1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lầu Năm góc đơn độc trong cuộc đối đầu với Nga, Trung

Tuần trước, tại Diễn đàn Quốc phòng Quốc gia Reagan, giới quan chức hàng đầu của Lầu Năm góc cảnh báo về cuộc chiến quyền lực sắp tới với Nga và Trung Quốc.

Thế nhưng cách thức tiếp cận của Washington với hai cường quốc này thì lại cho thấy nhiều nhánh khác trong chính quyền Mỹ có cách tiếp cận khác trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter có bài phát biểu đề dẫn tại diễn đàn được tổ chức ở California, những thuộc cấp của ông đã gửi đi thông điệp rằng vị bộ trưởng sẽ có những đánh giá quan trọng về Nga và Trung Quốc sau khi kết thúc chuyến công du tới châu Á. “Chúng tôi sẽ không tìm kiếm chiến tranh Lạnh hay Nóng với Nga. Chúng tôi không muốn biến Nga thành kẻ thù. Nhưng không được nhầm lẫn: Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình và đồng minh trật tự thế giới có nguyên tắc và tương lai tích cực”, ông Carter nói.

Bộ trưởng Mỹ chỉ trích Nga về “xâm lấn lãnh thổ” Ukraine, Gruzia (điều mà Moskva luôn phản bác). Ông cũng “khiển trách” Moskva về cái gọi là can dự quân sự không tích cực ở Syria và hé lộ Lầu Năm góc đang thực thi một loạt các biện pháp “có cái được tiết lộ, có cái phải giữ bí mật” để đẩy lùi sự “hiếu chiến” của Nga và Trung Quốc.

Lầu Năm góc đơn độc trong cuộc đối đầu với Nga, Trung - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều người của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đánh giá cao những phát biểu của ông Carter, coi đó là những đánh giá “đúng mực” về cuộc ganh đua quyền lực có thực và ngày một gia tăng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc. Họ cũng lưu ý một điểm, ông Carter thường có những tuyên bố cứng rắn hơn cả so với nhiều quan chức cấp cao khác của Mỹ khi đề cập đến hai nước trên.

“Bộ trưởng Carter đưa ra đánh giá tổng quan mang tính thực chất và trực diện hơn khi nói đến những thách thức an ninh quốc gia, khác hẳn với định hướng tiếp cận của chính quyền Mỹ trong các vấn đề liên quan đến Nga, Syria, Ukraine hay thậm chí cả Trung Quốc” - Eric Edelman, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Bush nói.

Tại cuộc điều trần trước Thượng viện để phê chuẩn chức danh Bộ trưởng, ông Carter đã không ngần ngại nói rõ ý tưởng chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraine – điều mà Tổng thống Barack Obama không ủng hộ. Phụ tá hàng đầu của ông Carter về Nga, Evelyn Farkas, người mới nghỉ hưu gần đây có nói rằng Lầu Năm góc vẫn theo đuổi ý định vũ trang cho Ukraine, nhưng xu hướng này đã bị Nhà Trắng gạt đi.

Trong bài phát biểu tại California hôm 7/11, ông Carter nghi ngờ đối sách của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Nga liên quan đến khủng hoảng của Syria (xem Nga đóng một vai trò quan trọng) sẽ mang lại kết quả. Điều này cũng khác biệt hẳn so với những gì mà giới chức ngoại giao hàng đầu trong chính quyền Mỹ thể hiện. Đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken vẫn tin tưởng rằng Moskva sẽ chấp nhận một tiến trình chính trị thực chất ở Syria.

Liên quan đến Trung Quốc, Lầu Năm góc cũng ngầm “đi ngược” Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ khi cho rằng cần phải có những phản ứng cứng rắn hơn trước việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Hồi tháng 6, ông Carter cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không chấp nhận yêu sách đòi tàu chiến Mỹ đứng ngoài khu vực 12 hải lý quanh các cấu trúc này.

Thế nhưng để biến điều đó thành hiện thực, Lầu Năm góc đã phải chờ đến hàng tháng trời mới có được sự đồng ý của Nhà Trắng về thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngay cả khi được bật đèn xanh thì Bộ Quốc phòng Mỹ cũng được lệnh phải thực thi có giới hạn, giảm thiểu tối đa nguy cơ đối đầu trực diện với Trung Quốc. Đó là tàu tuần tra không được bật các thiết bị cảm biến, không có trực thăng vũ trang bay lượn ở phía trên.

Sau khi tàu khu trục tên lửa USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh bãi Xu Bi, giới chức Lầu Năm góc mau mắn khẳng định Mỹ rất nghiêm túc trong việc phản bác các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về khu vực 12 hải lý đối với các đảo nhân tạo xây trái phép này. Thế nhưng nhiều báo cáo thì nói rằng vụ “xâm nhập” của tàu USS Lassen không phải là cách thức thường thấy đối với một chiến dịch tự do hàng hải.

Tại Diễn đàn hôm 7/11 vừa rồi, giới chức Lầu Năm góc còn tiết lộ Nhà Trắng cũng “cấm” quan chức quốc phòng đề cập công khai về chiến dịch trên. Thế nhưng chính ông Carter đã buộc phải công nhận điều đó khi bị các nghị sĩ Mỹ chất vấn tại phiên điều trần hồi tuần trước.

Các chuyên gia nói rằng, tàu USS Lassen thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng hải, nhưng thông điệp thì chẳng rõ ràng chút nào. “Để bảo đảm Trung Quốc và các nước trên thế giới hiểu đúng về điều gì đã xảy ra, Lầu Năm góc nên giải thích cơ sở pháp lý cho chiến dịch, làm rõ thông điệp muốn truyền tải”, hai học giả Bonnie Glaser và Peter Dutton chuyên nghiên cứu về Trung Quốc viết trên tờ National Interest (Mỹ).

Trong phần cuối Diễn đàn, cấp phó Bob Work thậm chí còn có những đánh giá “khắc nghiệt” hơn ông Carter khi nói với những thách thức dài hạn mà Trung Quốc và Nga có thể gây ra cho Mỹ. “Chúng ta có hai cường quốc đối thủ. Đây là điều hoàn toàn khác biệt, một thực tế mà chúng ta chưa từng gặp trong hơn 25 năm qua” – ông Work bày tỏ.

Thế nhưng có lẽ ông và giới chóp bu ở Lầu Năm góc đều thấu hiểu một điều: Ngay cả ông Carter cũng không có trong tay quyền hành muốn làm những gì cho là cần thiết. Mấu chốt nằm ở chỗ Washington còn chưa có cách tiếp cận rõ ràng về hai đối thủ quyền lực. Mọi việc sẽ không tiến triển cho đến khi chính quyền mới lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2016.

Theo Hoài Thanh/Bloomberg

baotintuc.vn

Lầu Năm góc đơn độc trong cuộc đối đầu với Nga, Trung - 2