sao các tàu của Nga vẫn hiện diện ở khu vực gần Syria ngay cả khi cuộc tập trận đã kết thúc.

“Nga nói rằng sự hiện diện (của các tàu chiến) là để tiến hành cuộc tập trận quân sự và họ đã tuyên bố rằng tập trận đã kết thúc. Vậy câu hỏi đặt ra là, vì sao sự hiện diện của hải quân Nga trong khu vực vẫn tăng lên? Liệu còn lý do nào khác không?”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Pahon nói.

Các quan chức Mỹ khác cho rằng các tàu chiến Nga có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Idlib để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hãng tin Interfax dẫn nguồn thạo tin cho biết tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Bulkeley của Mỹ ngày 12/9 đã đi vào khu vực Địa Trung Hải thông qua eo biển Gibraltar. Theo Interfax, với việc triển khai tàu USS Bulkeley, lực lượng Mỹ tại khu vực hiện thời có thể sở hữu 200 tên lửa hành trình Tomahawk sẵn sàng tấn công Syria nếu được lệnh.

Mối đe dọa khủng bố tại Idlib

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 13/9 cho biết các phần tử khủng bố tại Idlib đã sẵn sàng cho một cuộc phản công dài hạn nhằm dập tắt ý định ký thỏa thuận đình chiến của các phiến quân.

“Căng thẳng ngày càng gia tăng tại Syria và khu vực lân cận. Diễn biến trên thực địa phức tạp nhất ở tỉnh Idlib, nơi căng thẳng leo thang vì có rất đông các phần tử khủng bố. Các phiến quân đang tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho một cuộc phản công lâu dài, loại bỏ thủ lĩnh của các phe nhóm đối lập và sẵn sàng tấn công vào các thành phố như Aleppo và Hama”, bà Zakharova cho biết.

Idlib là tỉnh duy nhất của Syria vẫn do các nhóm vũ trang bất hợp pháp kiểm soát. Năm 2017, một vùng giảm căng thẳng đã được thành lập tại Idlib cho phép các phiến quân hạ vũ khí và sơ tán cùng gia đình. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hiện có khoảng 10.000 phiến quân từ các nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra và Al-Qaeda. Nếu chính quyền Syria giành quyền kiểm soát Idlib, các hoạt động quân sự quy mô lớn tại Syria sẽ chấm dứt.

Thành Đạt

Tổng hợp