1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lập vùng cấm bay, Putin buộc Mỹ nhảy theo “vũ điệu Nga”

Mỹ đã phải dừng toàn bộ các chuyến oanh tạc của máy bay có người lái ở vùng trời phía bắc Syria, nơi các hệ thống phòng không Nga án ngữ.

Điều thêm hệ thống phòng không Buk, buộc Mỹ dừng không kích

Ngày 19-12, hãng tin Mỹ Bloomberg đã bình luận rằng, Washington sợ các hệ thống tên lửa phòng không mà Nga mới điều đến Latakia để bảo vệ không phận phía bắc Syria (giáp với phía nam Thổ Nhĩ Kỳ) và chấp nhận luật chơi của Nga ở khu vực này là “cấm bay vô tổ chức”.

Bài viết cho biết, từ khi Nga điều chuyển các hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa tối tân là S-400 và hệ thống phòng không tầm trung Buk đến triển khai xung quanh sân bay Hmeymim-Latakia, không quân Mỹ chấm dứt các phi vụ oanh tạc của máy bay có người lái ở miền bắc Syria.

Bài viết của Bloomberg bình luận rằng, Liên minh phương Tây đã phải đối mặt với những thách thức mới trong cuộc chiến chống "Nhà nước Hồi giáo" IS, vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga đã mang lại hậu quả quá lớn đối với Mỹ, tạo cớ cho Moscow triển khai đủ loại tên lửa phòng không ở Syria.

Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, Washington đã buộc phải ngừng tất cả các chuyến bay quân sự ở miền bắc Syria vì lo ngại những tổ hợp tên lửa S-400 và "Buk" (NATO: SA-17) mà Nga mới điều chuyển thêm đến áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong nội bộ chính giới cấp cao Mỹ, các quan chức đang thảo luận về bước đi tiếp theo để đối phó với hành động quân sự của Nga. Tình hình nghiêm trọng đến mức, nếu không giải quyết ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược chính trị và ngoại giao của Mỹ ở Syria và Trung Đông.

Người phát ngôn Bộ Chỉ huy trung ương không quân Mỹ Tim Smith chỉ trích việc Nga tăng cường các hệ thống tên lửa phòng không ở Syria, bao gồm SA-17, là một bằng chứng nữa cho thấy Moscow và chính quyền Syria đang “phá rối” chiến dịch không kích của liên quân quốc tế chống IS.

Lập vùng cấm bay, Putin buộc Mỹ nhảy theo “vũ điệu Nga” - 1

Ông Putin đã lập ra một vùng cấm bay ở miền bắc Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải nêu vấn đề này trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15-12 vừa qua tại Moskva. Còn Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân John Dunford cũng buộc phải có các cuộc tham vấn với đồng cấp Nga.

Tướng lĩnh Mỹ nhấn mạnh rằng, tên lửa phòng không của Nga hoàn toàn không thể ngăn chặn bước tiến của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, bởi IS không hề có không quân. Do đó, hành động của Nga được Mỹ coi là thừa thãi và “hết sức nguy hiểm”

Việc điều chuyển thêm các hệ thống phòng không Buk đã làm phá sản những nỗ lực của liên quân do Mỹ đứng đầu và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, ngay sát phía tây sông Euphrates, được mệnh danh là “Ô số 4” (Box 4).

Sau khi các hệ thống này bắt đầu hoạt động, radar của chúng đã quét vào các máy bay Mỹ. Lầu Năm Góc đã buộc phải dừng tất cả các chuyến bay bằng máy bay chiến đấu có người lái, dù vẫn duy trì hoạt động của máy bay không người lái trên không phận “ô số 4”.

Hành động mạnh dạn của Điện Kremlin không chỉ tái lập trật tự quân sự trong khu vực, mà còn áp đặt luật chơi riêng của mình lên Nhà Trắng. Đã đến lúc Moscow lập ra một khu vực phòng không mà ở đó, Nga sẽ cấp phép cho không quân Mỹ được thực hiện các chuyến bay.

Trong cuộc họp báo dài hơn 3 tiếng hôm 17-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thắn công khai việc ông coi chiến dịch quân sự ở Syria là cuộc diễn tập quân sự liên hợp cực lớn và là sự khảo nghiệm cực kỳ bổ ích cho lực lượng không quân, lực lượng phòng không và tình báo Nga.

Lập vùng cấm bay, Putin buộc Mỹ nhảy theo “vũ điệu Nga” - 2

Nga đã chuyển thêm các hệ thống Buk đến Latakia

“Chúng ta chỉ tổ chức các chiến dịch riêng biệt, sử dụng không quân, hệ thống phòng không, tình báo. Khó có thể tưởng tượng được một bài tập nào hiệu quả hơn dành cho quân đội. Chúng ta có thể luyện tập ở đó trong một thời gian dài mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách” - ông Putin mô tả.

Siết Thổ Nhĩ Kỳ và giành lợi thế trên bàn đàm phán

Cùng lúc, Nga cũng mở rộng quy mô không kích quân khủng bố tại đây, giúp lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad thu được nhiều chiến thắng quan trọng ở miền bắc và miền trung Syria, giành quyền kiểm soát một vùng chiến trường rộng lớn sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm 25-11, Liên Hiệp Quốc đã công bố hội nghị hòa bình quốc tế về Syria sẽ bắt đầu vào ngày 22-1-2016 tại Geneva. Đây sẽ là cuộc đối mặt đầu tiên giữa chính phủ của Tổng thống Bashar Assad và phe đối lập kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu diễn ra ở Syria hồi tháng 3-2011.

Một số chuyên gia phương Tây nhìn nhận, với việc tăng cường triển khai tên lửa phòng không kết hợp với đẩy mạnh không kích ở miền Bắc Syria, Nga và quân đội Syria đang cố gắng tạo ra những chiến thắng rõ nét trên chiến trường, mở rộng tối đa vùng kiểm soát của quân chính phủ, trước khi bước vào đàm phán.

Quân sự là công cụ không thể thiếu của chính trị và ngoại giao, những thắng lợi trên chiến trường là nền tảng cho những điều kiện trên bàn đàm phán, diện tích kiểm soát thực tế lãnh thổ Syria sẽ là yếu tố mấu chốt để chính quyền của ông Assad nắm ưu thế trong quá trình đàm phán hòa bình.

Cựu đại sứ Mỹ ở Syria Robert Ford cho rằng Nga còn có mục đích khác khi mở rộng chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria, đó là gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara rất quan tâm đến khu vực biên giới với Syria bởi nước này hỗ trợ các nhóm quân nổi dậy ở Ả Rập Sunni ở đây, đặc biệt là Turkmen.

Cựu Đại sứ Ford cho rằng, Nga đang tìm cách phong tỏa Thổ Nhĩ Kỳ để chặn đường tiếp viện của Ankara cho các nhóm đối lập ở đây và đồng thời bóp nghẹt luôn các nhóm đối lập ôn hòa do Mỹ hậu thuẫn. Điều này sẽ đưa đến những hệ lụy lớn cho kế hoạch lật đổ chính quyền Assad của Nhà Trắng.

Các quan chức Mỹ cũng cáo buộc, với việc máy bay chiến đấu Mỹ ngừng hoạt động tại “Box 4”, Moscow đang tăng cường chiến dịch phong tỏa biên giới phía bắc Syria. Tên lửa Nga bắn phá nhiều phương tiện thương mại di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang, “cản trở dòng cứu trợ nhân đạo từ Thổ Nhĩ Kỳ”!

Quân đội Mỹ tuyên bố vẫn tiếp tục triển khai máy bay chiến đấu đến các khu vực IS hoạt động, bao gồm các cuộc không kích ở thị trấn Manjib và Mara thuộc miền bắc Syria. Nhưng trên thực tế, chiến dịch không kích bằng máy bay có người lái của Mỹ đã chấm dứt hoàn toàn.

Lập vùng cấm bay, Putin buộc Mỹ nhảy theo “vũ điệu Nga” - 3

Hệ thống phòng không S-400 triển khai ở sân bay Hmeymim.

Lo ngại quân chính phủ Syria chiếm được ưu thế quá lớn có thể sẽ khiến chính quyền Obama quyết định nối lại các đợt không kích trợ giúp phe đối lập, nhưng điều này tiềm ẩn nguy cơ đụng độ cực kỳ nguy hiểm với Nga. Do đó, hiện Washington vẫn trù trừ không dám quyết định.

Tại thời khắc quan trọng, khi các vòng đàm phán đang tới gần, Mỹ và các đồng minh có thắng được chính quyền Damascus trên bàn đàm phán hay không phụ thuộc vào khả năng dồn ép lực lượng trung thành với Tổng thống Assad trên chiến trường của liên quân.

Thế nhưng, Lầu Năm góc dường như vẫn phải chấp nhận các máy bay có người lái bị cấm cửa trên vùng trời “Box 4”, còn máy bay không người lái chỉ đảm nhận được vai trò chiến thuật rất hạn chế, thậm chí 12 chiếc F-15 cũng buộc phải điều khỏi ở Thổ Nhĩ Kỳ để tránh nguy cơ xung đột với Nga.

Cựu chuyên gia phân tích tình báo của quân đội Mỹ Matthew McInnis cho biết, tuy Nga vẫn không tuyên bố lập “Vùng phòng không” nhưng trên thực tế ông Putin đã lập hẳn “Vùng cấm bay” và Mỹ đang phải miễn cưỡng làm ngơ trước hiện trạng Moscow gạt không quân nước này ra khỏi không phận Syria.

Mỹ không những không ép được Nga, mà Washington còn buộc phải “nhảy theo vũ điệu của người Nga”. Lầu Năm Góc thậm chí còn nói rằng sẽ "chấp nhận những luật chơi" được Điện Kremlin đề ra. Rõ ràng là chính quyền Obama đang thể hiện rõ sự bất lực trước hành động cứng rắn của ông Putin.

Lập vùng cấm bay, Putin buộc Mỹ nhảy theo “vũ điệu Nga” - 4

Máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã không dám bay vào Syria.

Hiện nay, không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã không còn dám bén mảng vào vùng trời phía bắc Syria. Mỹ đã buộc phải ra lệnh chấm dứt sứ mệnh thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của Ankara ở Syria, trong khuôn khổ hoạt động của liên minh, để tránh khả năng Nga bắn rơi máy bay chiến đấu của nước này.

Sau khi bắn hạ trên không phận Syria máy bay Su-24 của Nga vào ngày 24-11, các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã không dám tiến hành vụ không kích nào ở vùng trời Syria, bởi Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-400 "Triumph", Buk, Pantsir-S tại Latakia.

Hãng Reuters dẫn nguồn tin trong liên minh do Mỹ dẫn đầu cho hay, điều này đã được thực hiện để ngăn chặn gia tăng xung đột giữa Moscow và Ankara. Hiện nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tham gia hoạt động cung cấp hậu cần và tình báo, cũng như cung cấp căn cứ quân sự.

Theo Toàn Thắng

Đất Việt